Nước ngầm toàn cầu giảm 17 km3 mỗi năm
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Colorado và Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri (Mỹ) đã tiến hành lập bản đồ tình trạng mất trữ lượng nước ngầm trên toàn thế giới.
Họ phát hiện dung lượng lưu trữ của tầng ngậm nước toàn cầu đang giảm xuống với tốc độ khoảng 17km3 mỗi năm, tương đương với thể tích của 7.000 Kim tự tháp Giza (Ai Cập) cộng lại. Kết quả nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Nature Communications vào tháng 10/2023.
Tài nguyên nước toàn cầu ngày càng cạn kiệt do biến đổi khí hậu và sự gia tăng dân số của con người. Các nông trại và khu đô thị đang chuyển sang sử dụng nguồn nước ngầm nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu, gây ra hiện tượng sụt lún đất và sụp đổ tầng chứa nước.
Mỹ, Trung Quốc và Iran chiếm phần lớn lượng nước ngầm bị mất trên toàn cầu, với một số khu vực xảy ra hiện tượng lún đất hơn 5 cm/năm. Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận tỷ lệ lún đất cao ở cả khu vực canh tác nông nghiệp và đô thị của Afghanistan, Uzbekistan, Azerbaijan và Syria, những nơi trước đây không có bất kỳ dữ liệu nào ghi nhận tác động tiêu cực của việc khai thác nước ngầm.
Hầu hết các quốc gia châu Âu có mức độ lún đất thấp dưới 1 cm/năm, nhưng điều này vẫn có nguy cơ gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng và những vùng đất ven biển chịu tác động của hiện tượng nước biển dâng. Các hậu quả khác của lún đất bao gồm ô nhiễm asen và xâm nhập mặn, cả hai đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm còn lại.
Quốc Hùng và nhóm tác giả thực hiện
Nguồn: Sciencedaily.com
(Bài đăng ở Báo Khoa học và Phát triển số 45)