Tiến tới hình sự hóa tội làm thuốc giả

Các quy định được xây dựng nhằm chuyển tội danh làm thuốc giả từ vi phạm bản quyền sang tội hình sự

Khi cảnh sát, giới khoa học, và các chuyên gia y tế tổ chức một cuộc điều tra về nạn thuốc giả ở Đông Nam Á, họ đã bị sốc khi nhận ra gần một nửa số thuốc chống sốt rét mà họ thu được là giả. Đáng lo ngại hơn nữa khi người ta khám phá ra là rất nhiều vỉ thuốc bỏng, lẽ ra có chức năng cứu người khi nguy cấp, nhưng lại chứa những viên thuốc có tinh dầu xá xị (safrole), một hợp chất gây ung thư, thường được dùng để chế ma túy tổng hợp.

Sự có mặt của thành phần safrole trong thuốc bỏng càng cho thấy sự liên quan giữa những tổ chức sản xuất thuốc giả và các nhóm tội phạm. Hiện đang có một khoảng xám trên phương diện pháp lý, cho phép những kẻ làm thuốc giả hưởng lợi nhuận rất cao trong điều kiện tương đối ít rủi ro.

“Với một kẻ tội phạm nào đó muốn kiếm nhiều tiền, đầu tư buôn thuốc giả đỡ nguy hiểm hơn là buôn các chất bị cấm”, nhận xét từ Susanne Keitel, giám đốc của Ban Kiểm soát Chất lượng Dược phẩm và Y tế (EDQM) ở Strasbourg, Pháp. Đó là vì tuy thuốc giả gây nguy hiểm cho người bệnh, làm mất lòng tin của công chúng vào hệ thống dịch vụ y tế, và gây hại cho tăng trưởng kinh tế, việc cố tình sản xuất loại hàng này không được xếp vào nhóm tội hình sự, mà chỉ bị coi là sự xâm phạm bản quyền.

Nhưng đến nay, điều này có thể phải thay đổi, do những hợp tác xuyên quốc gia nhằm hình sự hóa tội làm thuốc giả, và tổ chức thực hiện quy định mới này trên quy mô toàn cầu. Các cơ quan y tế đều đồng tình với nỗ lực này, và cho rằng những năm qua người ta đã quá lơ là, khiến vấn đề phát triển thành một cuộc khủng hoảng.

Những mối nguy hại

Năm ngoái, trong một cuộc truy quét kéo dài cả tuần, cảnh sát quốc tế INTERPOL, có trụ sở ở Lyons, Pháp, đã tịch thu được 2,4 triệu viên thuốc từ hàng tá quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, số lượng này chưa phản ánh hết quy mô của nạn buôn lậu. Lượng sản xuất thuốc giả trên toàn cầu mỗi năm ước tính có giá trị lên tới 75 tỷ USD, và dự kiến tăng 13% hằng năm.

Danny Lee-Frost, người phụ trách chiến dịch ở Cơ quan Kiểm soát Dược phẩm và Y tế tại London, cho rằng ở các nước phát triển, các trạm biên phòng có thể bắt được đa số hàng buôn lậu trước khi chúng được tuồn vào thị trường. Nhưng ở các nước nghèo thì khó có điều kiện để làm được như vậy. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng ở các nước đang phát triển, gần một phần ba thuốc bán trên thị trường là thuốc giả hoặc kém chất lượng.

Hiện đang có một khoảng xám trên phương diện pháp lý, cho phép những kẻ làm thuốc giả hưởng lợi nhuận rất cao trong điều kiện tương đối ít rủi ro.

Paul Newton, một bác sĩ ngành bệnh truyền nhiễm tại tổ chức Wellcome Trust ở Vientiane, Lào, cho biết việc kiểm soát chất lượng thuốc “đòi hỏi ý chí chính trị, chuyên môn khoa học, và số liệu đáng tin cậy” – nhưng những điều kiện này đều thiếu ở các nước bị tàn phá bởi nạn nghèo đói và dịch bệnh.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là sự thiếu đồng thuận về nguyên tắc xác định thuốc giả. Những nỗ lực nhằm lập ra một định nghĩa chuẩn chung bị kẹt giữa hai luồng ý kiến nhiều khi đối lập, một bên bên muốn bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bên kia muốn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bryan Liang là một bác sĩ, cũng là một luật sư tại trường California Western School of Law ở San Diego, Mỹ, và là phó chủ tịch tổ chức Partnership for Safe Medicines, cho rằng các định nghĩa hiện hành “ưu tiên tư lợi hơn là sức khỏe cộng đồng” khi chỉ mới xem xét nạn thuốc giả dưới khía cạnh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cộng đồng y tế nhìn chung đều cho rằng không thể đánh đồng tính nghiêm trọng của nạn thuốc giả với các loại hàng giả khác. “Những người bị ảnh hưởng chủ yếu là các bệnh nhân và gia đình của họ, không phải là các công ty dược và đại lý của họ”, Newton nói. “Thuốc chống sốt rét giả gây hại nhiều hơn là đồng hồ Rolex giả. Chúng cần được đối xử khác nhau”.

Hình sự hóa tội làm thuốc giả

Tháng 10 năm ngoái, Hội đồng Châu Âu đã mời các quốc gia khác cùng ký vào Hiệp ước MEDICRIME, hiệp định quốc tế đầu tiên nhằm quy định hoạt động làm giả dược phẩm là một tội hình sự. Tới nay, đã có 15 nước tham gia ký hiệp ước. Tuy tới nay chưa quốc gia nào thông qua quy định này, nhưng Keitel “hoàn toàn tin tưởng” rằng nó sẽ được pháp lý hóa ở các nước đã ký kết. Phòng pháp chế của EDQM, cơ quan dự thảo hiệp ước, dự kiến rằng hiệp ước sẽ được thông qua đầy đủ vào cuối năm 2013.

Cuối năm 2011, các nhà làm chính sách của Mỹ đã thúc đẩy một động thái tương tự, với việc giới thiệu dự thảo luật Counterfeit Drug Penalty Enhancement Act (Luật Tăng cường Xử phạt Làm giả Thuốc), trong đó phân biệt giữa thuốc giả và các loại hàng giả khác, đồng thời tăng hình phạt về năm tù và tiền phạt sau khi đối tượng bị quy tội sản xuất và buôn bán thuốc giả. Dự luật nay đang được Quốc Hội Mỹ xem xét.

Bên cạnh đó, WHO dự kiến sẽ đề xuất một quy chế phối hợp hành động toàn cầu vào tháng 5 tới, tại Đại Hội đồng Y tế Thế giới tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ. Quy chế này sẽ không xem xét nạn thuốc giả dưới góc độ vi phạm sở hữu tài sản trí tuệ, mà tập trung hoàn toàn vào góc độ tội ác chống loài người.

Nhưng dù đã có những định nghĩa mới, việc giám sát chất lượng thuốc sẽ vẫn tiếp tục gặp hạn chế do thiếu thốn về nguồn lực và cơ sở hạ tầng.

Phát hiện và xử lý

Nhằm cải thiện công tác kiểm định chất lượng thuốc, các nhà nghiên cứu đang xây dựng các giải pháp mới nhằm phát hiện thuốc giả. Ví dụ, hãng dược Merck, có trụ sở ở Darmstadt, Đức, đang tài trợ dự án Global Pharma Health Fund Minilab, cung cấp các bộ thiết bị giúp thẩm định chất lượng của 57 hợp chất khác nhau. Theo thông tin từ Merck, gần 500 bộ thiết bị đã được phân phối ở 80 quốc gia. Tuy nhiên, những đánh giá độc lập cho thấy bộ thiết bị này có thể giúp cung cấp thông tin một cách nhanh chóng và rẻ, nhưng chỉ có thể phát hiện ra thuốc giả khi chất lượng thuốc quá kém so với tiêu chuẩn.

Harparkash Kaur, một nhà hóa học từ Trường Vệ sinh và Dược Nhiệt đới London, cùng các cộng sự từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch Hoa Kỳ tại Atlanta, bang Georgia, đang phát triển một loại thuốc thử nhằm đo lường hàm lượng hoạt tính artemisinin trong thuốc chống sốt rét. Họ sẽ sớm đưa kết quả này vào các bộ dụng cụ dã chiến đủ đơn giản để một người bình thường cũng có thể sử dụng và đánh giá kết quả thử nghiệm.

Tuy nhiên, nạn nghèo đói và lợi nhuận sẽ tiếp tục là trung tâm của vấn đề. Newton cho rằng khi mà người nghèo vẫn tiếp tục bị lợi dụng để những kẻ xấu kiếm tiền, thì thuốc giả sẽ vẫn tồn tại. “Giải pháp là làm sao để thuốc trở nên rẻ hơn, dễ mua hơn”, ông nói. Tăng khả năng tiếp cận của người nghèo với dược phẩm sẽ khiến lợi nhuận từ thuốc giả giảm xuống, và giúp bảo vệ sức khỏe của con người trên toàn cầu.

Dịch theo
http://www.nature.com/news/international-groups-move-to-criminalize-fake-drugs-1.10159

 

Tác giả