Olympic đầu tiên sử dụng CO2 tự nhiên để làm lạnh các địa điểm thi đấu

Chính sách "zero COVID" cùng các biện pháp tác động tối thiểu đến môi trường giúp Trung Quốc giữ mức phát thải của sự kiện ở mức thấp.

Chính sách “zero COVID” không khoan nhượng mà Trung Quốc đang thực thi đồng nghĩa với việc Olympic không có khán giả quốc tế; bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không bán vé trong nước. Kết quả là đã tiết kiệm được hơn 500.000 tấn CO2 từ đi lại và lưu trú.
Quan trọng hơn, Trung Quốc đã tái sử dụng bảy địa điểm thi đấu thể thao cũ vốn được xây dựng từ Olympic Mùa hè năm 2008, nhằm hạn chế phát thải từ xây dựng. Ban tổ chức còn cho biết, trong số 18 địa điểm xây mới ở Bắc Kinh, 13 địa điểm nhận được đánh giá cao nhất theo hệ thống chứng nhận công trình xanh của Trung Quốc; 5 địa điểm còn lại là các cấu trúc xây dựng để sử dụng tạm thời, có mức phát thải carbon từ xây dựng thấp.
Đây cũng là Olympic đầu tiên sử dụng CO2 tự nhiên để làm lạnh các địa điểm thi đấu các môn trượt băng, thay vì chất làm lạnh tổng hợp hydrofluorocarbon, nhờ đó tiết kiệm tới 26.000 tấn carbon dioxide.
Yanqing và Zhangjiakou – nơi tổ chức các môn thể thao trên tuyết – có lượng mưa rất thấp, vì vậy Trung Quốc đã phải bơm nước từ các khu vực khác đến để sản xuất tuyết. Tổng cộng việc tổ chức các môn thi đấu trên tuyết sẽ tiêu tốn 2,8 triệu mét khối nước – đủ để lấp đầy 1.000 hồ bơi tiêu chuẩn Olympic. Nhưng ban tổ chức nói rằng việc bơm nước để tạo tuyết sẽ tạo ra không quá 3.000 tấn CO2, và không ảnh hưởng đến tài nguyên nước ở Yanqing và Zhangjiakou.
Một điểm đặc biệt nữa là tất cả 25 địa điểm thi đấu hoàn toàn sử dụng điện gió và điện mặt trời do một lưới điện mới cung cấp.
Ngay cả khi nhiều khía cạnh của Thế vận hội đã được thiết kế để tạo ra các tác động môi trường tối thiểu, một số khí thải, chẳng hạn như khí thải từ xây dựng và di chuyển bằng đường hàng không, là không thể tránh khỏi. Để bù đắp, Trung Quốc đã trồng khoảng 60 triệu cây bạch dương trắng, sồi và bạch quả, giúp giảm ít nhất khoảng 1,1 triệu tấn CO2. Các nhà tài trợ của Thế vận hội cũng góp tiền để bù đắp thêm 600.000 tấn carbon.
“Chúng tôi rất tự tin rằng đã tổ chức một Olympic trung hòa carbon [tổng lượng phát thải carbon bằng 0],” Liu Xinping, người phụ trách tính bền vững của Ủy ban Tổ chức Olympic và Paralympic Bắc Kinh, nói.
Ước tính, Thế vận hội Mùa đông 2022 thải ra tổng cộng khoảng 1,3 triệu tấn carbon dioxide, chỉ là một phần rất nhỏ so với lượng phát thải hằng năm của Trung Quốc (khoảng 11 tỷ tấn). Việc đạt được trung hòa carbon trong Thế vận hội lần này “chứng minh rằng có thể tổ chức các sự kiện lớn mà vẫn trung hòa carbon,” Michael Davidson, nhà nghiên cứu hệ thống năng lượng tại Đại học California San Diego, nói.
Các Thế vận hội trong tương lai
Cách tiếp cận chú ý đến tính bền vững của Bắc Kinh trong tất cả các giai đoạn của quá trình tổ chức Thế vận hội là “điều mà chúng tôi sẽ khuyến khích cho các Thế vận hội trong tương lai,” Marie Sallois, giám đốc phát triển bền vững tại Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) ở Lausanne, Thụy Sĩ, cho biết. Trung Quốc cũng là nước chủ nhà đầu tiên tính đến các nguồn phát thải gián tiếp, chẳng hạn như đi lại bằng đường hàng không, Sallois nói thêm.
Tuy nhiên, theo Martin Müller, nhà địa lý nhân văn tại Đại học Lausanne, việc dựa quá nhiều vào các biện pháp bù trừ, thay vì cắt giảm khí thải ngay từ đầu, sẽ khuyến khích triết lý “dùng bây giờ, trả giá sau”. Trong một phân tích năm 2021, Müller và các đồng nghiệp nhận thấy các Thế vận hội ngày càng phát triển kém bền vững, đặc biệt khi các môn thi đấu mở rộng quy mô và có nhiều khán giả hơn. Müller cho rằng các biện pháp cốt lõi nằm ở thu nhỏ các sự kiện và tổ chức Thế vận hội ở cùng một địa điểm nhiều lần.
Daniel Scott, nhà địa lý học tại Đại học Waterloo, Canada, lưu ý cần nhanh chóng tìm cách làm cho Oympic Mùa đông trở nên xanh hơn, do thế giới ngày càng ấm lên và vào cuối thế kỷ này, những thay đổi về nhiệt độ và điều kiện tuyết khiến cho các nước sẽ khó tổ chức các môn thi đấu. Có nghĩa là IOC cần phải “sáng tạo và linh hoạt hơn nữa trong cách họ tổ chức các Thế vận hội trong tương lai”, Scott nói.
Thế vận hội Mùa đông bắt đầu từ ngày 4/2 tại Bắc Kinh, với sự tham gia tranh tài của khoảng 3.000 vận động viên ở 109 nội dung, từ trượt tuyết đến trượt băng tốc độ.
Ngọc Đỗ

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)