Ra mắt bộ “Tự điển chữ Nôm dẫn giải”
Kiến thức uyên bác, phương pháp cập nhật và lao động phi thường - đó là những từ mà  giới chuyên môn dành tặng GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng, người biên soạn và tự tay chế bản bộ Tự điển chữ Nôm dẫn giải dày hơn 2.300 trang vừa được ấn hành.
Bộ “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” xuất bản lần này đã sưu tập 9.200 hình chữ Nôm khác nhau, trong đó có tới gần 3.000 chữ Nôm tự tạo chưa hề có mặt trong các tự điển khác. Các từ đều được phân tích cấu trúc, giải nghĩa và dẫn văn cảnh từ 124 văn bản Nôm thuộc nhiều loại hình khác nhau – truyện, thơ, hịch, diễn ca v.v, sớm nhất từ thế kỷ 12. Con số văn bản dẫn giải này vượt xa các bộ tự điển chữ Nôm từng xuất bản trong và ngoài nước trước đây. GS Hồng cho biết, ông đã suy nghĩ về bộ tự điển này nhiều năm và mất bảy năm để biên soạn.
Phát biểu tại lễ ra mắt, PGS Trịnh Khắc Mạnh, đồng nghiệp của GS Nguyễn Quang Hồng ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhận định, đây là bộ tự điển chữ Nôm kiểu mới, với dung lượng lớn hơn và chất lượng cao hơn so với các tự điển chữ Nôm trước đây, thể hiện kiến thức uyên bác, phương pháp cập nhật và những quan niệm mới về cấu trúc chữ Nôm (phân biệt cấu trúc hình thể và cấu trúc chức năng, cấu trúc chiều sâu và cấu trúc bề mặt) cũng như về môi trường hành chức chữ Nôm…
Bên cạnh đó, PGS Trịnh Khắc Mạnh cũng nhấn mạnh nỗ lực phi thường của GS Hồng khi biên soạn bộ tự điển trong điều kiện không có kinh phí của nhà nước đầu tư như các công trình khoa học khác, mà chỉ nhận được sự hỗ trợ phần nào trong khâu chế bản, in ấn của Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (Hoa Kỳ) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu có mặt tại buổi ra mắt đều đánh giá cao bộ tự điển, cho đây là một công cụ hữu ích dành cho các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa hay dân tộc học. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Tự điển chữ Nôm dẫn giải được biên soạn chỉ để dành cho giới chuyên môn bởi, bất kỳ người đọc bình thường nào cũng có thể lần tìm trong công trình này những hiểu biết thú vị về lai lịch, ý nghĩa của rất nhiều từ quen dùng hằng ngày qua những câu thơ hay, những câu văn đẹp. “Các cụ già ở quê có thể dùng bộ tự điển này để đọc các hoành phi, câu đối ở ngay ngôi chùa, ngôi đình của làng mình,” GS Nguyễn Quang Hồng nói về một trong những đối tượng độc giả mà công trình của ông muốn hướng tới.
Riêng soạn giả từ điển Bùi Thiết bày tỏ một chút ước ao, giá như bộ tự điển có thêm những từ Nôm sưu tầm từ vùng Nghệ An. “Tôi mới lướt qua bộ tự điển và không thấy một số chữ nôm rất quen thuộc của vùng Nghệ An như chữ ‘trộ’,” ông nói. Đáp lại, GS Nguyễn Quang Hồng chia sẻ, không có bộ từ điển nào là đầy đủ, và trong bộ tự điển này, ông đã tham khảo không ít văn bản từ miền trung, như gia phả hay những bài viết bằng chữ Nôm của các chức sắc địa phương. Nhưng ông cũng thừa nhận, “Nếu nói là thiếu thì ở bộ tự điển này còn thiếu nhiều từ nôm sưu tập từ phương nam.”
Trước khi cho ra mắt bộ Tự điển chữ Nôm dẫn giải đồ sộ, GS Nguyễn Quang Hồng từng chủ biên Tự điển chữ Nôm (Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006). Đặc biệt, ông đã nhiều năm tham gia nhóm chuyên gia nghiên cứu chữ Nôm như một nhân vật chủ chốt, cùng các chuyên gia tin học trong và ngoài nước xây dựng bảng mã chữ Nôm và đưa chữ Nôm vào bảng mã chuẩn quốc tế IRG/ISO.
Chữ Nôm ra đời từ bao giờ, chứng cứ còn lưu lại hết sức ít ỏi, khó kiểm chứng được một cách chính xác. Khi mới xuất hiện, chữ Nôm thuần túy mượn dạng chữ Hán để ghi âm tiếng Việt cổ. Dần dần phép ghép hai chữ Hán lại với nhau để tạo ra chữ mới, một phần gợi âm, một phần gợi ý được dùng ngày càng nhiều và có hệ thống hơn. Số lượng sáng tác bằng chữ Nôm tăng dần trong suốt 500 năm từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20.
Được biết, nhóm chuyên gia của GS Nguyễn Quang Hồng đã đưa vào kho chữ chung quốc tế tổng cộng 9.299 chữ Nôm Việt, trong đó số chữ không trùng hình với chữ của các nước trong khu vực khoảng 4.200 chữ. Hiện các nhà khoa học cũng đang có kế hoạch đưa khoảng 2.000 chữ Nôm Tày vào bảng mã chuẩn quốc tế.