Phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng đồng vị phóng xạ đầu tiên ở Việt Nam

Phòng thí nghiệm vể đồng vị phóng xạ đầu tiên ở Việt Nam đặt tại Bệnh viện Quân y 175 (TPHCM) sẽ tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu trong chẩn đoán, điều trị ung bướu tại Việt Nam.

Ngày 23/10, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu ứng dụng đồng vị phóng xạ đã ra mắt. Đây là kết quả hợp tác giữa Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nơi duy nhất ở Việt Nam sở hữu lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân, và Bệnh viện Quân y 175, một trong những đơn vị năng động về áp dụng các phương pháp điều trị y học hạt nhân hiện đại ở khu vực phía Nam.

Theo thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị, phòng thí nghiệm sẽ tập trung vào việc thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu liên quan đến ứng dụng đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ. Kết quả từ các đề tài, dự án này sẽ được ứng dụng lâm sàng trong việc chẩn đoán và điều trị ung bướu tại bệnh viện Quân y 175 cũng như các bệnh viện, cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng đồng vị phóng xạ.

Trước mắt, phòng thí nghiệm sẽ được trang bị một thiết bị có chức năng tách chiết đồng vị phóng xạ Technetium-99M, Iod -131…, Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt sẽ có trách nhiệm kiểm chứng và đảm bảo chất lượng thiết bị này. Phòng thí nghiệm sẽ cung cấp sản phẩm đồng vị phóng xạ cho các cơ sở ứng dụng trong điều trị tại địa bàn TPHCM và các địa phương lân cận như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Nhân dân 115… Khi thực hiện được nhiệm vụ này, Phòng thí nghiệm sẽ góp phần “chia lửa” với Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nơi duy nhất trong cả nước sản xuất và cung cấp đồng vị phóng xạ. Hiện dù đã hoạt động 130 đến 150 giờ liên lục với công suất 500 KW nhưng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt mới chỉ cung cấp đủ 50% nhu cầu của các cơ sở y tế trong nước.

Về lâu dài, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Bệnh viện Quân Y 175 sẽ cùng bàn bạc về việc bổ sung thêm trang thiết bị sản xuất dược chất phóng xạ như lò Cyclotron sản xuất chất FDG-F18 dùng cho cho máy chụp cắt lớp PET/CT, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cơ sở y tế và xa hơn là có đủ nguồn dược chất dự trữ để kịp thời ứng phó nếu xảy ra sự cố bức xạ hạt nhân.

Phòng thí nghiệm sẽ tiếp tục được trang bị máy móc sản xuất dược
chất phóng xạ
FDG-F18 dùng cho máy chụp cắt lớp PET/CT.

Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Bệnh viện Quân y 175 sẽ còn ký kết hợp tác với Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM để đưa Phòng thí nghiệm này trở thành đơn vị duy nhất của Việt Nam có nhiệm vụ kiểm tra các sản phẩm dược chất phóng xạ và đồng vị phóng xạ nhập khẩu, trong đó Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt sẽ đảm trách việc kiểm tra các chỉ tiêu phóng xạ (độ dính kết hạt nhân phóng xạ, hoạt độ phóng xạ…), còn với Viện Kiểm nghiệm thuốc là các chỉ tiêu không phóng xạ (chỉ tiêu hóa lý, độ vô trùng của sản phẩm…)  

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Nhị Điền – Viện trưởng Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt và Thiếu tướng PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Bệnh viện 175, việc nghiên cứu tại phòng thí nghiệm sẽ giúp cả hai đơn vị phát huy năng lực nghiên cứu, đào tạo và thúc đẩy quá trình ứng dụng sản phẩm mới trong thực tiễn chẩn đoán và điều trị bệnh ung bướu tại Việt Nam.

 

 

Tác giả

(Visited 36 times, 1 visits today)