Thông tin tình hình sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I Nhật Bản (từ ngày 11/4 đến khoảng 15:00 ngày 12/4/2011)
Bộ Khoa học và Công nghệ trân trọng thông báo Báo cáo của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Bộ Khoa học và Công nghệ từ ngày 11/4 đến khoảng 15:00 ngày 12/4/2011.
Việc công bố xếp loại thang sự cố mới này không có nghĩa là sự cố đã trở lên trầm trọng hơn so với ngày hôm qua, mà chỉ là đánh giá lại tình trạng thực tế của sự cố đã xảy ra.
1. TÌNH HÌNH Ở KHU VỰC NHÀ MÁY
Hồi 17:16 ngày 11/4 giờ Nhật Bản (15:16 giờ Việt Nam), một trận động đất mạnh 7 độ đã xảy ra tại tỉnh Fukushima với tâm chấn nằm ở độ sâu khoảng 10 km. Sau động đất, một số đợt dư chấn đã xảy ra và nhà chức trách cũng đã ban bố lệnh cảnh báo sóng thần. Sau đó lệnh cảnh báo sóng thần đã được dỡ bỏ.
Sau động đất, việc phun nước làm mát tại nhà máy Fukushima I đã phải tạm ngừng vì nguồn cấp điện ngoài bị ngắt. Sau đó khoảng 50 phút TEPCO đã khôi phục được nguồn điện ngoài cho các tổ máy số 1, 2 và 3 và tiếp tục phun nước làm mát vào các lò phản ứng.
TEPCO đang tiếp tục tiến hành bơm khí ni-tơ vào bên trong lớp bảo vệ bê tông cốt thép của Tổ máy số 1. Trong mấy ngày gần đây áp suất bên trong lớp bảo vệ này tăng không đáng kể, do vậy TEPCO nghi ngờ rằng đã có sự rò rỉ từ lớp bảo vệ ra ngoài.
Từ ngày 10/4, TEPCO bắt đầu dùng người máy để thu dọn các mảnh vỡ nhiễm phóng xạ cao trong khu vực nhà máy và nghiên cứu việc sử dụng khí thay thế cho nước để làm mát.
2. TÌNH HÌNH PHÓNG XẠ MÔI TRƯỜNG TẠI NHẬT BẢN
Mức độ phóng xạ trong nhà máy trong ngày 10 và 11/4 tiếp tục giảm (Xem cụ thể tại Phụ lục)
3. TÌNH HÌNH PHÁT TÁN PHÓNG XẠ VÀO MÔI TRƯỜNG
Về số liệu của các trạm quan trắc thuộc CTBTO: Trạm PHP52 tại Phillipines ghi nhận được I-131, Cs-137 với nồng độ rất thấp; trạm MYP42 tại Malaysia cũng ghi nhận được I-131, nhưng ở mức độ còn thấp hơn nhiều so với trạm PHP52.
Các hình ảnh dự đoán sự di chuyển của đám mây phóng xạ cho thấy đám mây có thể đang đi qua lãnh thổ Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, cho tới thời điểm này trạm quan trắc đặt tại Phillipines vẫn chưa ghi nhận được có sự thay đổi đáng kể nồng độ hạt nhân phóng xạ trong không khí. Và dù có sự thay đổi đáng kể, thì nền phông phóng xạ hiện tại vẫn không thay đổi vì nồng độ hạt nhân phóng xạ đo được hiện nay rất thấp so với mức cho phép và không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Tại Việt Nam:
Trong son khí ở Lạng Sơn do Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đo đạc, đã ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo ở mức rất thấp: I-131, Cs-134 và Cs-137 tương ứng là 16,1±2,8; 6,6±2,8; 5,7±1,9 mBq/m3.
Viện Nghiên cứu hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã tiến hành đo đạc mẫu son khí tại Đà Lạt và Ninh Thuận.
Trong son khí ở Đà Lạt, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là: Be-7 (có nguồn gốc từ tia vũ trụ), K-40, Th-232 và U-238 (có nguồn gốc từ bụi đất); còn tiếp tục ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo là: I-131 ở mức 92,8 ± 26,1mBq/m3.
Trong son khí ở Ninh Thuận, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là Be-7, K-40, Th-232 và U-238; còn ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo là: I-131, Cs-134 và Cs-137 ở mức tương ứng là 40,0 ± 4,6, 13,2 ± 3,113,6 ± 3,0 mBq/m3.
Các đồng vị phóng xạ nhân tạo ghi nhận được đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Các giá trị đo tại trạm quan trắc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cho thấy chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 12/4/2011 so ngày 11/4/2011.
(Số liệu cụ thể xem tại Phụ lục)
* * *
Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục theo dõi và cung cấp thông tin kịp thời.
Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ