Tăng cường vai trò tự giám sát, phản biện của giới KH

Phải tăng cường vai trò tự giám sát, phản biện của giới khoa học với các hoạt động KH&CN thực hiện theo cơ chế tài chính mới - đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014 của ngành KH&CN do Bộ KH&CN tổ chức tại Hà Nội ngày 17/1 vừa qua.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ KH&CN cho biết công tác xây dựng cơ chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm qua, theo đó hành lang pháp lý về KH&CN đã được hoàn thiện thêm một bước cơ bản với việc Quốc hội chính thức thông qua Luật KH&CN (sửa đổi), làm cơ sở cho những chính sách đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính trong KH&CN, chính sách trọng dụng đội ngũ cán bộ KH&CN trong nước và ở nước ngoài.

Các quy định mới đã bước đầu được triển khai áp dụng vào các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, theo phương thức đặt hàng và có địa chỉ áp dụng kết quả nghiên cứu. Năm 2013 có 266 nhiệm vụ chuyển tiếp và 83 nhiệm vụ thuộc kế hoạch năm 2013 trong chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước được triển khai thực hiện. Hành lang pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của ba chương trình quốc gia được hoàn thiện cơ bản. Bộ KH&CN đã phê duyệt đề án khung của ba sản phẩm quốc gia là “vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi”, “thiết bị nâng hạ có sức nâng lớn”, và “an ninh mạng”; đồng thời phối hợp với các Bộ ngành xây dựng và xem xét các đề án khung cho những sản phẩm quốc gia khác.

Bộ KH&CN cho biết trong năm 2013, số lượng các công trình nghiên cứu cơ bản và lượng trích dẫn quốc tế tăng 9,4% so với năm 2012 và xếp vị trí thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 57 trên thế giới. So với năm 2012, số lượng các sáng chế tăng 38,6%, số giải pháp hữu ích tăng 44,3%, số kiểu dáng công nghiệp tăng 23,7%. Số lượng công nghệ và thiết bị được giao dịch trên các sàn giao dịch công nghệ tăng 33,5%, giá trị giao dịch tăng 11,5%.

Một số thành tựu khoa học có ý nghĩa quan trọng đáng kể về kinh tế – xã hội, như “giải mã genome một số giống lúa bản địa của Việt Nam” cung cấp nguồn dữ liệu quý giá để tầm soát các gene chức năng, định vị chính xác các gene đích trên bản đồ, và giúp chọn lọc cá thể mang gene đích một cách chính xác phục vụ công tác lai tạo giống; nghiên cứu thành công vắc-xin cúm A/H5N1 cho gia cầm bằng chủng NIBRG 14 tái tổ hợp; chế tạo thiết bị gia công lạnh phục vụ công nghệ xử lý thép sau khi tôi; chế tạo thành công các panel điều khiển kích thích tổ máy, panel điều khiển tự động thủy lực, rơ le bảo vệ gian máy của thủy điện Hòa Bình, hệ thống chữa cháy rừng đa năng (đã áp dụng ở Kontum và Hòa Bình), v.v.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được ngành KH&CN còn nhiều khó khăn và bất cập cần giải quyết. Nhận thức của xã hội và các cơ quan quản lý của Nhà nước về vai trò, vị trí của KH&CN còn chưa đầy đủ và sâu sắc. Việc ban hành các cơ chế, chính sách mới về KH&CN của Nhà nước còn chậm và nhiều vướng mắc, đặc biệt là các cơ chế, chính sách về tài chính. Kinh phí đầu tư cho KH&CN còn hạn hẹp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Năng lực của đội ngũ quản lý về KH&CN còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu còn thiếu tính chuyên nghiệp tinh thần dấn thân vì sự nghiệp khoa học, ngày càng ít các nhà khoa học đầu ngành trình độ quốc tế. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN còn chậm do thiếu sự đồng bộ giữa ban hành cơ chế chính sách và thực thi.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những thành tựu đã đạt được của ngành KH&CN là đáng khích lệ, cho thấy nếu được sự đầu tư sẽ đem lại những kết quả tốt. Tuy nhiên, trong thời gian tới giới khoa học vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt cần chọn lựa những dự án có giá trị tiềm năng lớn cho kinh tế – xã hội và theo đuổi quyết liệt đến cùng để đem lại sản phẩm có giá trị thuyết phục đối với xã hội. Bộ KH&CN cần tích cực thúc đẩy tiến hành những dự án cụ thể có giá trị thiết thực được triển khai tại các vùng và địa phương, qua đó nâng cao vai trò và vị thế của Bộ và các Sở KH&CN, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời, ông cho rằng thông qua các nhiệm vụ cụ thể như vậy Bộ KH&CN sẽ dễ tìm sự đồng thuận hơn từ các Bộ ngành khác trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù ngành KH&CN.

Đối với công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách của Nhà nước trong quản lý hoạt động KH&CN, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý về cơ chế khoán chi và cơ chế quỹ, yêu cầu xây dựng một cách hợp lý, đảm bảo tính thông thoáng và công khai minh bạch trong công tác đăng ký và các tiêu chí kết quả đầu ra, qua đó giúp nâng cao vai trò tự giám sát và phản biện lẫn nhau của các nhà khoa học để đảm bảo chất lượng và hiệu quả hoạt động KH&CN khi các cơ chế mới này được triển khai áp dụng trong thực tế./.     

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)