“Thế mà là nghệ thuật ư ?”

Đã từ rất lâu mới có một cuốn lý luận nghệ thuật được dịch sang tiếng Việt, lại là một cuốn khá mới của ‘phương Tây’, in lần đầu năm 2001. Đây là cuốn đầu tiên trong tủ sách ‘Dẫn nhập’ (nhập môn) nghệ thuật của NXB Trí Thức. Tôi tin chắc rằng tủ sách này rất hữu ích với bạn đọc nói chung và giới văn học nghệ thuật Việt Nam bởi loại sách này đang rất thiếu và được trông chờ .

Chỉ trong 7 chương với 300 trang tác giả C. Freeland đã đề cập tới hầu hết các vấn đề lý luận nghệ thuật đang được tranh luận với một sự dẫn giải phong phú, những ý tưởng sâu sắc và bằng một giọng văn hóm hỉnh. Việc trình bày các vấn đề phức tạp một cách giản dị và không áp đặt quan điểm của cá nhân mà để ngỏ khả năng ‘cùng tranh luận’ cho người đọc luôn là ưu điểm hiếm thấy ở các sách lý luận. Từ các vấn đề  căn bản như nghệ thuật là gì, nó sinh ra từ đâu, cơ chế của nhận thức và sáng tạo, các lý thuyết nghệ thuật đã thay đổi như thế nào, các mâu thuẫn và tương đồng của các khuynh hướng lý luận…tới các thực tiễn nghệ thuật thời nay như chủ nghĩa hậu thực dân, nghệ thuật với tiền bạc, thị trường, chủ nghĩa nữ quyền, đồng tính, nghệ thuật vùng ngoại biên, nghệ thuật thời số hóa…đều được trình bày khá thấu đáo, cho ta một cái nhìn toàn cục về nghệ thuật hiện thời ở phương Tây cùng mục lục các vấn đề mà nó phải ‘giải quyết’. Đồng thời tác giả cũng dẫn độc giả cùng đi với mình tới các sự kiện, địa bàn, tác giả và các tác phẩm cụ thể. Điều đó làm cho các lập luận của bà có sức thuyết phục và độc giả không cảm thấy nhàm chán như khi nghe một bài giảng với giọng điệu hàn lâm từ trên ban xuống hoặc cảm thấy tù túng như phải ngồi trong một thính phòng.
Đặc biệt thú vị là hàng loạt vấn đề thực tiễn nghệ thuật của ‘phương Tây xa lạ’ lại ‘y hệt như ở ta’! Thí dụ như: Tại sao họa sĩ hạng hai vẽ theo thị hiếu rẻ tiền lại cứ là best Seller. Tại sao công chúng, quan chức, cảnh sát nữa nhiều khi phải đau đầu, nhăn mặt với các thử nghiệm điên khùng của các nghệ sĩ đương đại: Thế mà là nghệ thuật ư?. Tại sao Internet trở nên quan trọng đến thế khi nhờ nó nghệ thuật được dân chủ hóa toàn cầu, khi người ta có thể kết nối để trở nên gần gũi với tất cả đồng thời lại tự tàng hình và trở nên cô đơn tuyệt vọng, xa lạ với tất cả, khi người ta mê game và game trở thành một nghệ thuật .Tại sao vấn đề nữ quyền đi liền với vấn đề sex và đồng tính. Có giới tính trong sáng tạo hay không. Vì sao ít có thiên tài nghệ thuật nữ hay vốn có rất nhiều mà họ không được công nhận…vv và vv. Đọc xong ta có cảm tưởng nghệ thuật ta quả thực đã hội nhập vì đang cùng chia sẻ, bức bối về các vấn đề chung của nghệ thuật toàn cầu. Tuy nhiên khi đọc các lý giải về nghệ thuật vùng ngoại biên, nghệ thuật ‘thổ dân’, nghệ thuật ‘nguyên thủy’, nghệ thuật ‘bản địa’ tôi có cảm tưởng rằng dù hệ thống thuộc địa đã tan rã, chủ nghĩa thực dân đã bị giải tán trong chính trị thì tư tưởng ‘thực dân chủ nghĩa’ thực sự vẫn đang ngự trị trong cái gọi là nghệ thuật thế giới, trong thị trường do các nước lớn thao túng và nhất là trong lý luận và lịch sử ‘nghệ thuật thế giới’ do họ viết ra và quảng bá. Mỗi đề tài được C. Freeland đề cập tới đều có thể trở thành chủ đề cho một chuỗi các tọa đàm học thuật Talk Art hấp dẫn ở Việt Nam hôm nay.
Bản dịch của Như Huy công phu và cẩn trọng. Tuy việc quá tham vọng chính xác hóa-tối đa các thuật ngữ và từ Hán Việt có thể đôi khi làm rối trí bạn đọc (may mà dịch giả luôn chú thích từ gốc ngoại ngữ để ta có thể đối chiếu. Với bạn đọc không dùng ngoại ngữ thì đôi khi cần tra ngược từ điển tiếng Việt để hiểu cho chính xác! Và càng về cuối bản dịch càng thanh thoát hơn) phần chú thích của dịch giả rất phong phú và bổ ích, giúp cho độc giả hòa nhập vào các văn cảnh của vấn đề được thảo luận.
Một cuốn sách hiếm và hay. Mong chờ các cuốn tiếp theo của tủ sách ‘dẫn nhập’.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)