Thông tin tình hình sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I Nhật Bản (từ ngày 13/4 đến khoảng 15:00 ngày 14/4/2011)
Bộ Khoa học và Công nghệ trân trọng thông báo Báo cáo của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Bộ Khoa học và Công nghệ từ ngày 13/4 đến khoảng 15:00 ngày 14/4/2011.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) mới cho biết, ngày 11/4 đã xảy ra một vụ cháy tại cổng xả nước làm mát của tổ máy 1, 2, 3 và 4. Vụ cháy đã nhanh chóng được dập tắt và không gây ra hậu quả đáng kể nào.
Tính đến 17:04 ngày 13/4 giờ Nhật Bản (15:04 giờ Việt Nam), TEPCO đã chuyển 660 tấn nước nhiễm xạ cao trong máng bê tông gần Tổ máy số 2 sang bể ngưng tụ. Cùng ngày TEPCO đã phun gần 200 tấn nước vào bể chứa nhiên liệu đã cháy của Tổ máy số 4 sau khi nhiệt độ và mức độ phóng xạ bề mặt của bể tăng cao bất thường lên 90 oC và 84 mSv/h.
Mức độ phóng xạ tại nhà máy trong ngày 13 và 14/4 tiếp tục giảm nhẹ. (Xem cụ thể tại Phụ lục)
2. TÌNH HÌNH PHÓNG XẠ MÔI TRƯỜNG TẠI NHẬT BẢN
Suất liều gamma tại 47 tỉnh tiếp tục xu hướng giảm: Tại tỉnh Fukushima, ngày 12/4 là 2,1 µSv/h, tỉnh Ibaraki là 0,14 µSv/h, các tỉnh khác đều dưới 0,1 µSv/h.
Nhật Bản cho biết đã tìm thấy lượng nhỏ stronti phóng xạ (Sr) ở trong đất và thực vật bên ngoài phạm vi 30 km kể từ nhà máy. Cụ thể: Đo được Sr-89 ở mức 13-260 Bq/kg và Sr-90 (có thể là tác nhân gây ung thư) ở mức 3,3-32 Bq/kg trong 3 mẫu đất lấy ngày 16-19/3 tại Namie và Iitate, cách nhà máy 30 km; Sr-89 ở mức 12-61 Bq/kg và Sr-90 ở mức 1,8-5,9 Bq/kg trong mẫu thực vật lấy từ Motomiya, Ono, Otama và Nishigo, cách nhà máy từ 40-80 km. Tuy nhiên Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) cho biết mức độ stronti phát hiện được đều ở mức rất nhỏ, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Theo ý kiến chuyên gia, sự có mặt của stronti chứng tỏ nhiên liệu trong lò phản ứng hoặc nhiên liệu đã cháy trong bể chứa đã bị hư hại và stronti được phát tán sau vụ nổ khí hydro tại Tổ máy số 3.
Ngày 13/4 TEPCO cho biết mức độ phóng xạ đo được ngoài khơi Fukushima đã lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần qua. Cụ thể tại điểm lấy mẫu cách nhà máy Fukushima I 30 km về phía Đông, ngày 11/4 đã đo được I-131 ở mức 88,5 Bq/l, gấp 2,2 lần giới hạn cho phép đối với nước thải từ cơ sở hạt nhân, Cs-137 đo được cũng ở mức cao nhất trong vòng mấy tuần qua, nhưng vẫn nhỏ hơn giới hạn cho phép; tại điểm lấy mẫu cách nhà máy 15 km, I-131 ở mức gấp 23 lần giới hạn cho phép.
Trong khi đó, kết quả đo phóng xạ trong vùng biển gần nhà máy có xu hướng giảm nhanh. Ngày 11/4, kết quả đo I-131 và Cs-137 tại các điểm gần nhà máy đều dưới 1,5 kBq/l, còn tại điểm đo cách cổng xả của Tổ máy 5 và 6 khoảng 30 m là khoảng 7 kBq/l.
3. TÌNH HÌNH PHÁT TÁN PHÓNG XẠ VÀO MÔI TRƯỜNG
Theo tính toán mô phỏng, đám mây phóng xạ đang tồn tại trên vùng Đông Nam Á, tiếp tục lan rộng đến Ấn Độ và xuống Nam Bán Cầu. Nồng độ hạt nhân phóng xạ đo được tại các trạm quan trắc ở Đông Nam Á thấp hơn mức cho phép hàng trăm nghìn lần và không làm thay đổi nền phông phóng xạ hiện tại trong vùng.
Tại Việt Nam:
Trong mẫu son khí do Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đo tại Hà Nội, mức độ I-131, Cs-134 và Cs-137 đo được đều rất thấp và đang có xu hướng giảm.
Viện Nghiên cứu hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã tiến hành đo đạc mẫu son khí tại Đà Lạt và Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy các đồng vị phóng xạ nhân tạo ghi nhận được đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Các giá trị đo tại trạm quan trắc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cho thấy chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 14/4/2011 so với ngày 13/4/2011.
(Số liệu cụ thể xem tại Phụ lục).
* * *
Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục theo dõi và cung cấp thông tin kịp thời.
Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ