Trung Quốc chiếm 27,2% các bài báo được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới

Lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ về số lượng các bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất để vươn lên đầu bảng.

Công bố của Trung Quốc: chuyển từ lượng sang chất
Cụ thể: Trung Quốc chiếm 27,2% các bài báo được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, trong khi Mỹ đóng góp 24,9%, theo báo cáo “Các chỉ số Khoa học và Công nghệ Nhật Bản”, đánh giá các công bố quốc tế từ năm 2018 đến năm 2020. Anh, Đức và Australia lọt vào top 5 trong bảng xếp hạng, lần lượt đóng góp 5,5%, 3,9% và 3,2% các bài báo được trích dẫn nhiều nhất, Nhật Bản ở vị trí thứ 10.
Trong báo cáo mới, Viện Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia Nhật Bản (NISTEP), cơ quan thực hiện báo cáo, đã thống kê tác giả của nhóm 1% các bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất – thường bao gồm nhiều nhà khoa học có nhiều công bố đột phát và đoạt giải Nobel. Nhiều bài báo trong nhóm này có nhiều tác giả từ các quốc gia khác nhau, làm phức tạp việc thống kê. Vì thế, NISTEP thống kê dựa trên phần trăm đóng góp. Ví dụ, nếu một bài báo có một tác giả người Pháp và ba tác giả người Thụy Điển, Pháp sẽ được ghi nhận 25% đóng góp cho bài báo và Thụy Điển 75%.
Một số nhà khoa học cho rằng phương pháp kiểm đếm này có thể đã đánh giá quá cao đóng góp của Trung Quốc trong các bài báo có các đồng tác giả quốc tế. “Câu hỏi đặt ra là ai là người dẫn dắt các nghiên cứu đó, nhà khoa học Trung Quốc hay các đồng nghiệp quốc tế của họ?,” Cao Cong, nhà nghiên cứu chính sách khoa học tại Đại học Nottingham ở Ninh Ba, Trung Quốc (một nhánh trực thuộc Đại học Đại học Nottingham Anh) nói.
Nhưng đóng góp của các học giả Trung Quốc cho 1% các bài báo được trích dẫn nhiều nhất là đáng chú ý, theo đánh giá của NISTEP. Giới chuyên môn coi báo cáo là bằng chứng cho thấy sự gia tăng nhanh chóng về chất lượng – bên cạnh tăng trưởng về số lượng trong nhiều năm qua của nền khoa học Trung Quốc. Xuất bản khoa học của Trung Quốc đã có sự thay đổi mạnh trong vòng một thập kỷ qua, bởi 10 năm trước Trung Quốc mới chỉ chiếm 6,4% trong số các bài báo được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, cách xa so với mức đóng góp 41,2% của Mỹ. Theo thống kê của Science, năm 2016, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về số lượng bài báo được xuất bản. Nhưng tại thời điểm đó, Trung Quốc chưa thể so sánh với Mỹ về chất lượng nghiên cứu. Sau này, Trung Quốc bỏ dần các chính sách thưởng theo cách “đếm bài đo thành tích” – thưởng cho các tác giả dựa trên số bài báo được xuất bản.
Giờ đây, giới chuyên môn đã có cái nhìn khác về xuất bản phẩm khoa học của Trung Quốc. Chuyên gia chính sách khoa học Caroline Wagner từ Đại học Bang Ohio trao đổi với tạp chí Science vào ngày 17/8 rằng quan niệm “các nhà nghiên cứu Trung Quốc công bố nhiều nhưng chất lượng không tốt… chỉ là thiển cận”.
Thực ra, không phải đợi tới năm nay giới khoa học mới chứng kiến vị trí top đầu của Trung Quốc. Một nghiên cứu của Nhật Bản, công bố vào năm ngoái cho thấy Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về số lượng các bài báo học thuật hàng đầu trong 10%, mặc dù năm ngoái Mỹ vẫn dẫn đầu trong top 1% các trích dẫn.
Không chỉ dẫn đầu về công bố kết quả nghiên cứu cơ bản, Trung Quốc cũng đang vươn lên vị trí dẫn đầu trong nghiên cứu định hướng ứng dụng và công nghệ – thể hiện bằng các bằng sáng chế. Những nhận định cho rằng Trung Quốc chỉ còn là nơi sao chép công nghệ đang phải thay đổi. Hồi đầu năm nay, báo cáo của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) cũng đã xác nhận Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, dẫn đầu thế giới ở một số chỉ số khoa học quan trọng, bao gồm tổng số bài báo được xuất bản và số bằng sáng chế. Theo thống kê của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ, tỉ lệ đóng góp của Mỹ cho R&D trên toàn cầu là 23%, còn của Trung Quốc là 29%, châu Âu 17%, Hàn Quốc và Nhật Bản 9%, các nước châu Á khác chiếm 7% và phần còn lại của thế giới chiếm 14%.
Cuộc đua về đầu tư cho khoa học giữa hai cường quốc
Trung Quốc và Mỹ trên đường đua đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng đã nhiều năm nay. Nhưng trong một thập kỷ gần đây thì cuộc đua đầu tư, cạnh tranh ngày càng sít sao hơn.
Về phía Trung Quốc, nhìn lại con đường đầu tư cho khoa học, đất nước này định hình phải dành chiến lược quốc gia cho khoa học từ rất sớm. Từ cuối những năm 1970, “kiến trúc sư của Trung Quốc hiện đại”, Đặng Tiểu Bình đã xác định khoa học và công nghệ là một trong bốn lực lượng của hiện đại hóa, và đến những năm 1990, khoa học công nghệ thực sự được đưa trở thành một chiến lược quốc gia.
Theo Caroline Wagner, tỉ lệ chi của Trung Quốc cho R&D trong tổng sản phẩm quốc nội của nước này đã tăng từ dưới 1% vào năm 1980 lên 2,4% vào năm 2020. Chi tiêu cho R&D của nước này đạt mức cao mới vào năm ngoái, với tổng chi tiêu cho R&D lên tới khoảng 2,79 nghìn tỷ nhân dân tệ (440 tỷ USD), tăng 14,2% so với năm trước, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Còn Mỹ, trước tình hình mới này, đã tiến hành một loạt các chính sách để tăng cường đầu tư cho khoa học. Mới đây, Mỹ đã thông qua Luật CHIP và Khoa học với kế hoạch ngân sách trị giá 280 tỉ USD nhằm tăng cường nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trong ngành công nghiệp.
Trong cuộc đua này, cạnh tranh về công nghiệp bán dẫn được coi là trọng tâm. Việc thông qua đạo luật CHIP và Khoa học, trong đó có 52 tỷ USD cho ngành chip, dành cho các biện pháp khuyến khích sản xuất trực tiếp để xây dựng và mở rộng các nhà máy chế tạo chất bán dẫn, được coi là nỗ lực của Mỹ trong việc bắt kịp Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ bán dẫn – vật liệu tạo nên chip máy tính và các thành phần thiết yếu của tất cả các thiết bị điện tử – làm nền tảng cho cuộc sống hàng ngày. Trung Quốc lục địa và Đài Loan đang cung cấp 2/3 chất bán dẫn cho toàn thế giới. Kể từ năm 1990, thị phần năng lực sản xuất chất bán dẫn của Mỹ đã giảm từ 37% xuống còn 12%, theo Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Mỹ.
Mặc dù đạo luật CHIP và Khoa học đánh dấu đầu tư mang tính bước ngoặt của chính phủ Mỹ vào lĩnh vực sản xuất chip trong nước nhưng vẫn được giới đầu tư đánh giá chỉ một khoản tiền tương đối nhỏ trong cán cân đầu tư sản xuất chất bán dẫn. Để so sánh, Trung Quốc đã dành 150 tỷ USD cho ngành công nghiệp chip của mình, xác định chất bán dẫn là ngành chủ chốt trong kế hoạch kinh tế 5 năm mới nhất. Năm 2021, một nhà máy sản xuất chip tiêu biểu, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., hiện sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cho biết họ có kế hoạch chi 100 tỷ USD trong vòng ba năm để mở rộng năng lực sản xuất. Liên minh châu Âu đang nghiên cứu luật sản xuất chip của riêng mình.
Nguyên Anh

Tác giả

(Visited 25 times, 1 visits today)