Ô nhiễm tác động đến rừng ngập mặn vườn quốc gia Xuân Thủy theo mùa

Lần đầu tiên, một nghiên cứu về nhóm sinh vật chỉ thị ô nhiễm cho thấy tác động theo mùa của các nguồn ô nhiễm lên hệ sinh thái ở Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Vào mùa mưa, số lượng chim sinh sống tại VQG Xuân Thủy tăng gấp ba so với các vùng đất ngập nước khác. Nguồn: VQG Xuân Thủy

Đây là kết quả rút ra từ công bố “Fecal indicator bacteria diversity and decay in an estuarine mangrove ecosystem of the Xuan Thuy National Park, Vietnam” (Sự đa dạng của vi khuẩn chỉ thị đường ruột và sự phân hủy trong hệ sinh thái rừng ngập mặn cửa sông của Vườn quốc gia Xuân Thủy, Việt Nam) của GS. TS Lê Thị Mai Hương (Viện Hóa học hợp chất thiên nhiên, VAST), PGS. TS. Lê Thị Phương Quỳnh, TS. Lê Như Đa, ThS. Hoàng Thị Thu Hà (Viện Hóa học, VAST), TS. Hoàng Văn Vinh (ĐHQGHN) xuất bản trên Journal of Water and Health.

Nằm trên vùng đất ngập nước chịu ảnh hưởng của thủy triều, chất lượng nước thượng nguồn sông Hồng, VQG Xuân Thủy cũng chịu ảnh hưởng của các hoạt động sống, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản… của con người. Việc thay đổi mục tiêu sử dụng đất cũng dẫn đến làm gia tăng ô nhiễm vùng ven biển, trong đó có các khu rừng ngập mặn. Vậy mức độ ảnh hưởng của con người đối với hệ sinh thái VQG Xuân Thủy như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng nhóm vi khuẩn chỉ thị đường ruột (Fecal indicator bacteria FIB) như chỉ số coliform, trực khuẩn đường ruột và vi khuẩn Escherichia coli – một chỉ thị sinh học phổ biến trong đánh giá sự nguy hiểm của mầm bệnh từ phân của động vật máu nóng trong các hệ sinh thái thủy sinh, đánh giá chất lượng nước…

Trong mùa khô và mùa mưa năm 2017 và 2018, họ lấy 11 mẫu hiện trường tại các địa điểm khác nhau ở ba khu rừng ngập mặn ở VQG Xuân Thủy, gồm 1) nơi phát triển nhất và ít hoạt động của con người, 2) rừng đã bị phá trong vòng 5 năm và 3) rừng trồng 3 đến 7 năm tuổi để ước tính tỉ lệ sống chết, nồng độ của nhóm vi khuẩn trong nước biển và nhận diện được nguồn ô nhiễm trực khuẩn. Kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm cho thấy có sự hiện diện của các vi khuẩn FIB trong các môi trường rừng ngập mặn. ở rừng ngập mặn Xuân Thủy, không có sự khác biệt về mức độ xuất hiện của chỉ số coliform, trực khuẩn đường ruột và vi khuẩn Escherichia coli giữa các vị trí lấy mẫu. Dù chỉ số coliform tương đồng ở khắp các địa điểm lấy mẫu nhưng có thay đổi theo mùa: thấp nhất trong mùa mưa và cao nhất trong mùa khô. Nguyên nhân dẫn đến nồng độ thấp ở mùa mưa có thể là do lượng nước gia tăng, nước mưa pha loãng nồng độ vi sinh vật có trong hệ sinh thái ngập nước. Nhìn chung, nồng độ cao của vi khuẩn coliform tại các địa điểm lấy mẫu cho thấy khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người với các bệnh dịch từ nước.

Bên cạnh đó, các chỉ số còn cho thấy, chủ yếu nguồn gốc của nhóm vi khuẩn chỉ thị là từ con người cũng như động vật trong vùng. Tỉ lệ vi khuẩn FC/FS cao nhất ở rừng trồng vào mùa khô chỉ dấu ô nhiễm từ con người được tích lũy theo thời gian còn vào mùa mưa chỉ có một nguồn nhiễm duy nhất từ tự nhiên, khi số lượng chim sinh sống tại đây tăng gấp ba so với các vùng đất ngập nước khác – lên tới 40.000 chim di cư. Đáng chú ý là trong cả hai mùa ở các rừng bị chặt phá, các nguồn ô nhiễm chủ yếu do chất thải gia cầm, vật nuôi và thức ăn từ nuôi trồng thủy sản như cá, nghêu sò…

Nhìn chung, dù các vi sinh vật gây ô nhiễm không thể sống sót lâu trong nước biển nhưng qua nghiên cứu thì có sự suy giảm của các loại coliform ở cả hai mùa sau khoảng 5 ngày nhưng khác nhau về mùa bởi tốc độ suy giảm nhanh hơn trong mùa khô.

Tất cả các địa điểm lấy mẫu đều có nồng độ coliform vượt quá giới hạn quy định đối với các nguồn cung cấp nước riêng lẻ, phi thương mại. Do FIB có mối liên hệ chặt chẽ với các bệnh do vi sinh vật trong nước nên việc sử dụng nước ở đây có thể nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Các nhà khoa học đề xuất cần phải có thêm sự giám sát và theo dõi chất lượng nước ở VQG Xuân Thủy.

Tác giả

(Visited 49 times, 1 visits today)