Thuốc kháng sinh ngày càng kém hiệu quả với bệnh nhiễm trùng ở trẻ em
Nhiều loại thuốc dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn ở trẻ em và trẻ sơ sinh có thể đang mất dần hiệu quả do tỷ lệ kháng kháng sinh (AMR) ở mức cao đáng báo động.
Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Lancet Regional Health – Southeast Asia vào cuối tháng 10, các nhà khoa học tại Đại học Sydney (Úc) đã tiến hành phân tích các mẫu vi khuẩn từ 11 quốc gia ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ. Họ phát hiện nhiều loại thuốc kháng sinh được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị để điều trị các bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng trẻ em có hiệu quả dưới 50% đối với các vi khuẩn thường gây ra những căn bệnh này. Các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm bao gồm viêm phổi, nhiễm trùng huyết và viêm màng não.
Ví dụ, thuốc kháng sinh ceftriaxone chỉ có thể điều trị 29% trường hợp nhiễm trùng huyết và viêm màng não ở trẻ sơ sinh tại các quốc gia được nghiên cứu. Tương tự, một loại thuốc kháng sinh khác mang tên gentamicin chỉ có khả năng điều trị lần lượt là 39% và 21% trường hợp nhiễm trùng huyết và viêm màng não ở trẻ em.
Sự gia tăng của vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 140.000 đến 214.000 trẻ sơ sinh tử vong hằng năm do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
Quốc Hùng và nhóm tác giả thực hiện
Nguồn: Livescience.com
(Bài đăng ở Báo Khoa học và Phát triển số 45)