Phát triển nghề nuôi yến: Cần sự tham gia của nhà khoa học

Để nghề khai thác yến đảo và nuôi chim yến ở Việt Nam phát triển bền vững, cần một chương trình R&D dài hạn tập hợp được lực lượng cán bộ khoa học, phòng thí nghiệm, trạm thực nghiệm, xây dựng cơ sở dữ liệu, trao đổi thông tin quốc tế.

Đó là ý kiến của nhiều nhà khoa học tại hội thảo Phát triển nghệ nuôi chim yến tại Việt Nam theo định hướng phát triển bền vững, diễn ra vào ngày 22-10 tại Hà Nội.

Các nhà khoa học cũng nhận định, các đề tài nghiên cứu cần được tập trung vào bao gồm: phân loại, phân bố địa lý các loài chim yến cho tổ sử dụng; sinh học/sinh thái học các loài chim yến ở đảo, chim yến nuôi; kỹ thuật/công nghệ nuôi yến lấy tổ; công nghệ chế biến/bảo quản/tiếp thị tổ yến và các dẫn xuất từ tổ yến; cơ hội/thách thức cho phát triển bền vững; công tác quản lý/chính sách/kế hoạch; công tác nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế…

Một trong những thành công trong công tác R&D về chim yến ở Việt Nam được giới thiệu tại hội thảo là nghiên cứu về quần thể đàn chim yến hàng ở Việt Nam dưới góc độ tiếp cận cơ sở sinh học phân tử của PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn và cộng sự tại Viện Sinh thái và Tài nguyên môi trường sinh vật, ĐHSP Hà Nội.

Theo kết quả điều tra khảo sát năm 2014 của công ty Yến sào Khánh Hòa, toàn quốc có trên 200 hang yến, chủ yếu tập trung tại Khánh Hòa và có trên 2.000 nhà yến thuộc 36 tỉnh thành trên cả nước. Số lượng nhà yến chủ yếu tập trung tại vùng Nam trung bộ (27,93%), Đông Nam bộ (32,75%), Tây Nam bộ (36,80%). Quần thể chim yến ở Việt Nam đang tăng nhanh do ấp nở nhân tạo, nhân đàn của các cơ sở nuôi chim yến. Tuy nhiên nghề nuôi chim yến phát triển tự phát, nhiều địa phương chưa có quy hoạch cụ thể dẫn đến rủi ro cho người nuôi và ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển đô thị. Điều đó về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả ngành nghề nói chung và lợi ích của mỗi thành viên nói riêng.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)