Thế giới hậu Mỹ trong thế kỷ 21

Với tiêu đề “ Hình ảnh nước Mỹ ngày càng sứt mẻ”, tờ Lefigaro số ra tháng 12 năm 2008 đã dành trọn 1 trang để đăng những phân tích, nhận định và báo động của các chuyên gia nghiên cứu chính trị và giới quan chức Mỹ về uy tín và vị thế ngày càng đi xuống của nước Mỹ trên trường thế giới. Điều gì đã khiến cho nước Mỹ từ một nước được coi là siêu cường không thể thay thế rơi vào tình huống như vậy? Những điều đó cảnh báo gì cho Hoa Kỳ cũng như vị trí bá chủ của nó? Kỷ nguyên mới này sẽ thể hiện như thế nào trên bình diện chiến tranh và hòa bình, kinh tế và thương mại, tư tưởng và văn hóa? Liệu thế giới sẽ như thế nào nếu như nước Mỹ không còn duy trì được vị trí như hiện nay? Cuốn Thế giới hậu Mỹ của Fareed Zakaria do NXB Janh Low & Nesbit xuất bản gồm 7 chương được biên soạn như một công trình nghiên cứu mang tính tổng thể về nước Mỹ và thế giới trong giai đoạn tới, có thể coi là một tác phẩm góp phần giải đáp những câu hỏi nêu trên.

Như tác giả đã nói ngay ở chương đầu, đây không phải cuốn sách nói về sự lụi tàn của nước Mỹ mà là đề cập sự trỗi dậy của những quốc gia khác, theo tác giả là phần còn lại của thế giới. Bằng cách đề cập sự trỗi dậy của phương Đông – sự tăng trưởng mạnh mẽ khắp toàn cầu, vốn chưa từng xảy ra trong lịch sử và kết quả của nó sẽ là các quốc gia trên thế giới không còn chống đối hay đứng ngoài quan sát nữa mà trở thành những người tham gia với những quyền năng của riêng mình. Fareed Zakaria cũng đề cập câu hỏi chính trị hóc búa: Làm cách nào để đạt được mục tiêu quốc tế trong một thế giới có nhiều người tham dự hơn – bao gồm cả Nhà nước và tư nhân, bởi vì theo ông, khi các quốc gia khác trở nên chủ động hơn, không gian rộng lớn dành cho những hành động của nước Mỹ sẽ bị thu nhỏ một cách không thể cưỡng lại. Vì vậy, theo ông thời kỳ tiếp theo sẽ là Thế giới hậu Mỹ, kỉ nguyên được xác lập và định hướng bởi nhiều nơi, nhiều người khác nhau.
Một nội dung đáng lưu tâm khác của tác phẩm chính là nhận định cho rằng hiện nay trong trật tự thế giới mới nổi, các quyền lực phi Tây phương sẽ gìn giữ các nét độc đáo của mình kể cả khi họ trở nên giàu có hơn. Trong số đó, sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ tái định hình bối cảnh kinh tế và chính trị. Cả hai đều đang trở nên quả quyết hơn, phủ một cái bóng to lớn lên trên khu vực và trên toàn thế giới. Chương 4 và chương 5 đã phân tích khá kĩ nguyên nhân đưa tới sự xuất hiện của hai quốc gia này trên trường quốc tế, đồng thời cũng nêu những điều làm cho quá trình nổi lên của mỗi nước có đặc thù riêng. Tác giả cũng khẳng định, không một quốc gia nào có thể thế chỗ Hoa Kỳ. Đây cũng là một nhận định có thể đưa đến nhiều cuộc tranh luận trong giới nghiên cứu Mỹ ở Việt Nam
Về quyền lực, mục tiêu và những lựa chọn của nước Mỹ, hai chương cuối của tác phẩm – chương 6 và 7 đã lấy những kinh nghiệm và bài học của nước Anh để phân tích và suy xét vị thế của nước Mỹ thời hiện tại và tương lai. Tác giả nhấn mạnh Hợp chủng quốc và Hoa Kỳ không còn nắm trong tay quyền hành ghê gớm như hồi năm 1945 hay thậm chí là năm 2000. có nhiều lý do giải thích cho hiện tượng này, trong đó nguyên nhân về chính sách của Nhà nước được coi là cốt lõi. Vì vậy, việc cải cách hệ thống chính trị Mỹ được nhấn mạnh trong chương cuối của cuốn sách. Tuy nhiên, theo Fareed Zakaria, sự trỗi dậy của phần còn lại, dù rằng có thật- nhưng là một tiến trình dài lâu  và chậm rãi. Và nó cũng là một điều khẳng định chắc chắn thêm vai trò không thể thiếu được, dù hoàn toàn khác biệt, của nước Mỹ.
Nói chung, những vấn đề được trình bày trong 7 chương của cuốn Thế giới hậu Mỹ có nội dung khá rộng. Tuy vậy, một điều có thể thấy rõ rằng tác giả đã dày công đi vào cội nguồn của từng câu hỏi để tìm lời giải đáp cho một Thế giới hậu Mỹ, với những vấn đề chính được đề cập ở mỗi chương. Một điều có ý nghĩa hơn cả là những vấn đề được phân tích, tổng hợp ở đấy chứa dựng những nội dung phong phú, đa dạng và sâu sắc. nó bao hàm cả tính lịch sử, tính văn nóa và gắn liền với đó là các luận cứ và minh chứng xác đáng.
Do lập trường và quan điểm của người viết, khi phân tích một số sự kiện trong hệ thống chính trị quốc tế có liên quan đến một số nước như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, hay về một số vấn đề về dân chủ hay nhân quyền…tác giả có cách nhìn nhận và tiếp cận của giới học giả nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là một nguồn thông tin để giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu và tham khảo về nước Mỹ, cường quốc hàng đầu trên thế giới, một đối tác quan trọng của Việt Nam.
Phần trên chỉ là một số nội dung chính được đề cập trong tác phẩm dày 350 trang này. Công trình này được viết bởi một cây bút nổi tiếng của tờ Newsweek International nên đã tạo nên được hứng thú không chỉ của giới nghiên cứu hàn lâm mà cả những độc giả khó tính. Hy vọng rằng tác phẩm Thế giới hậu Mỹ sẽ là một tài liệu tham khảo bổ sung vào nguồn tài liệu dành cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, đặc biệt là những người chuyên sâu về Hoa Kỳ học hay Quan hệ quốc tế và bên cạnh đó là đông đảo bạn đọc.
Có thể nói với bạn đọc một điều rằng cùng với những tác phẩm gần đây được dịch và phổ biến ở Việt Nam như Thế giới phẳng hoặc Chiếc Lexus và cây ô liu của Thomas L.Friedman thì Thế giới hậu Mỹ là một tác phẩm đáng để cho giới nghiên cứu trang bị cho tủ sách nghiên cứu của mình.                              
————
* Diệu Ngọc dịch, NXB Tri thức ấn hành tháng 6-2009.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)