Sau 20 năm thành lập: Quỹ NAFOSTED vẫn là điểm sáng của ngành Khoa học
Cách đây hai thập niên, một chính sách đầu tư cho KH&CN mới, công khai, minh bạch và tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế đã góp phần đem lại sự ảnh hưởng sâu rộng với cả nền khoa học Việt Nam - Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED).
Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và 15 năm hoạt động của NAFOSTED, diễn ra vào ngày 6/12/2023, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong, một trong những nhân vật chủ chốt của quá trình vận động và triển khai chính sách này, đã đánh giá vai trò quan trọng của NAFOSTED trong quá trình phát triển của KH&CN Việt Nam “Với một cơ chế vận hành khác biệt so với vận hành của các chương trình KH&CN Quốc gia do Bộ KH&CN quản lý và tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, Quỹ đã góp phần làm thay đổi hoàn toàn hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam”.
Ông nhắc đến hai văn bản liên quan đến hoạt động của Quỹ, hai văn bản quan trọng, “trước hết là Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới phương thức hoạt động và cơ chế quản lý KH&CN, thứ hai là quyết định của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Luật KH&CN, thành lập Quỹ Phát triển KH&CN”.
Trong khuôn khổ buổi lễ, những người đã chứng kiến và thúc đẩy quá trình vận động thành lập và hoạt động của Quỹ như nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong, nguyên Thứ trưởng Lê Đình Tiến, nguyên giám đốc Quỹ Phan Hồng Sơn… đều nhắc lại những bước đi ban đầu để cho ra đời một cơ quan tài trợ cho khoa học theo cơ chế quỹ đầu tiên ở Việt Nam. “Từ khi có quyết định của chính phủ về việc thành lập NAFOSTED cho đến khi cơ quan này đi vào hoạt động mất gần 5 năm học hỏi kinh nghiệm các mô hình quốc tế, đặc biệt là Quỹ Khoa học Thụy Sĩ, các cán bộ của Bộ KH&CN mới từng bước xây dựng điều lệ, các văn bản pháp quy cần thiết cho hoạt động”, nguyên bộ trưởng Hoàng Văn Phong nói và cho rằng, có hai điểm mới của NAFOSTED so với các chương trình đầu tư cho KH&CN khác của Bộ KH&CN, thứ nhất là được bố trí kinh phí ngay từ đầu năm tài chính theo mức vốn điều lệ quỹ; thứ hai là thành lập các hội đồng khoa học, nơi có quyền tự chủ rất cao và chịu trách nhiệm đánh giá, xét chọn đề tài cũng như sản phẩm nghiệm thu một cách minh bạch.
Cơ chế hoạt động ấy đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng khoa học Việt Nam. “15 năm hoạt động tài trợ, hỗ trợ của NAFOSTED đã được cộng đồng khoa học ghi nhận. NAFOSTED đã trở thành kênh tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học có uy tín đối với các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN tại Việt Nam”, TS. Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ phát biểu. Dù kinh phí tài trợ, hỗ trợ hàng năm không lớn nhưng “hoạt động của Quỹ bước đầu đã phát được huy hiệu quả tích cực, góp phần đưa hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam nâng cao chất lượng theo hướng hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao…”.
Việc áp dụng một chính sách với những quy tắc vận hành tài trợ, hỗ trợ theo thông lệ quốc tế qua mô hình NAFOSTED đã đem lại cho khoa học Việt Nam nhiều thay đổi, không chỉ ở số lượng công bố quốc tế mà còn ở những nhà khoa học có các công trình xuất bản trên các tạp chí hàng đầu chuyên ngành… Có một điểm mà hầu như nhà quản lý và nhà khoa học nào trong lễ kỷ niệm cũng đều nhắc đến: môi trường khoa học minh bạch mà Quỹ góp phần tạo dựng đã làm đảo chiều hiện tượng “chảy máu chất xám” khi nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam ở nước ngoài đã chọn con đường trở về.
Cho đến hiện nay, NAFOSTED vẫn là một điểm sáng cơ chế, “góp phần làm thay đổi diện mạo của KH&CN Việt Nam” như nhận định của giáo sư Ngô Việt Trung, người đã từng gắn bó với Quỹ trong hội đồng khoa học ngành Toán học nhiều nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, để giữ vững được vị thế này của mình trong những năm tới, NAFOSTED sẽ phải vượt qua được những thách thức hiện nay như sự thay đổi của cơ chế tài chính, những xáo trộn của môi trường khoa học do xuất hiện tình trạng chạy theo số lượng công bố, “mua bán” bài, xuất bản trên các tạp chí “săn mồi”. □