Trung Quốc sẽ cung cấp dữ liệu thủy văn hàng năm cho Ủy hội sông Mekong

Theo thông tin từ Ủy hội sông Mekong (MRC), Trung Quốc – quốc gia thượng nguồn sông Mekong và đang vận hành 11 đập dọc theo con sông này, đã đồng ý cung cấp cho MRC dữ liệu thủy văn hàng năm, qua đó có thể giúp các quốc gia lưu vực sông giám sát và dự báo lũ lụt, hạn hán tốt hơn.

Tiến si An Pich Hatda (cầm bản thỏa thuận đã được ký) và các thành viên của MRC trong ngày ký thỏa thuận. Nguồn: MRC

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đồng ý chia sẻ thông tin khẩn cấp về bất cứ sự tăng giảm mực nước bất thường, việc xả nước cũng như những thông tin có liên quan khác có thể dẫn đến tình trạng ngập bất ngờ ở vùng hạ lưu sông, nơi hơn 60 triệu người ở các quốc gia Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam sống phụ thuộc vào việc đánh bắt cá và trồng trọt ven sông.

Thỏa thuận này mới được ký kết  vào ngày 22/10/2020 giữa Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc và MRC trong khuôn khổ Phiên họp trực tuyến Đối thoại giữa các đối tác MRC, một cuộc họp thường niên do MRC tổ chức. “Thỏa thuận này là một cột mốc trong lịch sử hợp tác Trung Quốc – MRC”, tiến sĩ An Pich Hatda, tổng thư ký ban điều hành MRC, nhận xét ngay tại lễ ký kết, đồng thời cho biết thêm là vì những công việc vận hành cơ sở hạ tầng nước trong lưu vực và các chi lưu đang ảnh hưởng ngày càng tăng đến việc thay đổi dòng chảy và những dao động của nó có thể tác động đến các cộng đồng sống ven sông nên càng chia sẻ dữ liệu vận hành thì sẽ càng tác động đến việc quản lý sông Mekong.

“Việc điều chỉnh [dòng chảy] ngày càng gia tăng trên lưu vực cũng như các cơ hội, thách thức mới khiến cần có dữ liệu lớn hơn và chia sẻ thông tin nhiều hơn, qua đó có thể tăng thêm độ chi tiết của những bản thông báo về việc xả nước, điều phối vận hành và tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm”, ông nói.

Tình trạng hạn hán xảy ra trên dòng sông Mekong. Nguồn: Tổng cục Khí tượng thủy văn.

Trong hai năm qua, tình trạng hạn hán đã diễn ra trên 4.350 km sông, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân ven sông. Năm 2019, dù mùa mưa thông thường bắt đầu từ tháng 5 nhưng đã qua hai tháng mà mực nước chỉ đạt 40% so với mọi năm. Zeb Hogan, nhà sinh học chuyên nghiên cứu về cá ở trường Đại học Nevada, Reno (Mỹ) và phụ trách Wonders of the Mekong do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, đã nhận định, “Tốc độ thay đổi ngày một gia tăng của Mekong, xuất phát từ những tác động đã được tích lũy trong thời gian dài của những tác nhân xuyên biên giới và các tác động sẽ đến của biến đổi khí hậu, cho chúng ta thấy mối lo ngại về dòng sông huyết mạch bậc nhất Đông Nam Á này: nó sẽ mất dần vai trò của mình cho tới khi không còn khả năng hỗ trợ sự đa dạng sinh học của tự nhiên cũng như đem lại nguồn sống cho hàng triệu người”.

Việc cung cấp dữ liệu thủy văn của Trung Quốc sẽ giúp MRC phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán, mực nước thấp của Mekong. Theo MRC, với thỏa thuận mới, dữ liệu hàng năm của hai nhà máy thủy điện ở Vân Nam, bao gồm dữ liệu về lượng mưa và mực nước sông sẽ được Trung Quốc chia sẻ hai lần một ngày. 

Kể từ năm 1996, MRC và Trung Quốc đã cùng thực hiện một số sáng kiến hợp tác, bao gồm các cuộc họp đối thoại thường niên, chia sẻ dữ liệu và thông tin, thực hiện các nghiên cứu chung và trao đổi kĩ thuật về phát triển nguồn nước, bảo vệ môi trường và phát triển thủy điện.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)