Tư duy chiến lược và khoa học mới

Từ những thập niên cuối thế kỷ XX đến nay, nhiều chuyển biến to lớn trong hầu khắp mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế, xã hội đã xảy ra trên toàn thế giới. Cùng với những chuyển biến to lớn đó trong đời sống thực tế là những chuyển biến cũng không kém phần quan trọng trong nhận tức và tư duy của con người trước những biến động và đổi thay của cuộc sống. Những chuyển biến trong tư duy này thoạt đầu là nhằm đáp ứng các yêu cầu nhận thức trước một thực tế đã có nhiều thay đổi, nhưng rồi từ những chuyển biến ban đầu đó đã dần dần hình thành một khung mẫu tư duy mới có tác dụng hướng dẫn suy nghĩ của con người trong việc tìm cách đối xử và hành động trong một môi trường sống càng ngày càng lắm biến động, đổi thay, có nhiều điều không chắc chắn và bất trắc không lường trước được. Cuốn sách "Tư duy chiến lược và khoa học mới. Lập kế hoạch giữa tình thế hỗn độn, phức hợp và thay đổi" (sau đây xin được gọi tắt là TDCL) là một tác phẩm rất có giá trị và bổ ích, có thể giúp chúng ta tìm hiểu được nhiều điều vừa rất cơ bản vừa có ý nghĩa ứng dụng của hướng tư duy mới đó.

Tác giả T.Irene Sanders là một phụ nữ Hoa Kỳ, Giám đốc một công ty tư vấn về những vấn đề lập kế hoạch chiến lược cho nhiều công ty, các cơ quan và các tổ chức quốc tế. Cuốn sách TDCL của bà không phải là một sách giáo khoa hay một chuyên khảo về một chủ đề khoa học, mà là chuyện kể của bà- một chuyên gia tư vấn chiến lược- về chuyến thám hiểm thú vị của chính mình nhằm đi tìm một cách nhìn mới, một cách hiểu mới về cuộc sống thực tế để từ đó có được “đôi mắt của tâm trí” có khả năng nhìn sâu vào hiện tại và nhìn xa về tương lai là những yếu tố rất cần thiết cho những đầu óc tư duy chiến lược hoạt động trong môi trường của những hỗn độn, phức hợp và nhiều biến động, đổi thay, là môi trường của nền kinh tế và xã hội trong thời đại chúng ta.

 
Tác giả T.Irene Sanders

Cuốn sách gồm hai phần:
Phần I: Thấu triệt và vận dụng khoa học mới.
Phần II: Nghệ thuật và khoa học của tư duy hiển thị.
Mỗi phần được chia thành 3 chương. Trong chương đầu của phần I, tác giả kể cho chúng ta nghe câu chuyện của chính mình từ thời trẻ lần ngược theo dấu chân của những người đi trước để tìm hiểu những cống hiến của bao thế hệ đã góp phần phát triển văn hóa và khoa học của nhân loại, kể từ những Pythagoras, Heraclitus, Socrates, Plato, Aristotle…, của nền văn minh Hy Lạp cổ đại cho đến tận thời cận đại của những Copernic, Kepler, Galilei, Descartes, Newton… và đã dừng lại khá lâu để phân tích triết học cơ giới dựa trên cơ học Newton, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng khoa học theo triết học cơ giới đối với sự phát triển của khoa học và xã hội trong nhiều thế kỷ qua. Đến chương hai “Những con bướm vỗ cánh và những cơn bão tố”, tác giả giới thiệu chúng ta làm quen với nội dung của “khoa học mới”, mà khởi đầu là sự phát hiện ra hiện tượng “hỗn độn tất định”, một dạng tập hút lạ, không tuần hoàn và không chính quy đối với hành vi của các hệ động lực phi tuyến. Việc tồn tại hiện tượng đó làm cho hành vi của các hệ động lực phi tuyến có một số tính chất “mới, lạ” như phụ thuộc nhạy cảm vào điều kiện ban đầu và không tiên đoán được. Vì đa số các hệ thống trong thực tế được tạo nên từ các hệ động lực phi tuyến, nên với các tính chất nói trên, chúng thường có những động thái rất phức tạp và đổi thay thất thường, một vẫy nhẹ như tiếng vỗ của cánh bướm ở một nơi này có thể gây nên những biến động to lớn như những cơn bão tố ở nơi khác; đồng thời cũng chứa đầy những cơ hội cho sáng tạo để gây nên những ảnh hưởng mới đối với các động thái đó, nếu có được “đôi mắt mới” nhìn thấy sự nảy nở mầm mống của một trật tự mới tận dưới đáy sâu của tình trạng vô trật tự. Kết thúc chương 2, tác giả đã tóm tắt một số cơ chế qua đó, những thay đổi của các hệ thống thích nghi phức tạp được khởi động và được tổ chức, tức là con đường mà thế giới quanh ta sáng tạo nên tính đa dạng, phong phú của mình, để rồi chuyển sang chương 3, tác giả “Bắt tay khởi động: Ứng dụng vào thế giới thực tại”, bằng cách vận dụng các hiểu biết đã trình bày để phân tích một loạt các sự kiện quan trọng về xã hội, chính trị, quân sự, kinh tế… đã xảy ra trong thế kỷ XX, đặc biệt là một số sự kiện gắn liền với sự phát triển nhanh chóng của các ngành sản xuất công nghiệp công nghệ cao như điện tử, xử lý thông tin và viễn thông. Tác giả kết thúc chương này và cũng là kết thúc phần I của cuốn sách bằng việc đề xuất “Bảy nguyên tắc của tư duy chiến lược được xác định từ khoa học mới”, đặt cơ sở cho việc chuyển sang phần II.
Phần II có tiêu đề là “Nghệ thuật và khoa học của tư duy hiển thị”, với nội dung đề cập đến vai trò quan trọng của thị giác trong hoạt động cảm thị và nhận thức của con người, tác động của khoa học mới về hỗn độn và phức hợp trong việc hỗ trợ và tăng cường năng lực tư duy hiển thị và cuối cùng là việc vận dụng năng lực này cùng các phương tiện của khoa học mới, đặc biệt là các đồ họa fractal, vào các hoạt động thực tiễn của tư duy chiến lược và lập kế hoạch cho tương lai. Chương 4 là một nghiên cứu phong phú và sâu sắc về năng lực cảm thụ thị giác- giác quan chủ yếu nhất trong năm giác quan của con người. Đôi mắt k hông chỉ cho ta các cảm nhận trực giác qua hình ảnh, mà còn là cửa sổ của tâm hồn và trí tuệ qua đó ta tiếp nhận mọi thông tin của thế giới bên ngoài, nhìn thấu mọi mối liên hệ phong phú và phức tạp của thế giới, thấu hiểu mọi lẽ đổi thay và biến động của cuộc đời, đôi mắt không chỉ nhìn thấy những hình ảnh cụ thể mà còn nhìn thấy những hình ảnh do trí tưởng tượng phong phú của con người tạo nên… Do đó từ rất lâu, năng lực thị giác đã được công nhận là một nhân tố đặc biệt không những trong các cảm thụ nghệ thuật mà còn trong các hoạt động tư duy và sáng tạo khoa học của con người. Trong tư duy chiến lược và xây dựng kế hoạch cho tương lai, con người rất cần có các năng lực nhìn sâu và nhìn xa (nhìn sâu để thấu hiểu hiện tại và nhìn xa để hình dung được tương lai), mà trong môi trường thực tế lắm biến động và đổi thay hiện nay, chỉ bằng tư duy cơ giới và các lập luận duy lý với các phương trình toán học, các tính toán định lượng trên các mô hình tất định tuyến tính, khoa học truyền thống không thể cho ta những giải pháp có hiệu quả, nên việc vận dụng các khả năng của tư duy hiển thị với các lập luận định tính trở nên cần thiết và có thể mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Trong chương 5 tiếp theo, tác giả đã đề xuất việc thực hiện một kiểu lược đồ gọi là Cảnh quan tương lai (FutureScape), lược đồ này được vẽ ra mỗi lần thực hiện một nhiệm vụ lập kế hoạch, nhằm phục vụ cho việc vận dụng các khả năng tư duy hiển thị; do trên lược đồ các mối quan hệ phức tạp, chằng chịt nhau được hiển thị đầy đủ nên có thể gọi cho tư duy hiển thị những cái nhìn sâu vào hiện trạng và nhìn xa về chiều hướng phát triển. Và trong việc lập kế hoạch, việc sử dụng lược đồ Cảnh quan tương lai cần được phối hợp với cách nhìn hệ thống, phi tuyến của khoa học mới để có thể đạt được những kết quả phù hợp với thực tế. Khoa học mới về hỗn độn và phức hợp cho ta biết rằng tập hút của các hệ động lực phi tuyến cũng như biên giới giữa các vùng hút của các tập hút đó thường là các fractal, mà như một nhận xét của J.Gleick, trong con mắt của tâm trí, mỗi fractal là một cách nhìn vào vô tận, tức là một cách nhìn xa hướng đến tận cùng con đường vận động của một quá trình, có trật tự và hỗn độn, và có sự chuyển hóa giữa trật tự và hỗn độn. Như vậy, nếu trong lược đồ Cảnh quan tương lai của ta có thêm những fractal mô tả động thái của các hệ động lực phi tuyến liên quan, thì ta có thêm khả năng nhìn sâu để thấu hiểu hiện tại và nhìn xa để hình dung tương lai, vì tương lai không chỉ là chuyện của ngày mai, mà thực sự “tương lai đang chớm nở từ hôm nay”. Việc lập kế hoạch cho tương lai phải bao gồm cả những can thiệp vào những gì đang xảy ra ngay lúc này. Tất cả những ý tưởng đó được tác giả tóm tắt trong một “khung mẫu tư duy mới” về việc lập kế hoạch được trình bày ở cuối chương 6 của cuốn sách.
Cuốn sách được viết như chuyện kể của chính tác giả về hành trình tìm kiếm con đường nhận thức của mình đối với một lĩnh vực hoạt động hết sức quan trọng là tư duy chiến lược và lập kế hoạch cho các dự án phát triển trong các lĩnh vực kinh doanh, kinh tế và xã hội, một hành trình thám hiểm mà ngay từ đầu tác giả đã tự biết không phải ở chỗ tìm kiếm những vùng đất mới mà là ở chỗ cần có “đôi mắt mới” (lời của nhà văn Pháp Marcel Proust), do đó là một cuốn sách có sức hấp d ẫn lớn. Nó lôi cuốn người đọc hào hứng đi theo trên từng chặng đường tìm kiếm của tác giả nhưng cũng lắm lúc không khỏi làm người đọc cảm thấy hụt hơi vì không theo kịp những dòng ý tưởng mới chợt đến một cách ào ạt mà mình chưa kịp chuẩn bị để đón nhận. Tôi tin rằng cuốn sách nếu đã gây được sự hấp dẫn bước đầu thì thế nào cũng buộc ta phải đọc đi đọc lại nhiều lần, có thể không phải tất cả mà là từng đoạn, từng ý, cho đến khi cũng như tác giả, ta có được “đôi mắt mới” để nhìn sâu, nhìn xa vào cuộc sống quanh ta.
Với niềm tin đó, tôi xin được trân trọng giới thiệu cuốn sách này với quý vị độc giả.

Phan Đình Diệu

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)