VDF 2016: Cần tập trung vào cải cách quản lý tài sản công và kiểm soát nợ công

Trước thực trạng nợ công cao, trung bình khoảng 30% đầu tư công là bị lãng phí và không hiệu quả, đại diện của các tổ chức quốc tế đều nhấn mạnh rằng Việt Nam cần thiết phải cải cách quản lý tài sản công, kiểm soát nợ công và tập trung hỗ trợ tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân.

Các đại biểu tại VDF 2016.

Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) năm 2016 do Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng các nhà tài trợ cho Việt Nam tổ chức vào ngày 9/12 tại Hà Nội với chủ đề “Chính phủ kiến tạo và hành động – động lực mới cho phát triển” có sự tham gia của chuyên gia từ các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế Quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (World bank), Liên hợp quốc tại Việt Nam (UN)… nhằm thảo luận và đưa ra các khuyến nghị chính sách phát triển cho Việt Nam trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành khác cũng tham dự diễn đàn.

Bối cảnh thách thức

Đại diện Thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ông Jonathan Dunn chỉ ra, năng suất lao động thấp đang là thách thức cơ bản đối với tăng trưởng. Thực tế, tổng năng suất lao động của Việt Nam trong 20 năm qua có xu hướng giảm, đặc biệt là năng suất của công nhân ở khu vực kinh tế trong nước thấp chỉ bằng ½ khu vực kinh tế FDI. Cùng với đó, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Việt Nam rất thấp, mới chỉ bằng ½ mức đầu tư của nhiều nước khác trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc vào cùng thời điểm các nước đó có mức GDP bình quân đầu người như của Việt Nam hiện nay.

Trong khi đó, bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều bất ổn đang gây ra những thách thức rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Trong vòng 10 năm vừa qua, thương mại toàn cầu đang suy giảm và không còn là một lực đẩy mạnh cho tăng trưởng. Cụ thể, lượng nhập thực trên toàn thế giới đã giảm rất nhiều. Mặt khác, xu hướng bảo hộ đang có chiều hướng gia tăng (mà Brexit là một ví dụ điển hình). Việt Nam là một nền kinh tế hướng xuất khẩu nên sẽ chịu nhiều thách thức từ bối cảnh bất ổn đang gia tăng đó.

Mặc dù lạc quan trước cơ hội thương mại cho Việt Nam khi các hiệp định thương mại tự do FTA sắp có hiệu lực, báo cáo của trưởng nhóm đối tác của EU cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam cần phải vượt qua trong tương lai để có thể chủ động tiếp cận thị trường của nền kinh tế lớn nhất thế giới này và thúc đẩy tăng trưởng thương mại. Cụ thể, thị trường EU yêu cầu chất lượng sản phẩm rất khắt khe và luôn đòi hỏi truy xuất nguồn gốc. Do vậy, Việt Nam cần chuẩn bị mọi mặt về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để chuỗi sản xuất đáp ứng được những yêu cầu đó.

Kiểm soát nợ công

Các chuyên gia tại VDF đều cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể “chịu đựng được” mức trần nợ công hiện nay là 65% nhưng cần phải kiểm soát, xử lý nợ công bằng cách “rà soát chi tiêu” của chính phủ, từ đó cắt giảm hoặc loại bỏ nhiều hạng mục chi tiêu để tránh ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, để đảm bảo sức khỏe của nền kinh tế, Việt Nam cần phải “lành mạnh hóa” hệ thống ngân hàng, nên thực hiện một khuôn khổ xử lý ngân hàng yếu theo chuẩn quốc tế.

Để giảm gánh nặng lên chi tiêu công, kiểm soát được nợ công, cần phải cải cách quản lý tài sản công bởi hiện nay đang có thực trạng “trung bình khoảng 30% đầu tư công là bị lãng phí và không hiệu quả”, theo ông Norio Saito, phó giám đốc quốc gia của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Ông cũng đánh giá, vấn đề nổi cộm nhất trong quản lý tài sản công hiện nay là mô hình quản lý đang rất phân tán và chồng chéo khi có tới hơn 1.000 cơ quan nhà nước khác nhau cùng quản lý. Mặt khác, các đơn vị này chỉ quản lý trên giấy hoặc mô tả tình trạng cơ học và giá trị đầu tư ban đầu của tài sản mà chưa hề có một cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ. Ví dụ, chỉ 10% đường quốc lộ được nghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia.

Song song với các giải pháp cải cách nhằm kiểm soát chi tiêu ở khu vực công, các chuyên gia quốc tế cũng khuyến nghị Việt Nam cần có biện pháp đặc biệt để thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực tư nhân. Ông Jonathan Dunn khuyến nghị, để tạo đà cho tăng trưởng, Việt Nam cần cải cách giáo dục đại học, doanh nghiệp, và tăng chi tiêu cho R&D.

Trước các khuyến nghị từ chuyên gia quốc tế, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam đang “quyết tâm xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp”, do đó chính phủ “sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp…” đồng thời đặt mục tiêu kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu hiệu quả trong thời gian tới. Ông yêu cầu Bộ Tài chính, bộ Kế hoạch đầu tư nghiêm túc nghiên cứu những khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)