Rất cần các nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp
Phát biểu tại buổi giao lưu, gặp mặt giữa các đại biểu Quốc hội và đại diện các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) diễn ra tối 16/6/2010 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong nhấn mạnh tầm quan trọng của các đóng góp KH&CN đối với tăng trưởng KT-XH đất nước và đánh giá cao các hiệu quả hoạt động trong nghiên cứu và kinh doanh của “các nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp và các nhà doanh nghiệp có tình yêu và niềm tin vào khoa học”.
Bộ KH&CN đã mời đại diện của hơn chục doanh nghiệp có các sản phẩm mang hàm lượng KH&CN cao, có tinh thần hoạt động nhằm thay đổi bộ mặt công nghệ Việt và nhiều đơn vị, tổ chức KH&CN có những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu KH&CN tới buổi gặp mặt và giao lưu với các đại biểu Quốc hội. Thí dụ như đại diện Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Pasteur TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (TP.HCM), Công ty cổ phần Robot TOSY, Công ty cổ phần dịch vụ thông tin Naiscorp…
Bộ trưởng Hoàng Văn Phong cũng “hy vọng đến nằm 2020 sẽ có khoảng từ 10.000-20.000 doanh nghiệp KH&CN được hình thành ở Việt Nam, đem lại doanh thu cỡ vài chục tỉ USD cho đất nước”.
Đại diện các doanh nghiệp KH&CN có mặt trong buổi giao lưu với đại biểu QH |
Hầu hết đại diện các doanh nghiệp có mặt trong buổi giao lưu với các đại biểu Quốc hội đã nói lên mong muốn “chung tay, góp sức để thay đổi hình ảnh công nghệ Việt trên bản đồ thế giới, đưa các ứng dụng nghiên cứu khoa học, công nghệ của Việt Nam ra thị trường quốc tế”.
Với mục tiêu làm ra công nghệ Việt để phục vụ người Việt, Công ty cổ phần dịch vụ thông tin Naiscorp đã giải quyết các vấn đề bài toán về tiếng Việt và phân phối thông tin trên mạng. Một số sản phẩm của công ty được các hãng công nghệ thông tin lớn của Mỹ như Google, IBM, IDG đặt hàng mua. “Những sản phẩm của chúng tôi có hàm lượng công nghệ cao và chúng tôi luôn không ngừng nghiên cứu và cải tiến sản phẩm để đáp ứng như cầu của thị trường trong nước và quốc tế”, ông Nguyễn Xuân Tài, vị Giám đốc điều hành (CEO) còn rất trẻ tuổi của Naiscorp khẳng định.
Tương tự như vậy, ông Hồ Vĩnh Hoàng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành mới 29 tuổi của TOSY cũng mong muốn các sản phẩm robot của công ty sẽ giúp thay đổi vị trí của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, đưa công nghệ của Việt Nam ra thị trường toàn cầu. “Không chỉ đảm bảo các sản phẩm robot công nghệ chất lượng cao, chúng tôi đang tạo ra một cuộc cách mạng về giá trên thị trường thế giới”, ông Hoàng phát biểu. Các sản phẩm của TOSY bao gồm robot đồ chơi, robot công nghiệp và robot dịch vụ. Hiện sản phẩm robot đồ chơi của TOSY đã có mặt tại 10 nước trên thế giới. “Sau khi tham dự triển lãm tự động hóa thế giới Automatica 2010, vừa diễn ra tại Đức, chúng tôi đã có thêm nhiều đối tác trên thế giới như Adept, Motoman…”, ông Hoàng chia sẻ.
Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ĐH Quốc gia TP HCM) cũng cho biết sau khi trung tâm của ông thành công trong việc thiết kế và đưa ra sản phẩm chip vi xử lý đầu tiên của Việt Nam, tên của Việt Nam đã được đưa vào bản đồ vi mạch của thế giới. “Để tạo ra được một ngành công nghiệp vi mạch và bán dẫn phục vụ cho công nghiệp, nông nghiệp và đặc biệt là phục vụ an ninh quốc phòng của Việt Nam, rất cần có sự nâng đỡ và trợ giúp ban đầu của Nhà nước, đặc biệt là từ phía Bộ KH&CN”, ông Hoàng nói.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội tham dự buổi giao lưu, Giáo sư Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao những kết quả mà các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN đã đạt được trong thời gian qua. “Chúng tôi đã có ấn tượng tốt sau hai chuyến thăm mới đây tại Trung tâm phần mềm và giải pháp an ninh mạng (BKIS) và Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình). Hôm nay lại được giao lưu trực tiếp với các doanh nghiệp KH&CN khác. Những điều này giúp chúng tôi biết nhiều hơn về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, có cái nhìn toàn diện hơn về doanh nghiệp KH&CN”, Giáo sư Minh nói.
Ông cũng cho biết trong thời gian tới, các đại biểu Quốc hội sẽ có nhiều ý kiến hơn tại Quốc hội, tạo điều kiện để KH&CN tiếp tục phát triển mạnh tại Việt Nam.
Thanh Hà