Tìm phương pháp đánh giá đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp Việt Nam

Ngày 19/9, Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội đồng Chính sách Quốc gia đã tổ chức buổi hội thảo: “Phương pháp đánh giá đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp”. Nội dung của buổi hội thảo tập trung vào những kinh nghiệm về điều tra, thống kê, đánh giá về đổi mới công nghệ ở Việt Nam và thế giới.

Một trong những phương pháp luận về điều tra, thống kê đang được đề xuất để làm cơ sở đánh giá đổi mới công nghệ ở Việt Nam là sổ tay Oslo (Oslo Manual) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Theo đó, có 4 nội dung đánh giá đổi mới công nghệ bao gồm: sản phẩm công nghệ, quy trình công nghệ, tổ chức công nghệ, thị trường công nghệ.

Bên cạnh đó, trong cuộc hội thảo, đại diện của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), TS. Vũ Xuân Nguyệt Hồng đề xuất một cuộc điều tra về năng lực công nghệ của doanh nghiệp thường kỳ. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ có thể học hỏi kinh nghiệm từ cuộc khảo sát hàng năm của Viện về năng lực cạnh tranh và công nghệ được thực hiện trên 8000 doanh nghiệp từ năm 2011 dưới sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan hỗ trợ phát triển Đan Mạch (DANIDA).

GS. Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia thừa nhận rằng, buổi hội thảo chưa thể đưa ra được phương pháp đổi mới mà chỉ có thể xem xét những nghiên cứu, ý kiến sơ bộ về kinh nghiệm đánh giá đổi mới công nghệ của Việt Nam và thế giới từ các cơ quan hữu quan. Các thành viên trong Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia cũng cho biết, việc đưa ra phương pháp đánh giá đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp là một công việc khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian vì rất khó để đưa ra các chỉ tiêu mang tính định lượng áp dụng rộng rãi cho nhiều lĩnh vực kinh doanh và các loại hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các khái niệm liên quan đến đổi mới – sáng tạo còn lạ lẫm và gây ra nhiều cách hiểu khác nhau trong những người hoạch định và đóng góp phát triển chính sách.

Theo GS. Hoàng Văn Phong, buổi hội thảo phục vụ cho bước tiếp theo của Bộ Khoa học và Công nghệ; đó là đánh giá hiện trạng chung để xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ ở các cấp, doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực của Việt Nam.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)