Những đề xuất mở rộng phạm vi tài trợ của Quỹ NAFOSTED

Trong giai đoạn tới, bên cạnh duy trì tốt những vấn đề đã làm được trong hơn 10 năm tài trợ cho khoa học, Quỹ NAFOSTED nên chú trọng việc mở rộng hơn phạm vi hoạt động của mình.

Hội đồng khoa học Hội đồng liên ngành Triết học, chính trị học, xã hội học nhiệm kỳ 2019-2021. Nguồn: NAFOSTED

Tại cuộc gặp mặt 7 hội đồng khoa học ngành/liên ngành KHXH&NV nhiệm kỳ 2016-2018 và nhiệm kỳ 2019-2021, GS. TS Phạm Quang Minh (chủ tịch Hội đồng liên ngành Triết học, chính trị học, xã hội học) cho rằng, để tiếp tục tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi cho các nhà khoa học Việt Nam như hơn 10 năm qua, Quỹ NAFOSTED cần chú ý vào ba điểm quan trọng:

Thứ nhất, cần xóa bỏ sự bất bình đẳng tồn tại trong đầu tư cho nghiên cứu giữa hai lĩnh vực KHTN và KHXN&NV, ví dụ ở góc độ kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu thì trong 10 năm qua, kinh phí dành cho KHXH&NV chỉ bằng 1/7 KHTN. “Mặc dù không cần nhiều thiết bị máy móc phụ trợ như KHTN nhưng nhiều ngành KHXH&NV cũng cần kinh phí đầu tư”;

Thứ hai, cần mở rộng thêm mối liên kết với các quỹ và các trường, viện ở ngoài nước, đặc biệt với các quỹ châu Á để có thể chia sẻ nguồn lực đầu tư, ý tưởng nghiên cứu, thậm chí không nên giới hạn tài trợ cho nhà nghiên cứu Việt Nam mà có thể tham gia tài trợ cho nhà khoa học quốc tế làm nghiên cứu về Việt Nam. “Điều đó không chỉ quảng bá cho khoa học Việt Nam mà còn là cơ hội đóng góp cho nền học thuật thế giới”;

Thứ ba, thay vì chỉ tài trợ cho nghiên cứu của các nhà khoa học, Quỹ nên có phạm vi tài trợ rộng hơn cho các hoạt động khoa học như giao lưu với các học giả quốc tế, tham gia các hội thảo hội nghị ở nước ngoài hoặc những chuyến công tác ngắn hạn… để khuyến khích các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam mở rộng mối quan hệ, học hỏi nghề nghiệp. Đây cũng là cách để Quỹ NAFOSTED có thể hỗ trợ việc đào tạo nguồn nhân lực khoa học của đất nước, không chỉ qua việc thực hiện các đề tài nghiên cứu như hiện nay. 

Đồng tình với quan điểm này, nhiều thành viên các hội đồng ngành và liên ngành khác như GS. TS Lê Hồng Lý, PGS.TS Mai Quỳnh Nam (Hội đồng ngành Văn hóa học, nghiên cứu nghệ thuật, thông tin đại chúng và truyền thông), PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn (ngành Kinh tế học)… cũng cho rằng, việc đầu tư cho các nhà khoa học trẻ tham gia các hoạt động quốc tế cũng như hỗ trợ tổ chức các hội thảo quốc tế tại Việt Nam sẽ góp phần nâng cao tiềm lực của KHXH&NV nước nhà.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh đến vai trò của họ trong quá trình phát triển của nền khoa học Việt Nam, “các nhà quản lý cũng chỉ đóng góp một phần, điều chính yếu là đóng góp của cộng đồng khoa học thông qua các công trình nghiên cứu, các tư vấn, phản biện chính sách…” Do đó, trong phạm vi quản lý của mình, Bộ KH&CN sẽ nỗ lực tạo điều kiện cho các nhà khoa học tiếp tục cất lên tiếng nói của khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực KHXH&NV. 

Tác giả