Nhiều chứng cứ xác thực về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam

Sáng 23-10 tại Đại học Chosun (Gwangju, Hàn Quốc) đã diễn ra hội thảo quốc tế “Thực trạng vấn đề chủ quyền Biển Đông và Giải pháp” do Đại học Chosun và Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức.

Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn; Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Chosun Suh Jae-hong; các giáo sư, nhà nghiên cứu của Hàn Quốc thuộc Đại học Chosun, Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á, Viện Giáo dục Ngôn ngữ, Viện Nghiên cứu Đảo Dokdo, Khoa Việt Nam học (Đại học Chungwoon); các giáo sư đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Việt Nam) cùng đông đảo sinh viên Việt Nam, Hàn Quốc và sinh viên quốc tế đang học tập tại Đại học Chosun.

Phát biểu khai mạc, ông Suh Jae-hong nhấn mạnh với mục tiêu cùng nhau trao đổi thẳng thắn, cởi mở về những quan điểm, chứng cứ lịch sử liên quan, hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ đưa ra những giải pháp mang tính khuyến nghị, góp phần giúp các nước giải quyết vấn đề tranh chấp trong hòa bình, giữ ổn định trong khu vực.

Đại sứ Trần Trọng Toàn nhấn mạnh: “Đây là một cuộc hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực trong bối cảnh các tranh chấp lãnh thổ trên biển và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa ngày càng diễn ra gay gắt tại khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Nếu vấn đề này không được giải quyết phù hợp và thỏa đáng có thể dẫn tới tình hình căng thẳng trong quan hệ giữa các nước liên quan, thậm chí có thể dẫn đến xung đột vũ trang trên biển, đe dọa tự do giao thông, an toàn và an ninh hàng hải”.

Theo Đại sứ Trần Trọng Toàn, thời gian qua, các nước ASEAN và Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực để xử lý các tranh chấp có liên quan ở Biển Đông. ­Trong khi chờ đợi xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các nước ASEAN đã thông qua Nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông. Là một quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời Việt Nam cũng có chủ quyền, quyền chủ quyền đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982. Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thể hiện rõ và nhất quán. Đó là: Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Hướng dẫn thực hiện DOC giữa ASEAN và Trung Quốc, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cam kết tích cực cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán để sớm ký COC với Trung Quốc theo đúng tinh thần Nguyên tắc 6 điểm. Việt Nam yêu cầu các nước tôn trọng quyền lợi chính đáng của Việt Nam là một quốc gia ven biển, trong đó có các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế đã được quy định trong luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Việt Nam cho rằng duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực là mong muốn chung, lợi ích chung và trách nhiệm chung của tất cả các nước liên quan.

Tại cuộc hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận tập trung làm rõ những chứng cứ lịch sử liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông. Giáo sư chuyên ngành Việt Nam học Lee Yun-boem thuộc Trường Đại học Chungwoon (Hàn Quốc) đã đi sâu phân tích, đánh giá về những giải pháp mà Việt Nam đã và đang tiến hành nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Giáo sư Lee Yun-boem nhấn mạnh Việt Nam công khai kiên quyết giữ vững lập trường đối với vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thể hiện trên hai nội dung chính: Thứ nhất, Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử minh bạch chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Thứ hai, Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Trong khi đó, Giáo sư Ahn Kyong-hwan thuộc Đại học Chosun cho rằng về mặt lịch sử, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được chứng minh một cách rõ ràng là đã được Việt Nam cai quản một cách hiệu quả. Theo giáo sư, việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc duy trì hòa bình thế giới và thúc đẩy nền kinh tế khu vực. Tuy nhiên, vấn đề chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là vấn đề khó có thể giải quyết nếu chỉ bằng nỗ lực của riêng Việt Nam mà cần phải có sự chia sẻ và thấu hiểu của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, theo giáo sư, việc tổ chức các cuộc hội thảo khoa học định kỳ với sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia để cùng chia sẻ các tài liệu lịch sử và tìm kiếm biện pháp giải quyết hòa bình là việc làm có ý nghĩa to lớn.

Về những căn cứ lịch sử liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông, Tiến sĩ Isabel, Viện Giáo dục Ngôn ngữ thuộc Đại học Chosun, có tham luận “Căn cứ và sự thật lịch sử về chủ quyền quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam”, trong đó khẳng định rằng: “Không chỉ từ luật quốc tế và thực tiễn của tình hình quốc tế mà cả từ những kết luận và chứng cứ lịch sử đã được đề cập, có thể đưa ra ba luận điểm quan trọng sau: Thứ nhất, Việt Nam chứ không phải quốc gia nào khác đã sở hữu một cách thực chất quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ lâu. Thứ hai, từ sau thế kỷ 17, trong hàng trăm năm, Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo phương thức hòa bình và liên tục. Thứ ba, Việt Nam đã bảo đảm được danh phận và quyền lợi hợp pháp để đối phó với các ý đồ và hành động xâm phạm chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)