Thông tin tình hình sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I Nhật Bản (từ ngày 09/4 đến khoảng 15:00 ngày 10/4/2011)
Bộ Khoa học và Công nghệ trân trọng thông báo Báo cáo của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Bộ Khoa học và Công nghệ từ ngày 09/4 đến khoảng 15:00 ngày 10/4/2011.
Nhiệt độ bề mặt của lò phản ứng Tổ máy số 1 từ 223 oC (đo lúc 19:00 ngày 7/4 giờ Nhật Bản) đã tăng đến khoảng 260 oC ngay sau trận động đất lúc 23:32 cùng ngày. Đến 6:00 ngày 9/4, nhiệt độ giảm xuống 240 oC. TEPCO cho biết họ đang theo dõi sát hiện tượng này vì hiện chưa rõ nguyên nhân của sự gia tăng nhiệt độ đột ngột này.
Các công nhân đã hoàn thành việc khoan các lỗ trên tường tòa nhà tuốc bin của các tổ máy số 2, 3 và 4 để gắn các ống cao su giúp thoát nước nhiễm xạ cao trong tòa nhà sang các bể chứa.
TEPCO cho biết mức độ phóng xạ đo được tại vùng biển phía Bắc của nhà máy Fukushima I tiếp tục tăng. Tại điểm lấy mẫu cách cổng xả phía Bắc của nhà máy 30 m, mức độ I-131 đo được ngày 7/4 gấp 2.800 lần giới hạn cho phép, tăng so với ngày 6/4 (gấp 1.000 lần giới hạn cho phép) và 5/4 (gấp 600 lần mức độ cho phép). Tại điểm lấy mẫu nằm ngoài khơi thành phố Minami-soma, cách bờ biển 15 km về phía Bắc của nhà máy, mức độ phóng xạ đo được đã gấp 9,3 lần giới hạn cho phép. Phóng xạ nhiều khả năng đã được các dòng hải lưu phát tán lên phía Bắc.
Suất liều bức xạ trong khu vực nhà máy tiếp tục có xu hướng giảm. (Xem cụ thể tại Phụ lục)
2. TÌNH HÌNH PHÓNG XẠ MÔI TRƯỜNG TẠI NHẬT BẢN
Giá trị suất liều gamma đo được hàng ngày tại tất cả 47 tỉnh tiếp tục giảm. Ngày 8/4 suất liều cao nhất đo được tại Fukushima là 2,3 µSv/h, tại Ibaraki là 0,15 µSv/h và tại 45 tỉnh khác đều dưới 0,1 µSv/h.
Ngày 8/4, việc đo suất liều gamma tại 17 thành phố cho giá trị dưới 0,1 µSv/h. Tại 8 thành phố khác, kết quả suất liều gamma dao động từ 0,13-0,17 µSv/h; riêng tại thành phố Fukushima, giá trị đo được cao nhất là 0,42 µSv/h. Còn tại 8 địa điểm trong khu vực cách nhà máy từ 24-42 km về hướng Tây Bắc, kết quả đo suất liều gamma dao động từ 1,6-56 µSv/h; đo nhiễm bẩn beta-gamma dao động từ 0,2-5,0 MBq/m2. (Mức phông phóng xạ môi trường thông thường dao động từ 0,05-0,1 µSv/h).
Ngày 8/4, lượng phóng xạ ở mức thấp đã được phát hiện trong đất tại 10 tỉnh (I-131 với giá trị dao động từ 1-46 Bq/m2) và 7 tỉnh (Cs-137 với giá trị dao động từ 5-42 Bq/m2)
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết việc hạn chế lưu thông đã được dỡ bỏ đối với sữa tươi chưa xử lý tại một số khu vực thuộc tỉnh Fukushima (thành phố Kitakata, các thị trấn Aizumisato, Bandai, Inawashiro, Michima, Minamiaizu và Simogo) và hai loại rau (bina và kakina) của tỉnh Gunma.
3. TÌNH HÌNH PHÁT TÁN PHÓNG XẠ VÀO MÔI TRƯỜNG
Số liệu quan trắc hạt nhân phóng xạ của các trạm thuộc CTBTO trong ngày 7-8/4 chưa thấy có sự thay đổi đột biến nào. Trạm JPP38 đặt tại Nhật Bản gần nhà máy Fukushima I vẫn phát hiện thấy I-131 và Cs-137 với nồng độ khoảng vài nghìn mBq/m3 và nhiều hạt nhân phóng xạ khác. Trạm JPP37 đặt tại đảo Okinawa vẫn phát hiện được I-131 và Cs-137 khoảng một vài trăm mBq/m3. Điều này cho thấy rằng rò rỉ phóng xạ từ các lò phản ứng của nhà máy Fukushima I có thể vẫn đang tiếp tục xảy ra.
Ngày 7-8/4, trạm quan trắc PHP52 ở Phillipines ghi nhận được I-131, Cs-137, nhưng với nồng độ rất thấp. Trạm MYP42 đặt tại Malaysia không phát hiện thấy hạt nhân phóng xạ.
Tại Việt Nam:
Trong son khí ở Hà Nội do Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đo đạc, có ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo là I-131, Cs-134 và Cs-137. Các đồng vị phóng xạ nhân tạo ghi nhận được đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Các giá trị đo tại trạm quan trắc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cho thấy chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 10/4/2011 so với giá trị từ ngày 1/4/2011 tới ngày 9/4/2011.
(Số liệu cụ thể xem tại Phụ lục)
* * *
Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục theo dõi và cung cấp thông tin kịp thời.
PHỤ LỤC
Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ