Tôn kính không mâu thuẫn với trao đổi cởi mở
Khoảng 600 nhà khoa học trẻ có dịp tiếp xúc, trao đổi với 37 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel trong một tuần liền tại thị trấn Lindau bên Hồ Bodensee. Cuộc gặp với những nhà khoa học danh tiếng sẽ mang lại gì cho các nhà nghiên cứu trẻ?
Anja Possart ở Tübingen là một trong những người có mặt tại cuộc gặp gỡ này. “Thoạt đầu người ta nghĩ, lạy Chúa, mình biết nói gì đây, mình phải xưng hô với các vị đó như thế nào”, cô kể. “Nhưng rồi mọi sự đã nhanh chóng được bình thường hoá và rồi người ta nghĩ: Các vị đó cũng chỉ là những con người.”
Anja Possart, 33 tuổi, hiện đang làm luận án sau tiến sỹ tại Đại học Tübingen về lĩnh vực sinh vật học phân tử và sinh vật học tế bào. Cô cười và kể tại hội nghị này cô thuộc diện “của hiếm” vì chủ đề chính của Hội nghị lần thứ 64 năm nay là sinh lý học / y học. Các bài giảng và trao đổi bàn tròn năm nay chủ yếu xoay quanh cơ chế hoạt động của phân tử, di truyền và tế bào. Possart nói, nhiều phương pháp mang tính đa ngành và tương tự nhau. “Do vậy tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ các bài giảng.”
Nhưng thực chất người ta được gì từ một hội nghị như thế này? “Trước hết đó là một sự động viên và khích lệ”, Possart nói. “Đã mấy khi có dịp một lúc gặp gỡ 37 nhà khoa học được giải Nobel?” Nhưng với cô thì các cuộc trao đổi với những nhà khoa học trẻ khác cũng rất có ý nghĩa.
Bên cạnh các cuộc trao đổi về đề tài khoa học, người ta còn có thể trao đổi về những công việc thường ngày như: cách thức xúc tiến một đề tài như thế nào, cách xử lý một vấn đề nhất định, công việc tiến triển ra sao ở các phòng thí nghiệm khác? “Hội nghị là một sự pha trộn đầy mầu sắc của các nhà khoa học trẻ”, Possart kể. “Do đó có nhiều dịp để học hỏi nhằm giải quyết những vấn đề nhất định của bản thân mình.”
Cuộc gặp bên hồ Bodensee đã diễn ra được 64 năm
Đây chính là hiệu ứng kép, ông Wolfgang Schürer, chủ tịch Quỹ Hội nghị những người được giải Nobel ở Lindau nhấn mạnh. “Tại đây người ta có thể học hỏi ở các bậc tiền bối cũng như học những kinh nghiệp thực tiễn của các đồng nghiệp tại các trường đại học trên thế giới”, vị chủ tịch nói. “Đây là sự tương tác rất cụ thể và quý báu.” Thí dụ trong các cuộc trao đổi nhóm đã đề cập các chủ đề như vai trò của người phụ nữ trong khoa học hay truyền thông trong khoa học.
Các nhà khoa học trẻ gặp gỡ những nhà khoa học gạo cội được giải Nobel và các đồng nghiệp cùng trang lứa tại các phiên họp toàn thể, tại các lớp học và cả trong các bữa ăn trưa, trong giờ nghỉ giải lao. “Tại tất cả các cuộc gặp gỡ này, những nhà khoa học trẻ đều mang theo hệ thống Lego (Lego-System)”, Schürer kể. “Sau này họ sắp xếp chúng như thế nào, đó là việc của từng người.” Bên cạnh các cuộc trao đổi về lý thuyết cũng có các trường hợp các nhà khoa học bậc thầy tìm gặp các nhà khoa học trẻ, mời họ về làm việc tại các phòng nghiên cứu, thí nghiệm của mình.
Khác với thời gian trước đây, ngày nay các nhà nghiên cứu trẻ không còn cần những lời khuyên, phải làm gì để tiếp cận, trò chuyện với những người được giải Nobel. “Thế hệ khoa học ngày nay tự họ thực hiện được công việc này,” theo lời Schürer.
Không khí trong các phòng thí nghiệm ngày nay cho thấy, thời kỳ có sự phân biệt đẳng cấp trong khoa học đã trở thành chuyện của quá khứ. “Riêng các công nghệ, nếu không thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sẽ không vận hành được, điều này xét cho cùng đã làm cho các cấu trúc trở nên phẳng hơn nhiều. Tôi muốn nói rằng, trong thế hệ hôm nay không còn có sự mâu thuẫn giữa sự tôn kính và trao đổi cởi mở với nhau,” Schürer nói.
Xuân Hoài dịch