Thủ tướng Chính phủ: Khởi nghiệp ĐMST phải được triển khai một cách khoa học, bài bản và có trọng tâm

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải được triển khai khoa học, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, trước mắt tập trung vào bốn ưu tiên chính gồm: công nghệ thông tin, an ninh mạng, dịch vụ kỹ thuật số; công nghệ y tế, giáo dục; công nghệ môi trường và năng lượng; nông nghiệp công nghệ cao.

Ngày 25/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự chương trình Dấu ấn TECHFEST – WHISE 2023 thuộc chuỗi chương trình Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM (TECHFEST – WHISE) 2023 do Bộ KH&CN và UBND TPHCM chủ trì tổ chức.

Một nhiệm vụ chính trị quan trọng

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST với mục tiêu cuối cùng là tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, tạo ra giá trị vượt trội.

“Vì vậy, hệ thống hỗ trợ cần thiết phải có hành lang pháp lý, chính sách, và các chủ thể hỗ trợ mạnh, cụ thể là các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái tại địa phương, tại trung ương, từ khu vực tư nhân và cả từ nước ngoài”, Bộ trưởng nói.

Hiện nay, trên cả nước đã có gần 200 khu làm việc chung, khoảng 70 vườn ươm doanh nghiệp, 30 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 108 quỹ đầu tư mạo hiểm. Theo Bộ trưởng, nguồn lực quan trọng nhất hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST chính là hành lang pháp lý thuận lợi, cơ chế, chính sách ưu đãi; nguồn lực tài chính phù hợp và sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các trường đại học, viện nghiên cứu.

Phát biểu chỉ đạo tại chương trình Dấu ấn TECHFEST – WHISE 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khởi nghiệp ĐMST sẽ tạo dựng giá trị trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Đây là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển đột phá cho doanh nghiệp và là động lực quan trọng phát triển nhanh, bền vững của các quốc gia, nhất là trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Phát triển mạnh mẽ KHCN ĐMST và chuyển đổi số và tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”, “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn khẳng định và hết sức ủng hộ, tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho khởi nghiệp ĐMST.

Thủ tướng cho biết, năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, nằm trong nhóm dẫn đầu các nền kinh tế đang phát triển. TPHCM đứng trong nhóm 81-90 thuộc nhóm 100 thị trường startup mới nổi của toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam có trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp; trên 140 trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức hoạt động khởi nghiệp ĐMST với các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, kiều bào ta ở nước ngoài đã tích cực tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam trị giá hàng trăm triệu, hàng tỷ USD đã và đang hình thành, phát triển không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương tham quan các gian hàng tại Triển lãm TECHFEST – WHISE 2023. Ảnh: DG

“Chúng ta phải coi khởi nghiệp ĐMST là một nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, mặc dù đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng do xuất phát điểm chậm hơn nên hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tương xứng với tiềm năng, trí tuệ, năng lực của con người Việt Nam.

Bốn lĩnh vực ưu tiên khởi nghiệp ĐMST

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẵn sàng lắng nghe và điều chỉnh chính sách tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất, ban hành, thực thi những mô hình thí điểm, đặc thù để thúc đẩy đổi mới sáng tạo nói chung, khởi nghiệp ĐMST nói riêng với quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Do đó, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động phù hợp điều kiện thực tiễn cùng với thể chế, cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội nhằm xây dựng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn khởi nghiệp ĐMST của khu vực và thế giới.

Theo Thủ tướng, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải được triển khai khoa học, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, trước mắt tập trung vào bốn ưu tiên chính gồm: công nghệ thông tin, an ninh mạng, dịch vụ kỹ thuật số; công nghệ y tế, giáo dục; công nghệ môi trường và năng lượng; nông nghiệp công nghệ cao.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần có giải pháp gắn khởi nghiệp ĐMST với tri thức, KH&CN và đặc thù riêng có của đất nước, con người Việt Nam. Trong đó, Thủ tướng cho rằng cần tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp ĐMST; gắn khởi nghiệp ĐMST với giải quyết những điểm nghẽn, khó khăn, thách thức của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là những vấn đề liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, giải quyết các bài toán về cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, phát triển bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng lao động…

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải Nhất cho Cuộc thi Tìm kiếm tài năng KN ĐMST Quốc gia 2023. Ảnh: BTC

Thủ tướng cũng yêu cầu phát triển đồng bộ hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, vùng, các khu công nghệ cao, “vườn ươm sáng tạo” tạo. Đồng thời, phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp ĐMST từ các bậc học phổ thông và ngay từ những ngày đầu khi thanh niên có ý tưởng lập nghiệp. Ngoài ra, cần tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, trong đó đẩy mạnh các phương thức hợp tác đầu tư phù hợp, hiệu quả.

Cuối cùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam. Qua đó, tạo nên những điều kỳ diệu, những “kỳ lân” tầm cỡ khu vực và thế giới, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng được ấm no, hạnh phúc.

TECHFEST – WHISE 2023 với chủ đề “Phát huy tài nguyên đất nước – Nâng tầm Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam hội nhập quốc tế”, diễn ra từ ngày 20-25/11 tại TPHCM, nhằm mang đến cơ hội kết nối nguồn lực tài chính, đối tác, phát triển thị trường trong nước và quốc tế, chia sẻ kiến thức cho các sáng lập viên giúp cho các doanh nghiệp phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ, tài nguyên đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Tại tuần lễ này đã diễn ra nhiều hoạt động như Chung kết Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST quốc gia và gọi vốn đầu tư, Vietnam Innovation Summit 2023 (VIS 2023), Cuộc thi STEM Smartschool Kidkul, Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh năm 2023, Chung kết Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp – CiC 2023, tổng kết các hoạt động kết nối hệ sinh thái ĐMST,…

Ngoài ra, các hoạt động kết nối đầu tư trong sự kiện đã thu hút gần 200 quỹ đầu tư uy tín hàng đầu trong nước và quốc tế, đã tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST Việt Nam, tạo đà cho làn sóng đầu tư tăng trở lại trong các năm tiếp theo sau đại dịch.

Kiều Anh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)