Trung tâm nghiên cứu y học Việt – Đức: Thúc đẩy nghiên cứu về các bệnh nhiệt đới và sinh học phân tử

Trên cơ sở hợp tác truyền thống giữa Bệnh viện trung ương quân đội 108 và trường đại học Tổng hợp Tubingen (CH Liên bang Đức), Trung tâm Nghiên cứu Y học Việt – Đức (VGCare) đã chính thức khai trương vào ngày 16/1/2018 với kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học ngành Y.

Những hoạt động nghiên cứu đầu tiên tại Trung tâm  Y học Việt – Đức đã được tiến hành từ năm 2015. Nguồn: VGCare

Tận dụng thế mạnh của Đức và Việt Nam

Do Bộ Quốc phòng thành lập, Trung tâm nghiên cứu y học Việt – Đức (VGCare) có trụ sở đặt tại Bệnh viện trung ương quân đội 108 và sẽ được Bệnh viện 108 và Viện Y học nhiệt đới (Trường đại học Tubingen) 1 trang bị nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm tạo điều kiện cho các thành viên của Trung tâm có thể tiến hành các hoạt động nghiên cứu từ cơ bản đến chuyên sâu trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực như bệnh lâm sàng các bệnh nhiệt đới, sinh học phân tử và ung thư.

Mục tiêu của Trung tâm là không chỉ có công bố trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành mà sẽ còn tiến hành các thử nghiệm lâm sàng, thúc đẩy việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào quá trình chăm sóc điều trị và phục vụ bệnh nhân.

VGCare sẽ do các chuyên gia của cả hai bên đồng quản lý. TS. Thirumalaisamy P Velavan – một chuyên gia của trường ĐH Tubingen về  lĩnh vực các bệnh truyền nhiễm, và PGS. TS Lê Hữu Song, PGĐ Bệnh viện trung ương quân đội 108 và chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm và sinh học phân tử, giữ chức vụ đồng giám đốc. Các vị trí chủ chốt khác của VGCare cũng đều là những nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm và uy tín như GS. Christian G. Meyer – một chuyên gia khác trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm; PGS.TS Mai Văn Viện – chuyên gia về phẫu thuật lồng ngực làm phó giám đốc, TS. Ngô Tất Trung – chuyên gia trong lĩnh vực sinh học phân tử…

Để định hướng hoạt động nghiên cứu và ứng dụng của VGCare thêm bám sát với tình hình quốc tế và trong nước, Ban quản trị của VGCare đã được thành lập với sự tham gia của GS.TS Mai Hồng Bàng – giám đốc Bệnh viện trung ương quân đội 108, GS.TS. Peter G. Kremsner – giám đốc Viện Y học nhiệt đới (ĐH Tubingen), GS.TS. Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân y.

Nguồn kinh phí chính để VGCare thực hiện các hoạt động nghiên cứu do Bộ Giáo dục và Nghiên cứu liên bang Đức, Viện Y học nhiệt đới (ĐH Tubingen) và Bệnh viện trung ương Quân đội 108 tài trợ. Ngoài ra, Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) và Bộ Khoa học công nghệ Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ theo các đề xuất nghiên cứu của VGCare.

Mở rộng hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo

Tuy mới chính thức được khai trương nhưng VGCare đã đi vào hoạt động từ hai năm trước. Đến nay, Trung tâm đã thiết lập được một mạng lưới hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo với sự tham gia của nhiều bệnh viện và viện nghiên cứu về y học của Việt Nam như Viện Nghiên cứu khoa học Y dược lâm sàng 108, Bệnh viện 103, Bệnh viện Nhi trung ương, Học viện Quân y, ĐH Y Hà Nội … và các đối tác quốc tế như Viện nghiên cứu Robert Koch, Trường Y khoa Hannover, Viện nghiên cứu các bệnh nhiệt đới Bernhard Nocht (Đức), St George’s University of London (Anh), Centre de Recherches Médicales de Lambaréné (Gabon)…

Những hoạt động nghiên cứu và đào tạo đầu tiên của VGCare đã được triển khai, ví dụ ngay trong năm 2015, với sự hỗ trợ của DAAD thông qua chương trình DAAD-PAGEL, VGCare đã tổ chức khóa đào tạo “Các chẩn đoán phân tử tiên tiến về các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới”, “Y học nhiệt đới và dịch tễ học” cùng các seminar khoa học khác…

Nhiều hoạt động nghiên cứu cũng gặt hái được kết quả ban đầu với việc xuất bản một số công trình trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành, riêng năm 2017 có 8 công trình 2.

Năm 1994, khi Thiếu tướng Vũ Quốc Bình (hiện nay là Cục trưởng Cục Quân y) sang làm nghiên cứu sinh tại ĐH Tổng hợp Tubingen, hoạt động hợp tác giữa Bệnh viện và Viện NCKH Y dược lâm sàng 108 và Viện Y học nhiệt đới – ĐH Tổng hợp Tubingen đã được thiết lập và duy trì. Tính đến nay, đã có 6 nhà khoa học tại BVTWQĐ 108 được học tập đào tạo, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ như PGS.TS Lê Hữu Song; PGS.TS Nguyễn Lĩnh Toàn… và hiện còn 4 nghiên cứu sinh là bác sĩ tại bệnh viện sang nghiên cứu tại ĐH Tubingen. Từ các nghiên cứu đó, các nhà khoa học ở bệnh viện đã viết trên 40 bài báo quốc tế trên ISI, Scopus và có 3 độc quyền sáng chế về khoa học công nghệ.

 

———-

1. ĐH Tubingen (Eberhard Karls Universität Tübingen) tọa lạc tại TübingenBaden-Württemberg, Đức. Đây là một trong số những trường nổi tiếng nhất và lâu đời nhất tại Đức, đặc biệt là trong lĩnh vực y học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Trường đạt danh hiệu German Excellence University và đã nhiều cựu sinh viên của trường trở thành thủ tướng, bộ trưởng, ủy viên EU và thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp Liên bang. Trường có 11 thành viên và cựu sinh viện được nhận giải Nobel ở ba lĩnh vực Hóa học, Vật lý và Y học.

2. http://www.vgcare.org/publications (cập nhật đến ngày 17/1/2018)

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)