Tổng hợp tin KH quốc tế Báo KH&PT số 48
Những kỳ vọng từ Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP28)
Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28) dự kiến diễn ra tại Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từ ngày 30/11 đến ngày 12/12.
Mục đích chính của chương trình nghị sự lần này là tiến hành “kiểm kê toàn cầu”, đánh giá liệu thế giới có đang đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris hay không. Việc kiểm kê diễn ra 5 năm một lần, và sau mỗi lần kiểm kê trước đây, các nhà khoa học đều kết luận rằng thế giới đang đi chệch hướng một cách đáng tiếc.
Thỏa thuận Paris là một kế hoạch quốc tế được ký kết vào năm 2015 nhằm mục đích giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên không quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và viễn cảnh tốt nhất là dưới mức 1,5°C vào năm 2100.
Một nội dung quan trọng khác trong hội nghị COP28 là các cuộc đàm phán về một quỹ mới để bồi thường cho các nước nghèo về “những mất mát và thiệt hại” – thuật ngữ của Liên Hợp Quốc ám chỉ sự tàn phá của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tại hội nghị thượng đỉnh COP27 diễn ra vào năm ngoái ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập, các quốc gia giàu có đã đạt được thỏa thuận lịch sử thành lập quỹ này. Nhưng kể từ đó, họ chưa thống nhất ai sẽ đóng góp vào quỹ và số tiền đóng góp là bao nhiêu.
Nguồn: Washingtonpost.com
Bùng phát bệnh viêm phổi bí ẩn ở Trung Quốc
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin toàn diện về đợt bùng phát bệnh viêm phổi bí ẩn ở khu vực phía Bắc của quốc gia này, khiến nhiều trẻ em phải nhập viện, dẫn đến tình trạng quá tải tại các phòng khám và phòng cấp cứu.
Một số người thậm chí còn lo ngại về sự xuất hiện của đại dịch mới, tương tự như COVID-19 cách đây bốn năm.
Tuy nhiên, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết số ca bệnh về đường hô hấp gia tăng là do sự lây lan của các mầm bệnh đã biết như virus cúm, adenovirus, viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae(thường gặp ở trẻ nhỏ) và virus hợp bào hô hấp (RSV).
“Năm nay Trung Quốc bước vào mùa đông đầu tiên kể từ lúc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để phòng ngừa COVID-19. Do đó, mức độ miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng đối với virus đường hô hấp có thể thấp hơn bình thường, dẫn đến sự gia tăng số ca nhiễm trùng”, NHC nhận định.
Nguồn: Nature, Techtimes
Chỉ 0,5% nghiên cứu về khoa học thần kinh liên quan đến sức khỏe phụ nữ
Các nhà khoa học thần kinh hiện nay có thể dễ dàng nghiên cứu bộ não sống thông qua kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI). Hơn 50.000 bài báo liên quan đến việc chụp ảnh não người đã được xuất bản kể từ khi công nghệ MRI xuất hiện vào thập niên 1990. Nhưng trong số đó, chưa đến 0,5% số bài báo xem xét các yếu tố sức khỏe dành riêng cho phụ nữ, theo Nature.
Nói cách khác, sức khỏe của phụ nữ chưa được đầu tư nghiên cứu một cách đầy đủ. Đây là thực trạng đáng lo ngại, bởi vì 70% số người mắc bệnh Alzheimer và 65% số người bị trầm cảm là phụ nữ. Ngoài ra, có một số rối loạn thần kinh chỉ xảy ra ở phụ nữ như trầm cảm sau sinh, sương mù não tiền mãn kinh, lạc nội mạc tử cung và đau nửa đầu do kinh nguyệt.
Trên toàn cầu, khoảng 400 triệu phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai dựa trên nội tiết tố (hormone). Nhiều người trong số họ bị trầm cảm như một tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu giúp chúng ta hiểu rõ việc ức chế hormone lâu dài ảnh hưởng đến não như thế nào.
Nguồn: Nature.com
NASA sẽ tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD để phá hủy ISS
Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã liên tục hoạt động trong suốt 23 năm qua, và tuổi tác của nó đang bắt đầu lộ rõ khi xuất hiện các vết nứt và rò rỉ.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã cân nhắc các phương án tối ưu để khai tử ISS vào đầu những năm 2030. Trạm vũ trụ sẽ đâm xuống một khu vực xa xôi của Thái Bình Dương với tên gọi Point Nemo – nơi được mệnh danh là “nghĩa trang tàu vũ trụ”.
NASA ước tính họ sẽ phải chi khoảng 1 tỷ USD để ngừng hoạt động ISS một cách an toàn, khiến nó bốc cháy trong bầu khí quyển Trái đất.
ISS có kích thước lớn hơn một sân bóng đá và nặng gần 450 tấn. Đây là dự án hợp tác giữa Mỹ, Canada, Nhật Bản, Nga và 11 quốc gia ở châu Âu. Những module đầu tiên của trạm ISS được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Proton của Nga vào tháng 11/1998. Kể từ đó đến nay, hơn 240 người từ 19 quốc gia đã đến ISS và thực hiện khoảng 3.000 nghiên cứu khác nhau.
Nguồn: Futurism.com
Nguy cơ hết dữ liệu đào tạo AI
Khi trí thông minh nhân tạo (AI) ngày càng trở nên phổ biến, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cảnh báo rằng chúng ta sắp hết dữ liệu để đào tạo các hệ thống AI, bởi vì AI tiêu thụ dữ liệu nhanh hơn tốc độ chúng ta tạo ra.
“Các công ty AI có thể cạn kiệt kho dữ liệu đào tạo văn bản chất lượng cao vào năm 2026. Trong khi đó, nguồn dữ liệu văn bản và hình ảnh chất lượng thấp có thể cạn kiệt bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian từ năm 2030 đến năm 2060”, theo dự báo của Viện Nghiên cứu Epoch AI về các xu hướng AI trong tương lai.
Chúng ta cần rất nhiều dữ liệu để đào tạo các thuật toán AI, khiến chúng ngày càng trở nên mạnh mẽ, chính xác và chất lượng. Ví dụ, công ty OpenAI đã huấn luyện ChatGPT dựa trên 570 gigabyte dữ liệu văn bản, tương đương khoảng 300 tỷ từ. Thuật toán của nhiều ứng dụng tạo hình ảnh AI như DALL-E, Lensa và Midjourney được huấn luyện dựa trên bộ dữ liệu LIAON-5B bao gồm 5,8 tỷ cặp văn bản–hình ảnh.
Chất lượng của dữ liệu đào tạo là yếu tố rất quan trọng. Dữ liệu chất lượng thấp như bài đăng trên mạng xã hội hoặc ảnh mờ rất dễ thu thập nhưng không đủ để đào tạo các mô hình AI hiệu suất cao. Nguyên nhân là do văn bản lấy từ mạng xã hội có thể mang tính thiên kiến, bao gồm thông tin sai lệch hoặc nội dung bất hợp pháp mà mô hình AI có thể sao chép. Vì vậy, các nhà phát triển AI luôn tìm kiếm nội dung chất lượng cao như văn bản lấy từ sách, bài báo trực tuyến, bài báo khoa học, Wikipedia và nội dung trên một số trang web được lọc kỹ lưỡng.
Nguồn: Techtimes, Theconversation
Tốc độ phá hủy rừng Amazon đã chậm lại đáng kể
Tốc độ phá hủy rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới Amazon đã chậm lại đáng kể từ đầu năm đến nay, giảm 55,8% so với cùng kỳ năm trước, tạo ra một bước ngoặt lớn đối với khu vực rừng có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Đây là kết quả phân tích từ Chương trình giám sát rừng MAAP của tổ chức phi lợi nhuận Amazon Conservation vào năm 2023.
Các nhà phân tích cho rằng phần lớn sự sụt giảm này nằm ở việc thực thi luật môi trường mạnh mẽ hơn ở Brazil – quốc gia sở hữu phần lớn diện tích rừng Amazon – dưới thời Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, người nhậm chức vào ngày 1/1. Người tiền nhiệm của ông, Jair Bolsonaro, đã chủ trương phát quang đất rừng nhiệt đới để khai thác mỏ, chăn nuôi và sử dụng vào các mục đích khác.
Ngoài Brazil, các nước Colombia, Peru và Bolivia cũng cho thấy tình trạng mất rừng giảm dần. Thành công trong việc kiềm chế nạn phá rừng sẽ giúp các quốc gia này có thêm tiếng nói để thu hút thêm nguồn kinh phí tài trợ bảo tồn rừng tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28).
Nguồn: Reuters.com
Quốc Hùng và nhóm tác giả thực hiện
(Tin đăng ở Báo KH&PT số 48)