“Thế giới phẳng” và Việt Nam chúng ta

“Thế giới phẳng” của Thomas L. Friedman (NXB Trẻ Tp. HCM - 2006), giống cái bánh mỳ nóng mới ra lò, người mua háo hức như đã từng háo hức với “Chiếc xe Lexus và cây ô-liu” cũng của ông ta cách đây dăm năm. Dư luận khen, chê “Thế giới phẳng” khá phong phú, không ít ý kiến đối chọi nhau – không chỉ ở riêng nước ta, mà ở tất cả những nơi cuốn sách này được cầm đọc trên tay trong cái thế giới “tròn” biến thành “phẳng”. Thế là tốt, là bình thường với nghĩa hợp lý hợp lẽ, và tốt hơn rất nhiều so với chỉ một chiều khen hoặc chê.

Tôi vốn thích đãi cát tìm vàng trong khi đọc, nên xin chia sẻ một vài điều đáng lưu ý dưới đây.

Đúng là một cuốn sách đáng đọc, để thấy thêm bộ mặt muôn vẻ thống nhất và đầy mâu thuẫn, đầy mâu thuẫn nhưng thống nhất trong một thế giới đang trở nên phẳng – nghĩa là trong quá trình toàn cầu hóa ở nấc thang thế kỷ 21. Tuy nhiên, về cơ bản Friedman không nêu được những cái gì thật mới về bản chất của quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra. Khác chăng so với “Chiếc xe Lexus và cây ô-liu”, trong cuốn “Thế giới phẳng” mọi chuyện chứa bên trong cường độ mạnh hơn, vấn đề rối rắm hơn – nhất là những vấn đề thuộc phạm trù “những thách thức phi truyền thống”.

Lúc ấy, khi đọc xong, tôi đã tóm tắt “Thế giới phẳng” trong một câu cho mình để dễ nhớ: “Làm chủ mặt hủy diệt và khai thác mặt sáng tạo của thế giới phẳng, đó là cách ứng xử tối ưu chúng ta nên lựa chọn. Thế giới phẳng có cơ hội cho mọi người, mọi quốc gia. Câu chuyện của chúng ta là nhận biết ra cơ hội và tưởng tượng ra được cách nắm bắt nó, mọi việc bắt đầu từ con người tự do…” Thế nhưng người “học trò” của tôi gọn lỏn: “Thế giới phẳng chứng minh doanh nhân đi tiên phong trong toàn cầu hóa. Ở Việt Nam càng phải làm như vậy cho chính mình!”. Nói ra được câu này, tôi nghĩ “thầy” và “trò” tôi có thể đổi chỗ cho nhau được rồi.

Cuốn sách có ích ở chỗ thông qua “nhân chứng” nhà báo T. L. Friedmam, các xu thế, các làn sóng, và nói chung toàn bộ sự vận động của quá trình toàn cầu hóa, bao gồm cả những làn sóng “chống” (“anti”) – toàn cầu hóa, ở nấc thang thế kỷ 21 được miêu tả sống động, gây nhiều ấn tượng, chủ yếu dưới hình thức những câu chuyện. Cuốn sách quả là dễ đọc cho những bạn đọc bận bịu và muốn giảm bớt căng thẳng trong khi đọc – nghĩa là muốn một chút giải trí, hoặc những bạn đọc còn thiếu thời giờ rong ruổi đó đây nhằm chăm chút cho mình cái nhìn bao quát thế giới ngày nay. Song chính điểm này khiến cho cuốn sách có chỗ này chỗ khác đọc lên chỉ thấy tác giả.

Cuốn sách mang nặng tính báo chí, tính kể chuyện, nên không tránh được có chỗ suy diễn hoặc thiếu lý giải chuẩn xác, thậm chí có chỗ gò ép và phải bàn cãi nhiều – ví dụ những lý giải của tác giả về sự kiện 11 tháng 9 và nhiều sự kiện lớn khác nữa… Bù lại, tác giả đã điểm danh được khá đầy đủ các nhân tố tham gia vào quá trình tạo ra hay chống lại, nhưng chung cuộc vẫn là tạo ra “thế giới phẳng” hôm nay.

“Phẳng” với ý nghĩa quá trình toàn cầu hóa kinh tế kéo theo quá trình toàn cầu hóa mọi mặt đời sống xã hội loài người trên hành tinh này đi vào “luật chơi chung”. Thế giới ngày càng nhiều chuẩn mực chung và những đòi hỏi chung như một lẽ tất yếu – dù là trong khuôn khổ quan hệ song phương hay trong quan hệ đa phương. Quá trình này không đòi hỏi, không chào mời ai tham gia cả. Quá trình này chỉ lạnh lùng đặt ra cho mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân con người sự lựa chọn: Tham gia thì lợi và hại như thế này, không tham gia thì lợi và hại như thế kia; sẽ thăng hoa hay sẽ bị đào thải tùy thuộc vào sự lựa chọn. Không ai có thể một mình một chợ, càng không thể “trúc xinh trúc đứng một mình vẫn xinh!”. Đương nhiên trong cái cái chợ chung này lợi thế bao giờ cũng thuộc về giàu có và khôn ngoan. Có thể ai đó sẽ hỏi: Thế còn đạo đức nằm ở đâu? Xin mọi người tự tìm câu trả lời. Riêng tôi xin thưa cho phần mình: Đạo đức có thể được nuôi dưỡng trong  giàu có và khôn ngoan của trí tuệ, …và hình như khó bảo vệ được trong cái nghèo và lạc hậu.

Khác chăng so với thời “tròn” – xin tạm gọi như vậy, thời “phẳng” ngày nay giàu có hầu như trước hết phụ thuộc vào tầm nhìn toàn cầu, vào trí tuệ, vào khoa học và công nghệ – nhất là công nghệ thông tin, năng lực quản trị & kinh doanh – kể cả với ý nghĩa khai thác nguồn theo chiều mở (opensourcing), khai thác nguồn theo chiều sâu (insourcing), luôn luôn chủ động tạo ra “cầu” mới, xâu chuỗi “cung”… được T. L. Friedman mô tả khá sinh động khi nói về 10 “lực” làm “phẳng” thế giới. Đương nhiên, cũng vì “phẳng”, nên cơ may và rủi ro ngày nay đổi chỗ cho nhau nhanh nhạy chẳng kém sự lưu chuyển trên mạng là bao. Tất cả chính là sức ép của thế giới “phẳng”, tuy nó chẳng chào mời ve vãn ai cả. Mà trong ba thập kỷ vừa qua đã nó gây nên không ít sóng gió trên thế giới, có cả sóng thần (tsunami) nữa. Bước vào thế kỷ 21 sức ép này phức tạp hơn.

“Phẳng” đến mức những khái niệm “địa kinh tế” hay “địa chính trị” vốn chi phối mọi mối quan hệ quốc tế thời chiến tranh lạnh, ngày nay không thích hợp, khó tồn tại nếu không bổ sung thêm nội dung mới, thậm chí trong nhiều trường hợp đã bị thay thế bởi những khái niệm khác trong khung khổ những cam kết mới, những ký kết mới của trật tự thế giới một siêu đa cường – kể cả khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) những Hiệp định thương mại song phương (BTA), Hiệp định Thương mại tự do (FTA)… Một ví dụ: Hai nước đối đầu quyết liệt Việt, Mỹ nay đã bình thường hóa quan hệ với nhau, đang phát triển quan hệ hữu nghi, hợp tác mọi mặt…, dù rằng còn nhiều dị biệt hoặc tồn tại do quá khứ để lại. Xin hỏi, khái niệm địa kinh tế hay địa chính trị nào hàm chứa nổi quan hệ Việt – Mỹ thời nay?

“Phẳng” với ý nghĩa mọi “mấp mô” thuộc mọi phạm trù biên giới, lãnh thổ, sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị – xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa, sự khác biệt về tôn giáo, chủng tộc, lịch sử, địa lý…, tất cả phải được duy trì, được bảo vệ, được xử lý theo hướng góp thêm vào cho tính “phẳng” của thế giới – quốc gia nào cũng phải ứng xử như thế nếu như không muốn tự cô lập mình. Trên thế giới từ lâu đã xuất hiện, đang hình thành, đang phát triển nhiều giá trị chung, văn hóa chung – trong thế giới “phẳng” hôm nay càng như vậy. Hòa đồng vào cái “chung” này để đi lên hay biệt lập, cũng chẳng khác sự lựa trọn đi với tương lai hay ở lại sống chung với quá khứ là bao. Có thể bị nuốt chửng, bị “hòa tan” trong cái chung này? – Nếu bản lĩnh chỉ có đến mức vậy thì cũng xứng đáng nhận số phận như vậy, chẳng có sự thỏa hiệp nào cả. Tuy nhiên, theo tôi, cần bổ sung một điều mới cực kỳ quan trọng mà cuốn sách của T. L. Friedman chưa nêu bật lên được: Văn minh nhân loại ngày nay tạo ra những thuận lợi chưa từng có giúp các nước đi sau thu hẹp khoảng cách phát triển, miễn là cả dân tộc của họ có ý chí, miễn là cả dân tộc của họ có tự do dân chủ để thực hiện ý chí ấy.

Đối mặt với thế giới “phẳng”, mở rộng không gian kinh tế là đòi hỏi sống còn để xây dựng đất nước ta trong thế giới toàn cầu hóa. Nhưng không thể mở rộng không gian kinh tế cho đất nước bằng phát triển kinh tế theo chiều rộng, bằng nền kinh tế nguyên liệu, bằng xây dựng nền kinh tế có xu hướng khép kín và mở rộng những bãi rác, bằng những sản phẩm rất ít giá trị gia tăng, bằng nền kinh tế không có khả năng thường xuyên đổi mới cấu trúc, đưa ra sản phẩm mới, để thường xuyên giành lợi thế cạnh tranh, bằng sự bất lực trước mọi cơ hội cũng như thách thức, bằng nền kinh tế không có khả năng tận dụng mọi nguồn lực của thế giới, không có khả năng biến cả thế giới thành thị trường của mình…”.

Nguyễn Trung

Tác giả