Trí tuệ thông minh, hay cái riêng và cái chung

Trí thông minh chưa bao giờ thôi hết bí ẩn với con người và liên tục mở ra những điều mới mẻ, nhất là khi các nhà tâm lý học đã đưa nó vượt ra ngoài phạm vi các bộ môn khoa học tri nhận cổ điển. Họ đánh giá rằng một phần quan trọng của thành công hay thất bại mà một cá nhân có thể thu được hoặc gặp phải trong học tập, cuộc sống và sự nghiệp không lý giải được bằng sự đong đo chỉ số thông minh (IQ) thông thường. Vì vậy, họ tìm kiếm những tiêu chí mới cho phép xác định những dạng thức thông minh có ảnh hưởng tới tiến trình thành công hay thất bại của một cá nhân, trong đó cảm xúc dần trở thành một yếu tố bản lề.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, tuy trí thông minh và các cảm xúc của con người vẫn được nghiên cứu như những đối tượng riêng biệt, nhiều người đã cho rằng kinh nghiệm cảm xúc và trí thông minh có liên quan mật thiết với nhau. Năm 1920, nhà tâm lý học Edward Lee Thorndike đưa ra giả thuyết rằng trí thông minh xã hội, mà ông định nghĩa như là khả năng thấu hiểu người khác và khả năng hành động thích hợp trong mối quan hệ giữa các cá nhân, cũng tham gia vào chỉ số thông minh của một cá nhân. Nối tiếp ông, các nhà tâm lý học, khi tiếp cận những khía cạnh khác nhau của trí thông minh xã hội một cách riêng rẽ, đã làm nổi bật vai trò quyết định của yếu tố xã hội với trí thông minh. Trong ngành tâm lý học xã hội, Paul Ekman chứng minh tầm quan trọng của những biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt và sự giao tiếp phi ngôn ngữ; các nhà tâm lý học lâm sàng quan tâm đến các loại bệnh lý liên quan đến sự bất lực trong việc gọi tên và biểu lộ cảm xúc; Gardner công bố thuyết trí thông minh đa dạng. Năm 1990, Salovey và Mayer lần đầu tiên đưa ra khái niệm “trí thông minh cảm xúc”, mô tả nó như một dạng trí thông minh xã hội trong đó mỗi cá nhân thể hiện khả năng kiểm soát những tình cảm và xúc cảm của bản thân và của người khác, phân biệt chúng với nhau và sử dụng những thông tin thu được để định hướng suy nghĩ và hành động của chính mình.

Lấy cảm hứng từ những kết quả nghiên cứu của Salovey và Mayer, Daniel Goleman đã đúc kết và phổ biến khái niệm trí thông minh cảm xúc đến rộng rãi công chúng trong tác phẩm Emotional Intelligence (Trí tuệ xúc cảm)- một cuốn sách được coi là hiện tượng với hơn 5 triệu bản bán ra trên toàn thế giới. Trong các hình thức biểu lộ của trí thông minh này, theo Daniel Goleman, một bên có khả năng nhận biết và kiểm soát những cảm xúc của bản thân, khả năng tự ý thức và tự kiềm chế; và một bên có ý thức xã hội của mỗi cá nhân, tức khả năng nhận biết cảm xúc ở người khác, khả năng đồng cảm và kiểm soát các mối quan hệ và xung đột.

Như vậy, có một mối quan hệ tương hỗ giữa trí thông minh cảm xúc và trí thông minh xã hội, trong đó cảm xúc của mỗi người, khi được nhận biết, thấu hiểu, tôn trọng và quản lý đúng, sẽ giúp người đó hành xử thông minh, để vừa có một đời sống nội tâm thăng hoa vừa hòa hợp với môi trường xung quanh theo cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng, tức là cả trong tình yêu đôi lứa, gia đình, tình bạn lẫn trong đời sống nghề nghiệp, cộng đồng. Đó chính là nội dung một tác phẩm khác của Daniel Goleman, cuốn Social Intelligence (Trí tuệ xã hội).

Ở đây, một lần nữa, ông tổng kết một cách căn bản và dễ hiểu những khám phá mới nhất về sinh học và khoa học não bộ, theo đó chúng ta “luôn phát ra những tín hiệu để liên hệ”, và tầm ảnh hưởng sâu sắc đến kỳ lạ của chúng đối với các mối quan hệ của chúng ta trong mọi mặt của đời sống. Chúng ta sinh ra vốn có tính hòa đồng và luôn bị cuốn vào một “sóng thần kinh” liên kết bộ não của chúng ta với những người xung quanh. Vượt xa nhận thức của chúng ta, những tiếp xúc hằng ngày với cha mẹ, vợ chồng, bạn bè, ông chủ và cả những người xa lạ định hướng não bộ và tác động đến các tế bào trên toàn bộ cơ thể chúng ta, thậm chí ảnh hưởng đến cả các biểu hiện gene, theo cả hướng tiêu cực và tích cực.

Xung quanh chúng ta có rất nhiều người sở hữu khả năng kết nối với người khác theo cách vừa trực tiếp vừa sâu sắc. Một người nghệ sỹ hút hồn đám đông hâm mộ; một bác sỹ biết sử dụng uy quyền của mình để bệnh nhân tin tưởng vào khả năng lành bệnh; một người mẹ luôn biết cách dỗ con ngủ; một doanh nhân hay nhà quản lý không được đào tạo chính quy nhưng lại nắm được nghệ thuật thu phục nhân tâm và tạo động lực cho đội ngũ cộng sự tài năng, tận tụy, tận tâm và hướng cả tập thể tới những mục tiêu chung… Mỗi người, theo cách này hay cách khác nhưng đều nhờ vào trí thông minh xã hội của mình, đã “tận dụng” được khả năng của người khác cho một mục tiêu mà mình đã xác định. Tuy nhiên, cũng bởi tính tương tác xã hội có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của một cá nhân mà chúng ta cần cảnh giác với tác động tiêu cực của những lời mắng mỏ, thóa mạ, chê bai, sự thù nghịch, tị hiềm… Đây chính là “mặt sau” của trí thông minh xã hội, mà tính độc hại của nó cũng được Daniel Goleman nhấn mạnh và phân tích; ta có thể thấy biểu hiện của nó trong tính ích kỷ, sự xảo quyệt, bệnh thái nhân cách…

Vậy chúng ta nên tận dụng trí thông minh xã hội như thế nào? Chúng ta có thể giúp con trẻ trở nên vui vẻ và thấy hứng thú với học tập hơn không? Đâu là cơ sở của một sự kết hợp hài hòa và thăng hoa cho đôi lứa? Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và giáo viên làm thế nào để lãnh đạo và giảng dạy tốt? Làm thế nào để các tập thể đối đầu, thành kiến và căm ghét nhau có thể chung sống trong hòa bình?… Lời đáp cho những câu hỏi này không phải lúc nào cũng dễ nắm bắt, nhưng chắc chắn bạn sẽ tìm thấy trong cuốn sách của Goleman những thông tin hữu ích. Trên hết, Goleman mang đến một thông điệp vừa mang tính khích lệ vừa có sức thuyết phục: loài người vốn có xu hướng gắn liền với sự thấu cảm, tinh thần hợp tác và long vị tha, luôn hướng tới việc phát triển trí tuệ xã hội và nuôi dưỡng nó trong chính mình và ở những người khác.

Vậy là, giống như trí thông minh cảm xúc, trí thông minh xã hội cũng góp phần quyết định sự thành công của mỗi người;  nó không dành riêng cho một giai tầng xã hội nào và không mang tính bẩm sinh. Trong thế giới bí ẩn thuộc về trí thông minh của con người, bước đường mà mỗi cá nhân đi qua dường như quan trọng hơn tính di truyền. Nền giáo dục mà chúng ta được hưởng, quá trình học tập và tích lũy và chúng ta theo đuổi, môi trường văn hóa và xã hội trong đó chúng ta trưởng thành… sẽ là những nhà điêu khắc cùng tạc nên trí thông minh đa dạng của chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phát triển và sử dụng nó như thế nào, và có thể cuốn sách Trí tuệ xã hội của Daniel Goleman (bản dịch tiếng Việt do Alpha Books và NXB Lao động-Xã hội  phát hành 2008) mang cho bạn những gợi mở hữu ích để tìm ra hướng đi cho mình.

Tác giả