Thế giới sẽ nóng thêm 4 độ C sau 50 năm nữa

Không còn nhiều thời gian để cộng đồng quốc tế đạt được những thỏa thuận giúp giới hạn lượng khí thải ở mức mục tiêu đặt ra là làm tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không quá 2 độ C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp. Còn nếu tiếp tục xu thế hiện nay, nhiệt độ toàn cầu sẽ nóng thêm 4 độ C, có thể là vào năm 2060, như một loạt các công bố khoa học gần đây kết luận.

Một thay đổi lớn như vậy dự kiến sẽ gây ra những trận hạn hán liên tục và kéo dài ở một số vùng trên Trái đất, trong khi các vùng bờ biển sẽ bị ngập mặn do nước biển dâng, và hoàn toàn thay đổi các loại cây nông nghiệp ở những nơi trồng trọt được, nhận định từ Mark New, của trường University of Oxford, Anh. New là tác giả của vài trong số 11 bài tạp chí trên tờ Philosophical Transactions of the Royal Society A. Số tạp chí này đươc phát hành chính thức vào ngày 13 tháng 1 năm 2011, nhưng số ra online đã đăng tải sớm vào ngày 29 tháng 11 tại Cancun, Mexico, đúng vào thời điểm bắt đầu Hội nghị Cơ sở của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu.  

Các nhà ngoại giao có xu hướng tập trung vào những mục tiêu chính trị, ví dụ như sắp xếp lộ trình tới 2020 hay 2050 trong đó làm sao để các thỏa ước chung về giới hạn lượng khí thải đi vào hiệu lực, nhận định từ Niel Bowerman của Đại học Oxford. “Nhưng Mẹ Thiên nhiên chẳng hề quan tâm tới lượng khí thải của chúng ta vào một năm cụ thể nào nó”, nhà vật lý khí tượng nói. “Điều quan trọng là tổng lượng tích lũy khí thải gốc carbon.”

Mark New, đồng nghiệp của Bowerman tại Oxford, đã tính toán rằng để giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C, nhân loại không được phép thải ra quá 1 nghìn tỷ tấn carbon (tương đương với 3,67 triệu tấn CO2) cho tới năm 2200. Vậy mà tới nay, ông nói thêm, “chúng ta đã đi tới hơn nửa đường”. 

Một điều quan trọng khác, như New và các cộng sự khẳng định trong các bài báo, là tốc độ thải khí thải gốc carbon của xã hội. Nếu nó quá cao, hiện tượng nóng lên sẽ diễn ra nhanh hơn khả năng hấp thụ của xã hội. Tốc độ tăng khí thải sẽ lên đến đỉnh điểm trong khoảng một thập kỷ tới, vì vậy, ông nói, “nhu cầu cấp thiết được đặt ra là chặn tốc độ này lại nếu chúng ta muốn tránh nguy hiểm cho thế hệ mình hiện nay”. 

Nhà khoa học khí tượng Richard Betts tại Phòng Khí tượng Vương quốc Anh ở Exeter đứng đầu một nhóm nghiên cứu đánh giá thời điểm khi nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 4 độ C. Họ cân nhắc trên 7 kịch bản sử dụng năng lượng ở mức “đều đặn thường ngày” như hiện nay. 

“Chúng tôi không thực sự biết chúng ta đang đi theo biểu đồ [sử dụng năng lượng và thải khí thải] như thế nào, Betts nói. Nhưng sử dụng những giá trị ngưỡng trên của mức khí thải trong tương lai – dựa trên mức khí thải của các nước phát triển và mức khí thải của các nước đang công nghiệp hóa mạnh mẽ như Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ thải ra hằng năm – “chúng ta có thể dự đoán nhiệt độ sẽ tăng thêm 4 độ C vào những năm thập kỷ 2060”, Betts nói. 

Có nhiều khả năng dẫn đến sai lệch trong dự đoán này, ông lưu ý. “Nhưng nếu các mô hình của chúng tôi là đúng”, thì lượng khí thải nhà kính sẽ phải bị chặn ngưỡng tối đa trong vòng 5 năm tới nếu như nhân loại vẫn hi vọng sẽ giữ được nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C. 

Đối với các kịch bản sử dụng những kịch bản giả định trong đó mức khí thải tăng vừa phải hơn, thì thời điểm tăng nhiệt độ cũng được lùi lại. “Nhưng nếu chúng ta duy trì xu hướng như hiện nay, thì đã số các kịch bản đều cho dẫn đến kết quả là nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 4 độ C trong vòng 1 thế kỷ”, ông công bố. 

Điều không may là các mô hình về khí hậu “vẫn chưa phản ánh hết được thực tế”, nhận xét từ Alice Bows, nhà khoa học khí hậu từ Viện Tiêu thụ Bền vững của trường University of Manchester, Anh. Các mô hình không phỏng đoán được con người và các xã hội sẽ phản ứng như thế nào trước nguy cơ do biến đổi khí hậu. “Vì vậy chúng tôi bắt đầu đặt ra câu hỏi: ‘có thực tế không khi nghĩ rằng mức tăng khí thải sẽ dừng lại trong vòng 5-10 năm tới?’”. 

Trong một nghiên cứu mới đây, Bows và đồng nghiệp từ trường Manchester là Kevin Anderson quyết định sẽ dự đoán độc lập các kịch bản nhiều khả năng sẽ xảy ra về tình hình khí thải ở các nước công nghiệp và vừa mới công nghiệp hóa. Họ khẳng định rằng, khi mà các nước nghèo cố gắng cải thiện chất lượng cuộc sống và thị phần sản phẩm của mình, thì lượng khí thải của những nước này trong thời gian tới sẽ tăng. 

Để giảm mức tăng khí thải toàn cầu, các nước công nghiệp cần tự hãm mình lại thật mạnh mẽ, Bows nói. Hãm tới mức nào? “Hơn 6% một năm – ngay lập tức”, bà nói. Và đó là để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C. 

Bà và Anderson cũng nghiên cứu xem liệu các nước phát triển có thể chịu đựng được mức giảm khí thải nào để có “tính khả thi về khía cạnh kinh tế”. Họ thấy rằng các nước này tối đa chỉ có thể giảm được tới 3%, và như vậy nhiệt độ toàn cầu chắc chắn rồi sẽ tăng 4 độ C. Bà kết luận “nếu không có những chương trình cắt giảm khí thải, chúng ta dự kiến nhiệt độ sẽ tăng nhiều hơn đáng kể so với mức tăng 4 độ C”.

(Janet Raloff, Science News)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)