Thủy điện Sông Tranh 2: Khắc phục nứt đập để tránh thảm họa

Nhiều vết nứt đang rò rỉ nước tại bờ đập chính của hồ chứa nước đập thủy điện Sông Tranh 2 có dung tích 730 triệu m3 nước. Theo các chuyên gia, cần khẩn trương thành lập ngay đoàn khảo sát để đánh giá tình hình và có giải pháp can thiệp kịp thời.

Sáng 19/3, chúng tôi có mặt tại xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, nơi công trình đập chính chặn dòng Sông Tranh của Thủy điện Sông Tranh 2. Con đập được thiết kế, xây dựng rất kiên cố bằng bê tông cốt thép liên hoàn khổng lồ, dày gần 50m, theo kiểu bậc thang. Chiều dài toàn bộ đập lên đến hàng trăm mét. Gồm năm cửa xả tràn ở giữa. Có cao trình mực nước dâng là 175m.

Hoang mang

Để tiếp cận được các vết nứt này, các phóng viên phải mạo hiểm trèo qua nhiều con đường nhỏ hẹp, dốc cao thẳng đứng mới tiếp cận được một vết nứt lớn nhất nằm ở giữa đập chính. Vết nứt này có chiều dài thẳng đứng gần 30m, bề rộng của vết nứt khoảng 3cm. Nước trong lòng hồ thủy điện tuôn ra điểm vết nứt này xối xả, chảy theo các bậc thang xuống vùng hạ lưu của Sông Tranh đổ ra sông Thu Bồn.

Ngay sau khi xuất hiện 4 vết nứt của đập chính chặn dòng Thủy điện Sông Tranh 2, đã  thấy các công nhân dùng khoan máy, kéo hàng trăm mét dây điện lên để khắc phục sự cố. Tại vết nứt rộng nhất, dài nhất, công nhân đang dùng máy khoan để khoan ngay điểm của vết nứt nhằm đặt  ống nhựa phi 18 để bơm hóa chấtchống  thấm vào. Tuy nhiên vẫn không ngăn được nước chảy.

Ông Võ Đình Duật, cán bộ phụ trách kỹ thuật của Công ty Phú Bắc ở TP.HCM, đang khắc phục các vết nứt, cho biết: “Công ty chúng tôi nhận thầu hạng mục chống thấm của bờ đập thủy điện này. Nguyên nhân của tình trạng rò rỉ nước là do các tấm bố của hành lang thu thấm nước trong lòng bờ đập bị xê dịch nên nước bị rò rỉ ra ngoài. Giải pháp khắc phục là tiến hành đục để tạo nên các khe hở, sau đó đút ống nhựa (loại phi 18) vào các khe hở và bơm hóa chất vào bên trong nhằm cố định các tấm bố. Dự kiến công việc trên sẽ hoàn thành trong hai ngày tới. Khi khắc phục xong, nước sẽ không còn rò rỉ ra nữa!”

Ông Lê Văn Tuấn, Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My nói: “Nếu như sự cố xảy ra, khả năng 40.000 nhân khẩu của huyện Bắc Trà My sẽ bị ảnh hưởng.Chưa kể, hàng nghìn hộ dân ở các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Thăng Bình, Nông Sơn có dòng Sông Tranh 2 chảy qua đổ ra sông Thu Bồn cũng bị ảnh hưởng nữa”.

Đề phòng hậu quả xấu

Thủy điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư 5.194 tỉ đồng, được xây dựng từ tháng 3-2006 gồm hai tổ máy (tổng cộng 190MW) và đến cuối năm 2010 cả hai tổ máy này đều chính thức phát điện. Riêng bờ đập chính của hồ chứa nước được xây dựng nằm sát tuyến tỉnh lộ 616 và chỉ cách TP Tam Kỳ 55km. Hiện dung tích hồ chứa nước của thủy điện Sông Tranh 2 thuộc vào loại lớn nhất miền Trung với sức chứa khoảng 730 triệu m3 nước, được thiết kế cao hơn vùng hạ lưu khoảng 100m.

Trước đó, vào khoảng tháng 11.2011, tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 người dân tại các địa phương trên đều nhận thấy hiện tượng rung động và kèm theo tiếng nổ lớn với nhiều mức độ khác nhau. Theo khảo sát của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nguyên nhân gây nên hiện tượng trên là động đất kích thích với cường độ từ 3,5 đến 4 độ richter. Việc tích nước của thủy điện càng làm gia tăng cường độ hoạt động của đới đứt gãy.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Đức Toàn, phó Giám đốc Ban quản lý thủy điện 3 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị chủ đầu tư công trình thủy điện Sông Tranh 2), cho rằng những vết nứt trên đều ở vị trí những khe nhiệt của khối bêtông bờ đập, hiện tượng thấm nước qua khe nhiệt bị nứt là hoàn toàn cho phép và nằm trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam, cho biết, về nguyên tắc trách nhiệm kỹ thuật của đập khi để nước thấm chảy qua là không được phép. Đã là đập là phải ngăn được nước từ thượng lưu xuống hạ du và ngăn dòng thấm xuyên qua vật liệu dù đó là bê tông đầm lăn hay bê tông thường hoặc bằng đất, đá cũng vậy thôi. Nếu đập nứt, nước chảy qua, dòng thấm sẽ gây ra xoáy ngầm làm suy giảm chất lượng của đập. Theo thời gian có thể sẽ gây ra hậu quả xấu.

GS.TS Vũ Thanh Te, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, người có nhiều năm nghiên cứu về công nghệ thi công đầm lăn cho biết, với sự cố này đương nhiên sẽ có cách xử lý. “Nhưng nói chung với đập đã có bê tông khối lớn khi bị nứt xử lý sẽ khó khăn. Vì vậy phải đánh giá đúng nguyên nhân từ đó sẽ có cách để xử lý phù hợp. Tức là phải xử lý từ gốc của vấn đề”, ông Te nói.

Cùng quan điểm này, TS Đào Trọng Tứ, Ủy viên thường trực Mạng lưới vì nước Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Sông Mê Kông, cho rằng, thủy điện Sông Tranh có hiện tượng tích nước và nằm trong hoạt động của đới dứt gãy nên phải đánh giá toàn bộ để xem đâu là nguyên nhân gây ra nứt. Phải chỉ ra được hạn chế mới có giải pháp khắc phục tốt nhất.

Theo TS Tứ, với sự cố như thế này, phải làm khảo sát ngay tức khắc. Ngoài ra phải có kế hoạch ngay trong vấn đề di dân. Có thể không xảy ra chuyện vỡ đập vì với đập bê tông khối lớn sẽ cần thời gian dài để rửa trôi, bào mòn vật liệu nhưng nếu không đánh giá, lường trước thì rất nguy hiểm.

Trong khi các nhà khoa học dự báo công trình thủy điện Sông Tranh 2 có dấu hiệu bất thường về mặt chuyên môn, thì Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vừa gửi văn bản của Ban quản lý dự án thủy điện 3 như một thông báo quan điểm chính thức của tập đoàn này. Văn bản khẳng định các dòng thấm chảy ra phía hạ lưu đã được nghiệm thu và đánh giá là đạt yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình.

Lý do nước chảy là do khe nứt nhiệt được thiết kế để triệt tiêu hiệu ứng nhiệt có thể khiến nứt bêtông trong quá trình thi công cũng như quá trình vận hành sau này (có khoảng 30 khe nứt nhiệt như vậy trên toàn đập). Ban quản lý dự án thủy điện 3 cam kết: “Chúng tôi tin lượng thấm sẽ giảm và chất lượng công trình sẽ tốt hơn”. Ông Trần Văn Hải – trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 – cho biết thêm:

– Tích nước đầy hồ vào tháng 11-2010, nhưng đến tháng 11-2011 thân đập thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu xuất hiện hiện tượng rò rỉ nước với tổng lượng thấm đo được 30 lít nước/giây. Vào thời điểm này, nước thấm được chúng tôi thu gom về trong các hành lang nằm giữa thân đập nên mọi người không thấy. Để hạn chế tình trạng trên, chúng tôi đã xử lý bằng cách dùng chất keo xịt vào các vị trí rò rỉ bên trong hành lang, mục đích là ngăn không cho nước chảy vào hành lang nữa. Tuy nhiên giải pháp xử lý của chúng tôi chưa được tốt, chưa đạt yêu cầu nên nước không chảy vào hành lang nữa mà lại chuyển hướng chảy ra ngoài vỏ đập như hiện tại chúng ta thấy.

Qua khảo sát cho thấy hiện trên thân đập xuất hiện ba vị trí xì nước. Vị trí thứ nhất xuất hiện ở cao trình 132m, vị trí thứ hai xuất hiện ở cao trình 140m và vị trí thứ ba ở cao trình 168m, tất cả đều xuất phát ở các khe nhiệt (rãnh co giãn bêtông). Chúng tôi khẳng định rằng đập vẫn ổn định và an toàn đúng thiết kế, người dân không phải quá lo lắng.

Đây là việc mà chúng tôi hoàn toàn không mong muốn, nhưng nó vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Hiện chúng tôi đang nỗ lực khắc phục tình trạng nước xì ra vỏ thân đập, hạn chế đến mức thấp nhất lượng nước thấm qua thân đập, đồng thời đưa dòng chảy trở về hành lang thoát như ban đầu… với thời gian xử lý dự kiến tối đa một tháng nữa.

* Hội đồng nghiệm thu các cấp có biết chuyện xì nước này không và liệu nó có liên đới gì đến các trận động đất trước đó?

– Việc tổng lượng nước thấm qua thân đập (30 lít/giây) đã được hội đồng nghiệm thu nhà nước, hội đồng nghiệm thu cấp EVN và hội đồng nghiệm thu cơ sở đánh giá đạt yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình. Tất cả đều cho rằng đây là vấn đề kỹ thuật, tuy không mong muốn nhưng vẫn nằm trong yêu cầu cho phép.

Hiện các nhà khoa học không đưa ra ngưỡng tổng thấm nước bao nhiêu là cao nhất mà chỉ đánh giá rằng việc thẩm thấu đó có ảnh hưởng đến an toàn đập hay không và cách thức thấm như thế nào mà thôi. Tôi lưu ý rằng việc thấm này không hề liên quan đến các trận động đất xảy ra gần đây ở Bắc Trà My, bởi việc thấm nước này xuất hiện từ ngay sau khi hồ tích đầy nước.

Việc xử lý rất phức tạp về khâu kỹ thuật, chúng tôi vừa làm vừa thử, không được cách này thì bày cách khác… vả lại đập này chịu lực bằng trọng lực của thân đập rất lớn nên với lưu lượng chảy 30 lít/giây thì không có gì phải e ngại cả.

 

Tác giả