Tiếp cận CMCN4 dựa trên đột phá đổi mới sáng tạo
Để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần xây dựng thế mạnh và giá trị cốt lõi của Việt Nam dựa trên nhân tố đột phá là đổi mới sáng tạo, trên cơ sở sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và doanh nghiệp, theo phát biểu của Thứ trưởng Phạm Đại Dương tại Hội thảo – Triển lãm quốc tế "Phát triển công nghiệp thông minh 2017" ngày 5/12 vừa qua.
Các diễn giả tại buổi Tọa đàm trong khuôn khổ Hội thảo – Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh 2017”
Dẫn thông tin tổng quan về việc thế giới đang làm gì để bắt nhịp Thế giới đang làm gì cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Industry 4.0) – Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho biết, tại Mỹ đã có nhiều chương trình, chiến lược để giữ vững vị thế dẫn đầu về công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới nhất liên quan đến Industry 4.0. Có thể kể đến như: Internet công nghiệp (Industrial Internet); Hợp tác sản xuất nâng cao (Advanced Manufacturing Partnership – AMP). Ở Đức cũng xây dựng Chiến lược Industrie 4.0 để tiến lên phía trước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ với trọng tâm là sản xuất thông minh. Chính phủ Đức đầu tư 200 triệu Euro cho nghiên cứu các công nghệ trong lĩnh vực này. Ở Nhật Bản đã xây dựng Society 5.0, là một sự kết hợp của Công nghiệp 4.0 với vấn đề về văn hóa, xã hội. Mục tiêu là xây dựng Nhật Bản trở thành “quốc gia thân thiện đổi mới sáng tạo nhất thế giới”. Cùng với đó, các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan đều xây dựng chiến lược phát triển riêng với những khoản đầu tư ngân sách rất lớn cho công cuộc này.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới có cách tiếp cận là tập trung xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và hiệu quả nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy số hoá, ứng dựng các công nghệ số hoá trong công nghiệp, dịch vụ như: nâng cấp hạ tầng truyền thông băng thông rộng, các chương trình nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, Internet vạn vật,…; có chính sách bảo vệ và thúc đẩy sử dụng tài sản trí tuệ; hỗ trợ kinh phí hoặc lãi suất vay cho doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số. Đồng thời họ cũng xây dựng các trung tâm thử nghiệm và triển khai Industry 4.0, là nơi kết nối doanh nghiệp, viện, trường, thử nghiệm các sản phẩm mới, đào tạo nhân lực, thí điểm chính sách đối với Industry 4.0.
Cần sự kết nối
Thực tế ở Việt Nam, tuy chưa có chiến lược riêng về thúc đẩy Công nghiệp 4.0, nhưng trong từng lĩnh vực liên quan, đã có những định hướng và chiến lược cụ thể. Theo đó trong các chỉ đạo của Chỉ thị số 50 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; các chiến lược phát triển Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam; Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2020 với việc xác định các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: CNTT-TT, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy – tự động hoá; Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4… đã góp phần chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn lực Việt Nam tận dụng được cơ hội của Industry 4.0, song phía trướng vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Nếu nói rằng công nghiệp thông minh là công nghiệp của sự kết nối, sáng tạo thì sự tiếp cận của chúng ta trong thời gian qua còn rời rạc, thiếu kết nối. Vẫn đang là các hoạt động của từng ngành, từng khối riêng lẻ. Vẫn đang là sự đổi mới “cũ”, chưa có sự sáng tạo, đột phá trong cách tiếp cận” – ông Dương nói và kiến nghị để có thể tiếp cận thành công cơ hội của Industry 4.0, chúng ta cần xây dựng thế mạnh và giá trị cốt lõi của Việt Nam dựa trên nhân tố đột phá là đổi mới sáng tạo, trên cơ sở sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
Đồng quan điểm với ông Phạm Đại Dương, ông Brain Hull – Tổng Giám đốc ABB Việt Nam (thuộc ABB Group, là một trong những câng ty hàng đầu thế giới về các thiết bị, hệ thống kỹ thuật điện và tự động hóa có trụ sở tại Thụy Sỹ) đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự thay đổi ở các doanh nghiệp cung ứng và ứng dụng công nghệ.
Chia sẻ từ chính ví dụ của ABB trong quá trình tạo dựng lên nguồn tài sản lớn, ông Brain Hull phân tích để thấy một bức tranh toàn diện về sự hiện diện của công nghệ, đó là sự kết nối, công nghệ quản lý, quy trình làm việc, hệ thống thương mại, thị trường… Tất cả các thông số được hiển thị cụ thể 24/7 và toàn bộ dữ liệu có thể thấy ở các thiết bị có thể kiểm soát ở các cấp độ khác nhau ở ABB.
“Việc quản lý như thế này không phải là khoa học viễn tưởng mà là hiện thực. Thế giới đang thay đổi, nếu chúng ta không bắt nhịp sẽ tụt hậu. Vì vậy đây là thời điểm phải thấy được không chỉ thay đổi công nghệ mà cần có một mô hình vận hành chuẩn ở Việt Nam” – Brain Hull nhấn mạnh.
Nhà nước cần chủ động hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng các chính sách. Đặc biệt là các chính sách hướng tới phát triển công nghiệp 4.0, chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp chuyển đổi số hoá, chuyển giao và đổi mới công nghệ. Các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động hơn trong phối hợp với Chính phủ, chia sẻ với Chính phủ về nguồn lực để phát triển hạ tầng, tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia. Quyết liệt đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, đặc biệt là dạy nghề. Phát triển một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh chiến lược ở tầm quốc gia. Có chiến lược hợp tác cụ thể với các quốc gia đi đầu trong khu vực để cùng phát triển những thế mạnh của mình, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cần sự chung tay của nhóm các chuyên gia cao cấp từ các khối doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và chính phủ để khảo sát, đánh giá lại hiện trạng sẵn sàng với công nghiệp 4.0 của Việt Nam, dự báo một số kịch bản tác động của công nghiệp 4.0 tới Việt Nam, từ đó xây dựng chiến lược tiếp cận Công nghiệp 4.0 một cách rõ ràng hơn cho Việt Nam.
Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN.
http://truyenthongkhoahoc.vn/vn/Cach-mang-cong-nghiep-4-0-la-co-hoi-thuc-hien-khat-vong-phon-vinh-cua-dan-toc-c1043/Cach-mang-cong-nghiep-4-0-la-co-hoi-thuc-hien-khat-vong-phon-vinh-cua-dan-toc-n10376