Tăng liên kết giữa nghiên cứu khoa học với nông dân

Ngày 3/9, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tới dự có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân,Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu dự hội nghị đã tham quan Triển lãm các sản phẩm khoa học và công nghệ về nông nghiệp chất lượng cao với nhiều gian hàng của các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá lĩnh vực khoa học và công nghệ đã có những đóng góp to lớn trong thành tích phát triển nông nghiệp nước nhà thời gian qua. Ông cho rằng, khoa học và công nghệ cùng với giáo dục-đào tạo là hai yếu tố có tầm quan trọng mang tính quyết định đối với sự nghiệp phát triển tiếp theo của ngành nông nghiệp nước nhà, là tiền đề thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ của nền kinh tế.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đội ngũ các nhà khoa học vừa tích cực đánh giá, tổng kết những kết quả đạt được, vừa tiếp tục nghiên cứu, xây dựng định hướng phát triển và ứng dụng khoa học trong nông nghiệp, phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa, đối mặt với sự cạnh tranh của các sản phẩm từ những nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, 5 năm qua, khoa học và công nghệ đã có những đóng góp cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chọn tạo giống, đổi mới quy trình canh tác, chế biến sau thu hoạch đã đưa năng suất lên cao; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 22% GDP và chiếm trên 1/5 kim ngạch xuất khẩu (trên 27 tỷ USD năm 2012). Trong số đó, một số mặt hàng giữ vị trí đứng đầu thế giới về số lượng như gạo, cà phê, tiêu, điều…

Cũng theo đánh giá của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, bên cạnh những thành tựu đạt được, kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ mặc dù nhiều nhưng chậm được ứng dụng trong thực tế, không tạo được chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Các mô hình liên kết, ứng dụng tiến Bộ Khoa học và Công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như “liên kết 4 nhà”; “cánh đồng mẫu lớn”… chậm được triển khai. Giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp, sức cạnh tranh kém, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp còn thấp. Ngoài ra, lao động nông nghiệp thu nhập còn thấp so với các ngành nghề khác (bình quân dưới 50.000 đồng/ngày) nên không thu hút được lao động cũng như đầu tư trong lĩnh vực này…

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và trên 150 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về quản lý khoa học và công nghệ, khối doanh nghiệp đã đánh giá sâu thành tựu đạt được trong hơn 5 năm qua, đồng thời thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân, vướng mắc của khoa học và công nghệ đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong chuyên đề “Tổng quan nông nghiệp Việt Nam,” nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng đây là thời điểm để nhìn nhận trách nhiệm của khoa học và công nghệ đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống nông dân. Ông Tạn kiến nghị cần đẩy nhanh hơn nữa tỷ xuất cống hiến của khoa học đối với sản xuất nông lâm nghiệp mới có thể đáp ứng những đòi hỏi bức xúc của sản xuất và đời sống nông dân.

Cho rằng, về cơ bản, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng chỉ là theo chiều rộng, tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn đề nghị cần nhanh chóng thực hiện những chính sách đãi ngộ thỏa đáng để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ; thu hút mạnh hơn nữa thanh niên, trí thức trẻ về nông thôn. Đây cũng là thách thức lớn để tạo ra đội ngũ cán bộ giỏi cho ngành khoa học nông nghiệp.

Tổng kết kinh nghiệm công tác của mình về xây dựng nông thôn mới, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Đăng Khoa kiến nghị Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép phát hành Trái phiếu Chính phủ; Trái phiếu Ximăng và chủ động vay các tổ chức tài chính quốc tế để “mở” vốn cho đầu tư xây dựng nông thôn.

Hội nghị cũng ghi nhận những ý của đại diện các doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp; kiến nghị Nhà nước mạnh dạn đặt hàng cho các doanh nghiệp trở thành chủ đầu tư trong các dự án vì đây là đối tượng hiểu rõ nhu cầu của thị trường…

Nguồn:
http://www.vietnamplus.vn/Home/Tang-lien-ket-giua-nghien-cuu-khoa-hoc-voi-nong-dan/20139/214223.vnplus

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)