Tọa đàm “Thơ Việt Phương” và “Suy nghĩ về ngày mai”

Tia Sáng phối hợp cùng Hội nhà văn tổ chức tọa đàm giới thiệu sách “Suy nghĩ về ngày mai” và Tuyển tập thơ Việt Phương. Dù chưa đầy 300 trang nhưng “Suy nghĩ về ngày mai” có thể giúp thế hệ sau nhìn nhận toàn diện hơn về một nhà thơ Việt Phương mà mình đã biết.

Với thế hệ sau, những gì ít ỏi biết về nhà thơ Việt Phương là về “Cửa mở”, tập thơ có nhiều nét đổi mới trong tư duy thời cuộc ra đời trước cột mốc Đổi mới tới 15 năm.

Những suy nghĩ dằn vặt trước thời cuộc đã đưa ông đến những câu thơ gây sóng gió vào năm 1970, khiến tập thơ “Cửa mở” phải chờ đến gần 20 năm sau, vào năm 1989 mới được tái bản và lưu hành rộng rãi.

“…Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không còn ai xấu nữa

Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ để yêu thương

Đã chọn đường đi, không ai dừng ở giữa

Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường

Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ

Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào

Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ

Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao

…Ta đã thấy những chỗ lõm, chỗ lồi trên mặt trăng sao

Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao…

(Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi)

Có lẽ, ông là minh chứng sống động cho nhận xét của thi sĩ Octavio Paz, “Thi ca là một trải nghiệm của tự do. Nhà thơ thường liều mình trên tất cả các bài thơ cũng như mỗi vần thơ mình sáng tác”.

Nhà thơ Việt Phương qua đời vào ngày 6/5/2017. Giáo sư Pierre Darriulat, trong nỗi buồn chia tay một người bạn Việt Nam, đã viết “Nay Phương không còn ở bên chúng ta, một mảnh ký ức của Việt Nam cũng tan biến đi”.

Tháng 9 năm 2017, nhà xuất bản Văn học xuất bản tuyển tập “Thơ Việt Phương”, giới thiệu một phần con người thơ trong ông, trong đó có cả những bài thơ đầy suy tư và trăn trở của tập “Cửa mở”. Nhưng nhà thơ Việt Phương thực sự là “một mảnh ký ức Việt Nam” bởi bên cạnh đó, ông còn là một nhà nghiên cứu lý luận về kinh tế và chính trị với nhiều năm kinh nghiệm làm thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cùng một thời gian giúp việc cho Tổng Bí thư Lê Duẩn, tham gia Tổ Tư vấn của các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải. Trong cương vị đó, ông đã dự phần vào rất nhiều hoạt động chính sách, chiến lược ở nhiều lĩnh vực của đất nước.

Tuy nhiên, con người lý luận chính trị và kinh tế của nhà thơ Việt Phương ít được biết đến hơn con người thi ca, dẫu ở khía cạnh này, ông cũng có một số suy nghĩ quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh đổi mới.

Đó là lý do, NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã tập hợp 18 bài viết và bài phát biểu của ông về những vấn đề xuất hiện trong những giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước, từ năm 1992 đến năm 2009 mà ngày nay có thể tham khảo làm tư liệu, “Suy nghĩ về ngày mai”. Dù chưa đầy 300 trang nhưng “Suy nghĩ về ngày mai” có thể giúp thế hệ sau nhìn nhận toàn diện hơn về một nhà thơ Việt Phương mà mình đã biết. Tất cả các bài viết, hoặc bài nói trong cuốn sách này đều được nhà thơ Việt Phương thực hiện theo yêu cầu công tác chính thức (tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ban Nghiên cứu của thủ tướng) hoặc được các cơ quan chức năng, có trách nhiệm về các lĩnh vực này (Hội đồng lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương… ) đề nghị nghiên cứu hay yêu cầu phát biểu ý kiến tại các toà đàm, hội nghị, đề án nghiên cứu chính thức.

Tia Sáng phối hợp cùng Hội nhà văn tổ chức tọa đàm giới thiệu sách “Suy nghĩ về ngày mai” và Tuyển tập thơ Việt Phương vào 14h30 ngày 26 tháng 11 năm 2023, tại 52 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Với phần thảo luận của các diễn giả: nhà nghiên cứu Đức Lượng, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nhà thơ Vũ Quần Phương và nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam, tọa đàm sẽ cùng nhìn lại một thời đổi mới “Cửa mở”.

Độc giả quan tâm tham dự tọa đàm vui lòng đăng ký tại đường link sau: https://bit.ly/Toa_dam_Suy_nghi_ve_NgayMai

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)