Ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành

Ngày 13/1, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành trực thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu khoa học chuyên sâu và toàn diện về khảo cổ học đô thị, các vấn đề lịch sử, văn hóa liên quan đến các di tích thành cổ của Việt Nam trong lịch sử.

Đến dự và phát biểu tại lễ công bố, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam cho rằng, sự ra đời của Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành – đơn vị thứ 31 của Viện, là hết sức cần thiết cho công tác nghiên cứu, không chỉ về Hoành thành Thăng Long mà cả những kinh thành khác đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam.

Trên thực tế, Trung tâm đã được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 28/4/2011 với tiền thân là Ban chủ nhiệm dự án Hoàng Thành Thăng Long trực thuộc Viện Khảo cổ học (Viện KHXH Việt Nam). Trong phạm vi hoạt động của mình, Trung tâm sẽ tiến hành điều tra, nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử, văn hóa gắn liền với công tác bảo tồn di vật, di tích; đào tạo trong lĩnh vực khảo cổ học đô thị; cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Đến nay, Trung tâm đã cơ bản hoàn thành dự án Chỉnh lý, nghiên cứu, bảo quản và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long, đồng thời bàn giao khu A – B của khu di tích Hoàng thành Thăng Long cho UBND TP. Hà Nội quản lý từ ngày 28/12/2011 vừa qua. Một khu trưng bày di tích, di vật đặt tại tầng hầm của tòa nhà Quốc hội cũng đang được Trung tâm nghiên cứu xây dựng nội dung và tổ chức thiết kế.

Tác giả