Thiếu động lực phát triển KH&CN trong nông nghiệp

Đó là nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn tại Hội thảo “Phát triển khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” tổ chức ngày 8/8 tại Hà Nội.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, mặc dù khoa học nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản, đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu lớn về gạo, cao su, cà phê, thủy – hải sản…nhưng cho đến nay năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường còn thấp. Đa số nông dân ở vùng sâu, vùng xa còn ít hiểu biết và còn rất thiếu thông tin về các giống mới, các quy trình công nghệ tiên tiến, về các nhu cầu đa dạng của thị trường. Việc áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, thiếu các giải pháp tạo động lực đối với việc chuyển giáo kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất…

TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng, yếu tố cản trở lớn nhất cho hoạt động của các cơ quan khoa học công nghệ công lập hiện nay không phải là kinh phí hay cơ sở vật chất, mà chính là thiếu động lực cho đội ngũ cán bộ. “Cán bộ khoa học, cán bộ khuyến nông không coi mình là chủ nhân của viện nghiên cứu, trạm kỹ thuật, không hăng say nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Và nguyên nhân chính của việc cán bộ không có động lực là do chính sách, thể chế quản lý khoa học bất hợp lý”, TS Đặng Kim Sơn chỉ rõ.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, phân tích về định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong nông nghiệp; công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tổ chức hệ thống, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, cơ chế hoạt động của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; môi trường hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp. Công tác đào tạo, sử dụng, đãi ngộ để phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ trong nông nghiệp cũng là vấn đề các đại biểu quan tâm tập trung thảo luận…

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, Đại học Nông nghiệp đề xuất giải pháp nên chọn một số đề tài khoa học công nghệ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lớn để treo giải thưởng quốc gia, ai có thể thực hiện thì đăng ký, sau đó tự tìm kinh phí để thực hiện. Khi thành công, Nhà nước sẽ thưởng tiền, có thể gấp hàng chục lần chi phí mà người thực hiện đã bỏ ra, tính theo tỷ lệ % mà sang tạo khoa học công nghệ đó mang lại cho cộng đồng. Điều này sẽ làm cho thị trường khoa học công nghệ thực sự sôi động.

Hội thảo do Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đồng tổ chức.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)