TRÍ THỨC NGA (Lời giới thiệu cuốn sách về Trí Thức Nga do NXB Tri Thức sẽ xuất bản)

Thời gian công bố của cuốn sách về viết về đề tài Trí thức Nga trải dài gần một trăm năm, từ những bài trong tập Những cột mốc (Vekhi) công bố năm 1909 cho tới những bài viết thời nay. Nội dung các bài viết là những đánh giá phê phán giới trí thức Nga của chính những người thuộc giới này với tâm thế đau xót tự kiểm điểm (ngoại trừ hai bài viết thời hiện đại của Gary Neill và Tumanov). Vì sao những người dịch lại cho rằng độc giả người Việt quan tâm tới chủ đề này để bỏ công sức ra dịch những bài viết ấy? Tôi nghĩ rằng vì chúng ta có khá nhiều mối liên hệ văn hóa và tư tưởng với nước Nga xa xôi chính cũng vào thời kỳ ấy và vì đề tài trí thức đang là mối quan tâm hiện nay của chúng ta.

Bạn đọc sẽ nhận thấy các tác giả Nga có nhiều cách hiểu khác nhau về danh xưng trí thức. Ivanov-Razumnik và nhất là Likhachev nhấn mạnh phạm trù đạo đức trong định nghĩa trí thức, trong khi các tác giả khác hiểu giới trí thức như một tầng lớp xã hội với một số đặc thù nhất định bao gồm cả tốt và xấu về mặt đạo đức. Tuy nhiên, phần nhiều các tác giả đều thừa nhận có những cách hiểu khác nhau về trí thức. Tôi nghĩ rằng chẳng có mấy bổ ích trong việc đi tìm một định nghĩa chính xác cho khái niệm trí thức để mọi người đều chấp nhận. Nhưng để cho việc thảo luận khỏi rơi vào tình trạng bất xác định thì buộc phải đưa ra một cách hiểu về trí thức Nga, dù tuyệt nhiên không có tham vọng áp đặt cách hiểu ấy cho mọi người. Trí thức Nga được hiểu là một tầng lớp xã hội theo nghĩa một nhóm người tương đối đông về số lượng và có sự liên kết nội tại tương đối mật thiết và thống nhất (giống như một phần định nghĩa của Ivanov-Razumnik). Đặc điểm phân biệt họ với các tầng lớp xã hội khác là họ có học thức nhất định, luôn tự ý thức về sứ mệnh của mình đối với toàn thể cộng đồng (có thể rộng hẹp khác nhau như: giai cấp vô sản, nhân dân Nga hay toàn nhân loại) và có thái độ dấn thân để thực hiện sứ mệnh đem lại tương lai tươi sáng cho cộng đồng. Trong cách hiểu này không bao hàm một đánh giá đạo đức nào cho danh xưng trí thức. Tác động tốt xấu thế nào của trí thức Nga trong mỗi giai đoạn lịch sử, ta hãy để cho hậu thế xem xét. Cách hiểu này thuận tiện cho việc thảo luận về nội dung của các bài viết trong tập sách này vì nó ít xác định hơn nhưng phù hợp với những định nghĩa riêng khác nhau của các tác giả.

Nhiều người cho rằng giới trí thức Nga là một hiện tượng đặc thù của nước Nga, lịch sử của nhiều dân tộc khác không có hiện tượng như thế. Tôi chia sẻ cách hiểu này: nhiều xã hội khác cũng luôn có những cá nhân có các phẩm tính giống như trí thức Nga, nhưng họ thuộc về nhiều giai tầng xã hội khác nhau và không có sự liên kết nội tại mật thiết và thống nhất để hình thành một giai tầng riêng như giới trí thức Nga. Theo sự hiểu biết của tôi thì tính chất đặc thù này gắn với những đặc thù của nước Nga trong tiến trình lịch sử hình thành quốc gia. Hầu hết các tác giả đều thừa nhận tầng lớp trí thức Nga là con đẻ của Pjotr đại đế (1689-1725, hay Pie đại đế theo cách gọi Pháp). Trước triều đại của Pjotr nước Nga còn chìm trong sự chia rẽ và mông muội, phải chống trả với sự xâm lăng thường xuyên của rợ Mông-Thát. Tuy đã tiếp nhận Kitô giáo, nhưng đây là Kitô giáo thuộc nhánh Orthodox phổ biến ở Đông Âu và Hy lạp, không có nhiều sức mạnh kết nối như các nhánh Catholic hay Tin lành ở phương Tây và bị phụ thuộc nhiều vào các vương quyền. Kitô giáo Orthodox ở nước Nga không có vai trò tích cực nhiều trong quá trình lập quốc như Kitô giáo ở các nước phương Tây. Solzhennitsyn[1] cho rằng Nhà thờ ở Nga „ngay trước khi cách mạng xảy ra đã già nua và phân rã…“. Cũng theo Solzhennitsyn thì Nga hoàng Pjotr không hề mong muốn có giới trí thức như nước Nga đã có. Nga hoàng Pjotr chỉ muốn đào tạo một lớp người có kỹ năng làm việc cho bộ máy quan liêu của ông. Nhưng việc nước Nga mở cửa ra châu Âu đã tạo điều kiện cho giới quý tộc Nga tiếp xúc với các tư tưởng và học thuyết khai minh của phương Tây. Nửa đầu thế kỷ XIX toàn bộ trí thức Nga đều là quý tộc hoặc quan chức. Nga hoàng Pjotr đã có công mở mang bờ cõi nước Nga thông ra biển Baltic và biển Caspian, biến nước Nga thành một cường quốc châu Âu. Nhưng ông cũng như các Nga hoàng kế vị đã duy trì đế chế của mình trong một chế độ chuyên chế- nông nô hà khắc với một bộ máy quan liêu chuyên nghiệp khổng lồ. Nền chính trị chuyên chế ấy tương phản rõ rệt với những lý tưởng nhân văn thời khai minh của phương Tây mà giới trí thức quý tộc Nga chịu ảnh hưởng. Sự xung đột tinh thần là tất yếu, nhưng kịch bản nào phải xảy ra như kết quả của sự xung đột ấy? Nếu có sự thỏa hiệp nào đó dẫn đến việc nới lỏng chế độ chuyên chế cùng với các cải cách xã hội để phù hợp với chiều hướng phát triển kinh tế tư bản đang diễn ra ở nước Nga thì chuyện này ắt sẽ dễ dàng khớp vào được với môn lịch sử duy vật: trí thức quý tộc Nga và Nga hoàng tất nhiên phải thỏa hiệp với nhau vì cùng chung quyền lợi giai cấp. Nhưng thực tế lại xảy ra một kịch bản hoàn toàn ngược lại: các Nga hoàng đáp trả những kiến nghị cải cách của các trí thức quý tộc bằng sự trấn áp khiến cho sự đối đầu ngày càng gia tăng. Cuộc đảo chính bất thành của trí thức quý tộc Nga tháng chạp năm 1825 đã đi vào lịch sử Nga như một dấu son cho những người tham gia: hậu thế gọi họ là Những người tháng chạp với lòng tôn kính tinh thần xả thân vì chính nghĩa của họ.

Một mặt, chế độ chuyên chế hà khắc của Nga hoàng trong hoàn cảnh văn hóa mông muội với nhiều tàn tích Mông-Thát đã khiến cho cuộc sống của nông dân-nông nô Nga vô cùng bi đát mà họ lại chiếm số đông trong dân chúng. Mặt khác, kinh tế nước Nga vẫn tiếp tục đi lên theo hướng tư bản, nhất là trong nửa cuối của thế kỷ XIX: các đô thị mọc lên và phát triển, hệ thống đường sắt ngày càng mở rộng, thương nhân làm ăn phát đạt, các địa chủ sống phong lưu…tuy sự phát triển tư bản cũng có nét bệnh hoạn với nền công nghiệp chậm phát triển, giai cấp tư sản công nghiệp chậm ra đời. Cùng với sự phát triển kinh tế là sự phát triển giáo dục và sự xuất hiện của tầng lớp tiểu tư sản thị dân. Nhiều người trong tầng lớp này và một bộ phận sinh viên các trường đại học cũng nhập vào giới trí thức Nga khiến cho tính chất quý tộc của nó phai nhạt dần. Bất chấp nhiều thành tựu kinh tế sự xung đột tinh thần giữa trí thức Nga và chính quyền chuyên chế của Nga hoàng vẫn ngày càng gia tăng. Vì sao lại như vậy? Ta có thể hiểu được phần nào tình trạng dị thường này khi xem xét những đặc thù của triều đại Nga hoàng Alexandr II (1818-1881), một nhân vật lịch sử nhận được những đánh giá đầy mâu thuẫn của hậu thế.

Một mặt, trong thời kỳ trị vì của Alexandr II (1855-1881) nước Nga đã có nhiều tiến bộ rất quan trọng về kinh tế và văn hóa: Năm 1861 chế độ nông nô bị bãi bỏ khiến cho khoảng 10 triệu nông nô trở thành người tự do và được cấp một chút ít đất đai. Năm 1864 ban hành đạo luật cải cách pháp luật khiến cho hệ thống tư pháp Nga về nhiều mặt quan trọng có thể so sánh được với hệ thống tư pháp các nước phương Tây. Đạo luật này cũng lập ra các hội đồng địa phương bằng bầu cử (zemstva) với quyền tự trị trong các vấn đề giáo dục, y tế, các nghề thủ công, nông nghiệp… Một số quy định quản lý xã hội mang tính chuyên chế đã được bãi bỏ như bãi bỏ các hạn chế xuất cảnh cho cư dân, bãi bỏ những hình thức trừng phạt mang tính mọi rợ… Số trường đại học gia tăng và năm 1897 nước Nga đã có hơn một trăm ngàn người có trình độ đại học. Alexandr II cũng cải tổ quân đội, cải tiến các trường học quân sự. Nền kinh tế Nga đạt nhiều thành tựu: chiều dài đường sắt tăng từ 965 km lên 22.525 km, quá trình xây dựng đường sắt đã kích thích rất nhiều sự phát triển kinh tế theo chiều hướng tư bản. Các công ty cổ phần, hệ thống ngân hàng phát triển. Xuất khẩu ngũ cốc cũng gia tăng…

Mặt khác, các bằng chứng lịch sử cho thấy Alexandr II không có phẩm chất của một minh quân. Ông bãi bỏ chế độ nông nô chỉ vì hoàn cảnh thúc ép với câu nói: „Tốt hơn là hủy bỏ chế độ nông nô từ bên trên còn hơn là chờ cho đến khi nông nô tự giải phóng mình từ bên dưới.“ Việc bãi bỏ chế độ nông nô trên thực tế không đem lại lợi ích cho nông nô mà chỉ đem lại lợi ích cho các chức sắc nhà nước kiểu như lý trưởng, chánh tổng, là những người có quyền chia ruộng đất và thu thuế. Về quan điểm chính trị thì Alexandr II là kẻ bảo hoàng quyết giữ địa vị thiên tử cho dòng tộc bằng mọi giá, đời sống cá nhân có một số bê bối tình ái không giấu giếm được nên bị giới quý tộc bảo thủ lợi dụng gây thêm sức ép theo hướng phản động chuyên chế. Có lẽ vì vậy mà sự căng thẳng với giới trí thức vẫn gia tăng. Năm 1866 Alexandr II bị mưu sát và chỉ thoát chết trong gang tấc. Cuộc trấn áp dân chúng sau đó đã khởi đầu cho thời kỳ đàn áp dã man các phong trào phản kháng. Nhiều vụ mưu sát Nga hoàng vẫn tiếp tục và năm 1881 Alexandr II bị giết chết trong một vụ đánh bom.

Hoàn cảnh lịch sử đặc thù ấy của nước Nga đã khiến cho diện mạo của giới trí thức Nga có hình thức tư tưởng-chính trị mang tính thù địch và ly khai đối với nhà nước như nhận định của Struve trong tập Những cột mốc[2]. Struve còn cho rằng hình thức ấy là bất biến (cho đến cuộc cách mạng tháng mười 1917 – NVT) trong khi nội dung tư tưởng-chính trị thường có thay đổi.

Người Nga thường nhớ tới cuộc khởi nghĩa Tháng chạp 1825 với lòng khâm phục tinh thần bất khuất và những phẩm cách cao thượng của những người tham gia mà ít để ý đến nội dung các yêu sách chính trị của họ. Những người Tháng chạp mơ tưởng một nhà nước có nghị viện theo kiểu phương Tây với sự cai trị pháp quyền hạn chế tính chuyên chế của Nga hoàng. Họ hình dung cách thức thực hiện là áp đặt nền dân chủ từ bên trên theo kiểu mà nước Phổ sau đó sẽ làm.

Berdjaev đã vạch ra những căn bệnh về nhận thức của giới trí thức Nga: say mê lý tưởng xã hội chủ nghĩa và biến lý tưởng ấy thành tín điều của mình, chỉ tiếp nhận tri thức mới khi cho rằng tri thức mới biện minh cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa của họ, đôi khi cố đạt điều này bằng cách bóp méo học thuyết mới, đồng thời cũng bác bỏ mọi học thuyết mà họ cho là cản trở cho lý tưởng ấy. Berdjaev đã chỉ ra những sai lầm cụ thể của giới trí thức trong nhận thức triết học và kết luận rằng: „Giới trí thức Nga do hoàn cảnh lịch sử của nó đã gặp phải nỗi bất hạnh sau: tình yêu công bằng mang tính cào bằng, tình yêu điều thiện, tình yêu hạnh phúc cho nhân dân đã làm tê liệt tình yêu chân lý, gần như giết chết sự quan tâm đến chân lý.“                                                                                                       

Sau năm 1825 trong giới trí thức xuất hiện khuynh hướng „giữ gìn bản sắc Slave“ (Slavjanofil) tranh cãi với những người theo khuynh hướng „học tập phương Tây“ (Zapadnik). Những người Slavjanofil khẳng định đúng đắn rằng nước Nga không phải là phương Tây, không thể sao chép cuộc sống của các dân tộc khác mà phải xây dựng cuộc sống của riêng mình, chú ý đến các đặc điểm dân tộc. Tuy nhiên họ lại phủ nhận khả năng khai minh dân chúng Nga theo hướng phương Tây đang thực hiện vì cho rằng  trong cơ sở của văn hóa Nga không có con người cá nhân, không có nhân cách riêng mà chỉ có tinh thần tập thể, không có cái „tôi“ mà chỉ có cái „chúng ta“. Nội dung tư tưởng-chính trị của giới trí thức Nga thời kỳ này là chủ nghĩa dân túy do Gersen và Chernyshevski khởi xướng, các tư tưởng gia dân túy nổi tiếng có thể kể đến như Bakunin, Lavrov, Tkachev… Những người trí thức dân túy coi sứ mệnh của họ là phục vụ nhân dân Nga đang thống khổ dưới ách chuyên chế của Nga hoàng. Lúc đầu họ đi về nông thôn để vừa học tập nhân dân vừa giáo dục nhân dân. Về sau các hoạt động của họ chuyển sang hướng kích động nông dân nổi dậy bạo loạn vũ trang. Tư tưởng cao đẹp phục vụ nhân dân bị những người dân túy đẩy xa tới thành sùng bái nhân dân. Novgorodsev đã nhận xét rằng những người dân túy xem „nhân dân lúc nào cũng sẵn sàng, cũng trưởng thành và toàn thiện toàn mĩ, rằng chỉ cần phá bỏ trật tự nhà nước cũ là ngay lập tức nhân dân có thể thực hiện được những cuộc cải cách căn bản nhất, có thể thực hiện được sự nghiệp xây dựng vĩ đại nhất.“[3] Đến khi chủ nghĩa Marx du nhập vào nước Nga thì giới trí thức lại chuyển sang say mê chủ nghĩa xã hội và sùng bái giai cấp vô sản theo một cung cách tương tự như với chủ nghĩa dân túy. Như vậy nội dung tư tưởng-chính trị của giới trí thức Nga sau năm 1825 là xoay quanh chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa xã hội.

Ta có thể thấy động cơ đầy cao đẹp của giới trí thức Nga trong việc nhận lãnh sứ mệnh tiêu diệt chế độ chuyên chế Nga hoàng nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp công bằng cho nhân dân Nga. Những người phê phán giới trí thức Nga trong tập sách này cũng không phủ nhận điều đó, nhưng Berdjaev cho rằng „không thể nào tự hoàn thiện được nếu cứ tiếp tục tự mê những tính chất vĩ đại của mình“ nên cần phải „thực hiện tự phê bình, sám hối và tìm ra bằng được các căn bệnh.“[4]

Trong bài viết mà tôi vừa trích dẫn ở trên Berdjaev đã vạch ra những căn bệnh về nhận thức của giới trí thức Nga: say mê lý tưởng xã hội chủ nghĩa và biến lý tưởng ấy thành tín điều của mình, chỉ tiếp nhận tri thức mới khi cho rằng tri thức mới biện minh cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa của họ, đôi khi cố đạt điều này bằng cách bóp méo học thuyết mới, đồng thời cũng bác bỏ mọi học thuyết mà họ cho là cản trở cho lý tưởng ấy. Berdjaev đã chỉ ra những sai lầm cụ thể của giới trí thức trong nhận thức triết học và kết luận rằng: „Giới trí thức Nga do hoàn cảnh lịch sử của nó đã gặp phải nỗi bất hạnh sau: tình yêu công bằng mang tính cào bằng, tình yêu điều thiện, tình yêu hạnh phúc cho nhân dân đã làm tê liệt tình yêu chân lý, gần như giết chết sự quan tâm đến chân lý.“[5]

Một tác giả khác của tập Những cột mốc là Kistiakovski với bài viết Trí thức và nhận thức pháp quyền. Kistiakovski đã chỉ ra sự thiếu vắng nhận thức pháp quyền trong quan niệm về chủ nghĩa xã hội của giới trí thức Nga. Ông nhận xét về nguyên nhân của hiện tượng đó như sau: “Sự yếu kém trong nhận thức pháp quyền của giới trí thức Nga và sự thờ ơ đối với các tư tưởng pháp quyền là kết quả của thói xấu thâm căn cố đế: không hề có bất kì trật tự luật pháp nào trong đời sống thường nhật của người Nga. Nhân việc này, Gersen [6] ngay từ những năm 50 của thế kỉ trước (thế kỉ XIX – ND) đã viết: “Thiếu sự bảo đảm về pháp lí từ bao đời nay đã đè nặng lên đời sống của người dân và trở thành một kiểu trường học cho chính họ. Sự bất công quá đáng của một nửa điều luật đã dạy dân chúng căm thù nửa còn lại; người ta phục tùng nó như phục tùng sức mạnh vậy thôi. Sự bất bình đẳng trước pháp luật đã giết chết tinh thần tôn trọng pháp luật. Người Nga, dù có chức tước gì đi chăng nữa, cũng tìm cách tránh né hoặc vi phạm pháp luật nếu có thể làm như thế mà không bị trừng phạt; chính phủ cũng hành động hệt như vậy.“”[7] Kistiakovski lấy làm lạ là sau khi nhận xét như vậy thì Gersen lại cho rằng điều này là lợi thế để xây dựng xã hội mới. Vấn đề nằm ở chỗ giới trí thức Nga có xu hướng muốn xây dựng các hình thức quan hệ xã hội phức tạp thuần túy dựa trên các nguyên tắc đạo đức.

Giới trí thức Nga còn xa lạ với ý niệm con người cá nhân như một ý niệm căn bản của văn hóa phương Tây và quyền tự do cá nhân bị hiểu lầm là gắn với khuynh hướng chính trị vô chính phủ. Cái „tôi“ của con người cá nhân phương Tây bị đặt đối lập với cái „chúng ta“ của nông dân Nga có truyền thống công xã.                                                                                      

Thế nhưng quan niệm về đạo đức của giới trí thức Nga cũng mang dấu ấn của căn bệnh cuồng si một-đối-tượng-duy-nhất (monomania) mà Berdjaev đã vạch ra trong bài viết trên: chỉ có thái độ dấn thân chống chế độ chuyên chế nhằm xây dựng xã hội chủ nghĩa mới được họ coi là đạo đức mà thôi. Những nhà khoa học dấn thân cho chuyên môn, những người quá đi sâu vào việc nghiên cứu các học thuyết đều bị họ khinh miệt là ích kỷ và không được coi như người cùng giới. Thậm chí các nhà văn lớn của Nga được cả thế giới ngưỡng mộ như Gogol, Lev Tolstoi và Dostoievski cũng bị họ gạt ra ngoài theo tiêu chuẩn ấy, Dostoievski còn bị họ nhiều lần kết tội phản động. Một tác giả khác của tập Những cột mốc là Gershenson đã nhận xét như sau: „Không ở đâu trên thế giới mà dư luận xã hội lại ngư trị độc đoán như ở ta, mà dư luận xã hội của chúng ta đã ba phần tư thế kỷ nay vẫn giữ nguyên không đổi dựa trên sự thừa nhận nguyên tắc tối cao này: nghĩ về cá nhân mình là ích kỷ, vô liêm sỉ; chỉ có con người suy nghĩ về xã hội, quan tâm những vấn đề xã hội, làm việc cho lợi ích chung thì mới là con người chân chính.“ Tiếp đó ông viết: „Hoặc là chúng ta thực sự hướng toàn bộ công việc của ý thức thoát hẳn ra khỏi bản thân mình, tới thế giới bên ngoài, hoặc là chúng ta làm ra vẻ hướng nó ra đó, – ít nhất thì cũng không hướng vào bên trong, và tất cả chúng ta trở thành những phế nhân với sự phân liệt sâu sắc giữa cái „tôi“ thực sự của chúng ta và ý thức của chúng ta.“[8] Những biểu hiện hướng ra bên ngoài này của trí thức Nga cũng đã bị nhà văn Gogol sớm chỉ trích với ý tưởng như sau: nếu thế giới này xấu xa, nếu nhiều thứ trong thế giới ấy là cay đắng và đáng buồn, hay đơn thuần là kinh tởm và nếu như anh muốn thay đổi thế giới ấy, – xin hãy bắt đầu từ bản thân mình.[9]

Những biểu hiện này cũng cho thấy giới trí thức Nga còn xa lạ với ý niệm con người cá nhân như một ý niệm căn bản của văn hóa phương Tây và quyền tự do cá nhân bị hiểu lầm là gắn với khuynh hướng chính trị vô chính phủ. Cái „tôi“ của con người cá nhân phương Tây bị đặt đối lập với cái „chúng ta“ của nông dân Nga có truyền thống công xã.

Cũng trong tập Những cột mốc này Bulgakov[10] phân tích về chủ nghĩa anh hùng của giới trí thức Nga trong so sánh với tinh thần hy sinh quên mình của những tín đồ Kitô giáo. Ông thừa nhận có một số yếu tố tôn giáo thừa hưởng theo truyền thống văn hóa ở trong bản chất của trí thức Nga. Nhưng trí thức Nga không quan tâm đến tôn giáo như một vấn đề quan trọng của văn hóa nên họ đã tiếp thu chủ nghĩa vô thần một cách nhẹ dạ và giáo điều. Họ biến chủ nghĩa vô thần thành những giáo điều của tôn giáo sùng bái con người. Giáo điều cơ bản của tôn giáo này là lòng tin vào sự hoàn hảo tự nhiên của con người, vào sự tiến bộ mãi mãi được thực hiện bởi sức mạnh con người, nhưng mọi thứ được hiểu theo cách thức cơ giới. Vì mọi điều ác đều là do hoàn cảnh sống kém tổ chức nên không có tội lỗi cá nhân cũng không có trách nhiệm cá nhân; toàn bộ nhiệm vụ tổ chức lại xã hội là nhằm khắc phục những yếu kém ngoại tại ấy, dĩ nhiên là bằng những cải cách cũng ngoại tại. Trong khi phủ nhận Thiên mệnh thì con người lại đặt mình vào địa vị Thiên mệnh và tự coi mình là cứu tinh cho mình. Bulgakov viết: „Được cổ vũ bởi tôn giáo ấy, giới trí thức của chúng ta cảm thấy mình được trao cho vai trò Thiên mệnh đối với tổ quốc của mình. Họ ý thức mình là người duy nhất đem đến ánh sáng và học vấn châu Âu cho đất nước này, là nơi đang bao trùm tăm tối dày đặc, là nơi mọi thứ đều thật hoang dại và xa lạ đối với họ. Họ tự thừa nhận mình là người đỡ đầu cho đất nước và quyết tâm cứu vớt đất nước theo cách thức họ hiểu và theo cách thức họ biết làm.“ Những đau khổ gây ra bởi chế độ cảnh sát bạo tàn biến người trí thức trẻ thành vị anh hùng muốn vươn tới cái tối đa với những dấu hiệu cuồng tín tư tưởng. Bulgakov cho rằng điều này giải thích vì sao những khuynh hướng cực đoan luôn chiến thắng trong cách mạng. Những khuynh hướng cực đoan ấy ngày càng mạnh lên, lấn át các khuynh hướng ôn hòa. Bulgakov chỉ ra sự khác biệt sâu xa giữa chủ nghĩa anh hùng „thế thiên hành đạo“ của trí thức Nga với tinh thần hy sinh quên mình của Kitô giáo: tín đồ Kitô giáo chân chính hướng sự hoàn thiện vào cuộc sống riêng của bản thân, không đặt ra nhiệm vụ Thiên mệnh mà chỉ nhìn thấy nghĩa vụ của mình trước Thượng đế.

Tâm lý tự cho mình là thần thánh của giới trí thức Nga được Dostoevski khắc họa một cách thiên tài trong tác phẩm nổi tiếng „Những người bị quỷ ám“ (Besư). Những người bị quỷ ám tự phong cho mình thiên mệnh cứu vớt nhân dân, đặt mình vào địa vị Thượng đế không chỉ trong mục tiêu và chương trình, mà cả trong việc xác định con đường và phương tiện thực hiện. Đối với họ mục tiêu sẽ biện minh cho phương tiện.

Tập sách Những cột mốc của bảy cây viết nổi tiếng đương thời xuất bản năm 1909 trong một thời khắc đặc biệt của lịch sử nước Nga: cuộc cách mạng 1905 vừa thất bại, đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn, mất hết kỷ cương. Trong Lời nói đầu của tập sách các tác giả thống thiết nói rằng „các bài báo được viết không phải để lên án giới trí thức Nga từ trên cao của chân lý được nhận thức một cách khống luận và với sự khinh miệt cao ngạo đối với quá khứ của nó, mà với sự đau xót cho quá khứ ấy trong nỗi lo âu cháy bỏng cho tương lai của đất nước thân yêu.“ [11] Nhưng giới trí thức Nga đã phản ứng thế nào với Những cột mốc ? Solzhenitsyn viết rằng tập sách „đã làm cho cả tầng lớp trí thức đủ mọi xu hướng, từ những người thuộc Đảng Dân chủ Lập hiến cho đến những người cộng sản đều phẫn nộ và bác bỏ.“ [12] Những người bolshevik nhìn thấy tình trạng hỗn loạn của nước Nga như là biểu hiện của tình huống cách mạng và họ kiên quyết lãnh đạo cách mạng đưa nước Nga tới những sự kiện năm 1917. Cuộc cách mạng tháng hai 1917 thủ tiêu chế độ Nga hoàng đưa chính quyền vào tay những trí thức ôn hòa, nhưng họ tỏ ra bất lực trong việc đưa nước Nga ra khỏi khủng hoảng và hỗn loạn trong thế mắc kẹt vào cuộc thế chiến mà quân đội Nga đang chịu thất bại nặng nề. Tháng mười 1917 chính quyền về tay các Xô viết do những người bolshevik lãnh đạo. Sau đó là nhiều năm nội chiến khốc liệt với chiến thắng của chính quyền Xô viết. Thời kỳ cộng sản thời chiến (có lẽ đúng hơn phải dịch là cộng sản trại lính), thời kỳ chính sách Tân kinh tế (NEP), cuộc tập thể hóa nông nghiệp năm 1930, thế chiến thứ hai và cuộc chiến tranh vệ quốc, thời kỳ băng tan và những sự kiện sau đó mọi người Việt nam đều được học trong môn sử. Tôi cũng không rõ sách giáo khoa của ta hiện nay có gì mới hơn so với thời kỳ tôi học trung học hay không, nhưng cách thức diễn giải các sự kiện ấy trên các phương tiện thông tin đại chúng của ta thì mọi người đều biết rõ. Theo cách thức diễn giải ấy thì các sự kiện lịch sử theo sau năm 1909 có vẻ như đã chứng minh rằng Những cột mốc chỉ là biểu hiện sự khiếp nhược mất tinh thần của một bộ phận trí thức tiểu tư sản trước thất bại tạm thời của cách mạng và cho thấy tinh thần cách mạng kiên định của những người bolshevik đã đưa cách mạng đến thắng lợi huy hoàng. Vì vậy không có gì lạ khi cuốn sách trong suốt mấy chục năm dưới thời Xô viết không được tái bản và rơi vào quên lãng cứ như là chưa từng có nó vậy. Đôi khi giới hàn lâm có nhắc đến nó thì cũng chỉ như thí dụ điển hình cho tính chất phản động của chủ nghĩa tự do Nga. Không ai ngờ rằng đến những năm 80 của thế kỷ vừa qua trong thời kỳ cải tổ (perestroika) của Liên Xô thì Những cột mốc lại trở thành cuốn sách được nhiều người tìm đọc nhất. Ấy là vì lúc đó tâm trạng của người trí thức Nga đầy băn khoăn, cảm thấy đường phố họ đang đi có vẻ như không dẫn đến thánh đường của điều thiện và sự thật. Nhà sử học Kljamkin đã đặt nhan đề cho bài chính luận gây nhiều tranh cãi của mình đăng trên tạp chí Thế giới mới tháng 11 năm 1987 là: „Đường phố nào dẫn đến thánh đường?“[13] Mở đầu bài viết Kljamkin phê phán kiểu gạch xóa lịch sử của chế độ Xô viết và tự hỏi „liệu chúng ta đã đủ trưởng thành để có thái độ nghiêm chỉnh đối với lịch sử của mình hay chưa?“ Ông xác nhận xu hướng giới trí thức muốn lần tìm về quá khứ lịch sử cận đại với hy vọng tìm được trong truyền thống văn hóa dân tộc những mách bảo nào đó để thoát ra khỏi ngõ cụt hiện tại và những trang lịch sử bị gạch xóa chính là những trang hấp dẫn nhất. Kljamkin chỉ ra rằng trong quá khứ lịch s nhiều người có học thức ở Nga đã phát biểu những ý tưởng khác nhau mà ngày nay ắt nhiều người thấy có thể chấp nhận được. Nhưng những ý tưởng ấy đã không được những người cùng thời chú ý. Ông đưa ra những thí dụ sau đây.

Katkov, chủ bút tạp chí Người đưa tin Nga, cây viết chính luận nổi tiếng thời đó, cho rằng phải có tự do ngôn luận để cho những người suy tư ở nước Nga có thể tự do bày tỏ ý kiến giống như ở nước Anh. Ông chống lại việc xâm hại nhân phẩm, ông coi sự cảm nhận sâu sắc tính độc lập tinh thần, phẩm giá con người, lòng tự trọng, ý thức pháp luật phát triển là lý tưởng của mình. Ông nhân danh tự do chống lại Chernyshevski vì ông cho rằng những người cách mạng dân chủ theo Chernyshevski không kêu gọi giải phóng con người cá nhân khỏi xiềng xích mà lại muốn nô dịch con người cá nhân bằng chủ nghĩa tập thể công xã thô lậu. Nhưng giới trí thức căm ghét ông vì ông khẳng định biểu hiện cao nhất của tính độc lập cá nhân là sự phục vụ tự nguyện cho ngôi vua và nhà nước. Mâu thuẫn gia tăng đã đẩy Katkov vào phe bảo hoàng triệt để chống lại giới trí thức. Chẳng một ai trong giới trí thức muốn nhắc tới ông nữa. Một người khác là Kaverin cũng vào thời đó đã đề nghị phải học tập Tây Âu những ưu điểm mà người Nga thiếu: tính thành thạo công việc, đã khởi sự thì làm đến nơi đến chốn, yêu thích công việc dù là việc không to tát danh giá, chứ không như người Nga thích ngồi đó tự dằn vặt về những lý tưởng cao siêu mà chẳng làm gì cụ thể. Kaverin hàm ý rằng nước Nga cần có những chuyên gia thành thạo chuyên môn được đào tạo theo kiểu Tây Âu chứ không cần những nhà tư tưởng ba hoa về những vấn đề chung chung. Ông muốn cải tổ các trường đại học để biến các trường đại học thành những trung tâm tri thức và văn hóa có nhiều tự chủ và độc lập hơn, ông ủng hộ tự do, độc lập, nhân phẩm và ngầm đối lập với chính phủ. Nhưng giới trí thức Nga cùng thời với ông cũng chẳng thèm để ý đến ông.

Kljamkin xác nhận rằng giới trí thức thời cải tổ cũng tìm đến các nhà văn Nga một thời bị ruồng bỏ như Gogol và Dostoevski, chăm chú đọc lại họ để hiểu ra rằng nếu công việc „cải tạo thế giới“ được trao vào tay những người bị quỷ ám thực hiện thì thánh đường của điều thiện và sự thật ắt sẽ bị thay bằng thánh đường của cái ác và dối trá. Các tác phẩm Trao đổi thư từ với các bạn bè của Gogol và Những người bị quỷ ám của Dostoevski được tìm đọc nhiều nhất.

Nhưng những người trí thức Nga sau năm 1917 là những người như thế nào? Các bài viết của Likhachev, Solzhenitsyn, Kirilov, Gary Neill và Tumanov sẽ trả lời cho câu hỏi đó. Nếu bạn đọc vẫn giữ cách hiểu về nước Nga như thời kỳ còn phe xã hội chủ nghĩa và chế độ Xô viết thì ắt sẽ bị sốc vì họ đưa ra nhiều sự kiện lịch sử nước Nga mà trước đây bị gạch xóa nên chúng ta đã không được biết đến. Nhưng chúng ta đang sống trong thời kỳ đổi mới và toàn cầu hóa nên có lẽ cũng phải quen dần với những cách thức diễn giải lịch sử khác nhau để tự mình xác định một cách diễn giải cho riêng mình như là công việc trí tuệ của một chủ thể có suy nghĩ. Kljamkin trong bài viết đã dẫn cũng hoan nghênh việc trí thức Nga tìm hiểu lại những trang sử trước đây bị gạch xóa, nhưng ông mong muốn rằng việc tìm hiểu ấy không phải để tìm xem ai là kẻ có tội, mà là để hiểu biết và suy ngẫm cho công việc cải tổ. Ông cũng e ngại tình trạng hát đơn ca một giọng thời kỳ trước cải tổ sẽ bị thay bằng tình trạng hát đơn ca hoặc đồng ca, nhiều giọng cùng hát nhưng chẳng ai nghe ai. Kljamkin cho rằng cần thay độc thoại bằng đối thoại.

Trong lời kết luận Kljamkin coi nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của cuộc cải tổ là nhận biết được các quy luật thực sự của sự phát triển chủ nghĩa xã hội hiện thực. Những diễn biến lịch sử sau đó cho thấy giới trí thức Nga đã không tìm thấy những quy luật ấy và hình như người Nga nay đã quay trở lại điểm xuất phát của Pjotr đại đế trong một hoàn cảnh lịch sử hoàn toàn khác. Nhưng ở nước Nga hiện nay có tồn tại một giới trí thức hay không? Tumanov bảo là may thay giới trí thức Nga không còn tồn tại nữa!

Số phận đầy bi kịch của giới trí thức Nga suốt hai thế kỷ đã qua gắn liền với ý tưởng chủ nghĩa xã hội. Nhiều người cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô không có nghĩa là sự cáo chung của ý tưởng xã hội chủ nghĩa nói chung mà chỉ là sự thất bại của một mô hình cụ thể. Lý do là ý tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn còn đầy sức sống trong mô hình của các nước Bắc Âu. Tôi không dám khẳng định hay bác bỏ ý kiến này vì có lẽ nó phụ thuộc nhiều vào cách hiểu chủ nghĩa xã hội như thế nào.

Chúng ta có thể thu nhận được gì từ những bài viết rất khác nhau về giới trí thức Nga trong lịch sử hai thế kỷ đầy bi tráng của họ? Tôi hy vọng tập sách này cung cấp cho bạn đọc những chất liệu rất quý giá để chúng ta cùng suy ngẫm về những trải nghiệm lịch sử của họ. Thay cho lời kết luận của mình, tôi xin dẫn ở đây một trích đoạn của nhà văn người Áo nổi tiếng Stefan Zweig (1881-1942) nhận xét thật tinh tế về những nhân vật Nga trong các tác phẩm của nhà văn thiên tài Dostoevski:

„…Và vì đó là những người của sự bắt đầu lại, thế giới bắt đầu lại ở mỗi người trong số họ. Những vấn đề, mà câu giải đáp đã từ lâu được kết tinh lại nơi chúng ta, làm rực cháy các giác quan của họ. Những con đường mòn có rào chắn và cọc chỉ dẫn về đạo đức của chúng ta, họ không hề biết đến; khắp nơi họ xuyên qua các bụi rậm, dấn sâu vào cái vô tận, cái vô hạn, tới thế giới nguyên sơ và thiêng liêng, ở đó sự xác thực không dựng lên gác chuông, lòng tin cậy không xây các cây cầu. Mỗi cá nhân tự cho là được kêu gọi xây dựng lại thế giới như Lênin và Trôtski. Với châu Âu đông cứng của mình, đó chính là điều tạo nên giá trị khó tả của người Nga: sự hiếu kỳ nguyên vẹn của nó đặt ra trước bất tận tất cả những vấn đề của cuộc sống; đối lập với sự lười biếng mà chúng ta đã lâm vào là lòng hăng say của nó.“ [14]



[1] Solzhenitsyn A., Tầng lớp kỹ giả, trong tập sách này.

[2] Petr Struve, Trí thức và cách mạng, Những cột mốc, 1909 (tiếng Nga).

[3] Novgorodsev P.I., Bàn về phương hướng và nhiệm vụ của giới trí thức Nga, trong tập sách này.

[4] Berdjaev N.A., Chân lý của triết học và sự thật của người trí thức, trong tập sách này.

[5]  Berdjaev N.A., bài đã dẫn.

[6] Gersen A. I. (1812-1870), nhà triết học, nhà chính luận và nhà văn nổi tiếng người Nga.

[7] Kistiakovski B.A.,Trí thức và nhận thức pháp quyền, trong tập sách này.

[8] Gershenzon M., Ý thức tự giác ngộ sáng tạo, Những cột mốc, 1909, ( tiếng Nga)

[9] Dẫn theo Kljamkin I., Đường phố nào dẫn đến thánh đường?, tạp chí Thế giới mới, tháng 11, 1987, (tiếng Nga)

[10] Bulgakov S., Chủ nghĩa anh hùng và tinh thần hy sinh quên mình, Những cột mốc, 1909,(tiếng Nga)

[11] Gershenzon M., Lời mở đầu, Những cột mốc, 1909, (tiếng Nga).

[12] Solzhenitsyn A., bài đã dẫn.

[13] Kljamkin I., bài viết đã dẫn.

[14]  Stefan Zweig, Ba bậc thầy Đostoevski – Balzăc – Đickenx, Nguyễn Dương Khư dịch, NXB Giáo dục, 1996.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)