Tổ công tác của Bộ KH&CN thông tin về sự cố tại Nhà máy điện Fukushima I

Tổ công tác của Bộ KH&CN đã được thành lập bao gồm các nhà quản lý và chuyên gia của Viện Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn và bức xạ hạt nhân, Cục năng lượng nguyên tử nhằm cung cấp thông tin chính xác về tình hình sự cố của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I do ảnh hưởng của động đất và sóng thần.

Theo đó, Tổ công tác sẽ chịu trách nhiệm thu thập và xử lý thông tin từ nguồn tin của Nhật Bản, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, Hội hạt nhân thế giới và các đài truyền hình quốc tế. Thông tin sẽ được cung cấp cho các cơ quan truyền thông hàng ngày cho đến khi sự cố được xử lý xong ở Nhật Bản.

Thông qua các nguồn tin từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các cơ quan có liên quan của Nhật Bản và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia nước ngoài, Tổ công tác của Bộ KH&CN đưa ra một số đánh giá:

– Lò phản ứng số 1 và số 3 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I thuộc loại lò thế hệ cũ (đời đầu thế hệ thứ II) được thiết kế với khả năng chống động đất ở mức thấp hơn cường độ động đất đã xảy ra. Lò phản ứng số 1 của Fukushima I thuộc đời đầu thế hệ thứ II, có công suất khoảng 440 MW, bắt đầu hoạt động từ ngày 26/3/1971. Lò phản ứng số 3 của Fukushima I có công suất khoảng 784 MW bắt đầu hoạt động từ ngày 27/3/1976. 

– Khi sự cố xảy ra, các hệ thống dừng lò khẩn cấp của nhà máy Fukushima I đã hoạt động theo đúng chức năng thiết kế. Máy phát điện diesel dự phòng đã hoạt động ngay lập tức sau khi mất điện lưới để cung cấp điện cho hệ thống làm mát khẩn cấp và hoạt động liên tục trong 1 giờ trước khi có sóng thần ập đến làm ngập lụt và hư hại máy phát điện dự phòng. 

– Thiết kế của loại lò này không có hệ thống an toàn thụ động tức là hệ thống hoàn toàn tự động xử lý khi có sự cố mà không phụ thuộc vào nguồn điện hoặc sự an thiệp của con người. Do đó khi mất điện, hệ thống làm mát khẩn cấp đã không hoạt động được dẫn đến sự cố mất nước, làm tăng nhiệt độ và áp suất vùng hoạt lò phản ứng. 

– Nguyên nhân vụ nổ tại các tổ máy số 1 và số 3 là do oxy trong không khí kết hợp với hydro sinh ra trong vùng hoạt do hiện tượng oxy hóa zirconi (vỏ thanh nhiên liệu), vụ nổ đã phá vỡ phần tường và mái bê tông của nhà lò phản ứng. Tuy nhiên các vụ nổ và cháy này chưa ảnh hưởng đến kết cấu các lớp bảo vệ an toàn của lò. Nguyên nhân nổ ở tổ máy số 2 và số 4 đang được điều tra.

– Theo đánh giá của Cơ quan pháp quy hạt nhân (NISA), cho đến nay sự cố hạt nhân tại Nhà máy Fukushima I là ở mức 4 (tai nạn với hậu quả cục bộ) theo thang sự kiện hạt nhân quốc tế (INES) gồm 7 mức. 

Khi xảy ra sự cố, Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về an toàn hạt nhân và tổ chức sơ tán những người sống trong phạm vi 3km xung quanh nhà máy Fukushima I. Sau đó, lệnh sơ tán của Chính phủ Nhật Bản được mở rộng ra bán kính 10km và 20km. Hơn 50.000 người đã được sơ tán trong ngày 12/3 và lên đến hơn 170.000 người vào ngày 13/3. Kế hoạch ứng phó sự cố khẩn cấp được chuẩn bị bài bản dựa trên quy định pháp quy an toàn hạt nhân của Nhật Bản. 

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi thuộc quận Fubata, tỉnh Fukushima do Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) điều hành. Fukushima I có tổng công suất điện đạt 4,7 GW và là một trong 25 nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới. Fukushima  I gồm 6 lò phản ứng nước sôi đang hoạt động. Các lò phản ứng số 1, 2, 6 do Công ty General Electric  cung cấp, các lò số 3, 5 của Công ty Toshiba và lò số 4 của Công ty Hitachi (Nhật Bản). Các lò 4, 5, 6 đã ngừng hoạt động trước khi xảy ra động đất để bảo dưỡng theo định kỳ.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)