Viện Lowy (Úc): Việt Nam chống dịch tốt thứ hai thế giới

Viện nghiên cứu chính sách Lowy (Úc) mới công bố bảng xếp hạng hiệu quả chống dịch của gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, New Zealand, Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) lần lượt giữ ba vị trí đầu vì đã đóng cửa biên giới kịp thời trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.


Bảng xếp hạng hiệu quả chống dịch của các quốc gia. Ảnh: AFP

Để đánh giá hiệu quả chống dịch của các quốc gia tại những thời điểm khác nhau trong đại dịch, Viện Lowy đã theo dõi sáu yếu tố liên quan đến Covid-19 của 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có sẵn dữ liệu: số ca xác nhận, số ca tử vong, tỷ lệ số ca mắc trên một triệu người, tỷ lệ số ca tử vong trên một triệu người, tỷ lệ số ca xác nhận qua xét nghiệm, tỷ lệ người được xét nghiệm trên một nghìn người.

Khoảng thời gian điều tra kéo dài trong 36 tuần sau trường hợp Covid-19 thứ 100 của mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ, sử dụng dữ liệu có sẵn đến ngày 9 tháng 1 năm 2021. Trung bình cứ 14 ngày, Viện sẽ tính toán số liệu lại một lần.

Sau đó, Viện tính toán trung bình các chỉ số đó trên từng quốc gia/vùng lãnh thổ, trong từng thời kỳ, và chuẩn hóa để xếp theo thang điểm từ 0 (chống dịch kém nhất) đến 100 (chống dịch tốt nhất). Nhìn chung, các chỉ số này cho thấy những quốc gia đã quản lý tình hình dịch như thế nào trong 36 tuần sau ca mắc Covid-19 thứ 100 của họ.

Đại địch đã tàn phá Mỹ, vì vậy nước này xếp gần cuối bảng ở vị trí 94. Indonesia và Ấn Độ cũng không hơn là bao, lần lượt xếp ở vị trí thứ 85 và 86. Brazil xếp ở vị trí cuối cùng – thứ 98. Brazil đã ghi nhận hơn 218.000 ca tử vong do coronavirus, chỉ sau Mỹ. Viện Lowy cho biết họ không xếp hạng Trung Quốc vì thiếu dữ liệu công khai.

Việt Nam có lợi thế gì?

Bảng xếp hạng được công bố trong bối cảnh các ca mắc trên toàn thế giới đã lên tới con số 100 triệu, và khoảng 2,2 triệu ca tử vong vì coronavirus kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 12 năm 2019.

Herve Lemahieu, chuyên gia của Viện Lowy, cho biết nghiên cứu chỉ ra, các quốc gia/vùng lãnh thổ nhỏ thường giải quyết Covid-19 hiệu quả hơn cả nước lớn. Các quốc gia/vùng lãnh thổ có dân số dưới 10 triệu người tỏ ra nhanh nhẹn hơn phần lớn các nước lớn trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp về sức khỏe – ông trả lời trên podcast của ABC. Một số quốc gia nhỏ – bao gồm Síp, Rwanda, Iceland và Latvia – đã lọt vào danh sách 10 quốc gia đứng đầu.

Dân số Việt Nam đến nay là gần 100 triệu người, không phải là một quốc gia có dân số ít. Nhưng Việt Nam đứng thứ hai trên bảng xếp hạng (90,8 điểm), sát nước đứng đầu là New Zealand (94,4 điểm). Lý do gì khiến Việt Nam vẫn xử lý hiệu quả các tình huống khẩn cấp về sức khỏe, thậm chí là có phần hiệu quả hơn những nước có dân số ít?


Việt Nam đứng thứ hai trong bảng xếp hạng với 90.8 điểm. Ảnh: Hau Dinh | AFP

Đáp án không nằm ở hệ thống chính trị, bởi Viện Lowy cho rằng không thể khẳng định hệ thống chính trị nào là tối ưu hơn trong việc xử lý hiệu quả đại dịch.

Theo ông Lemahieu, những quốc gia/vùng lãnh thổ đứng đầu danh sách có thể chế khác nhau, nhưng tất cả đều đang được điều hành một cách hiệu quả dưới thể chế đó. “Ranh giới giữa việc ứng phó khủng hoảng hiệu quả hay thất bại, không thực sự nằm ở kiểu chế độ, mà là liệu người dân có tin tưởng vào các nhà lãnh đạo của họ hay không, và liệu các nhà lãnh đạo đó có điều hành một nhà nước có năng lực và hoạt động hiệu quả hay không. Và điều đó dường như có lợi cho các quốc gia có dân số ít, xã hội gắn kết và các thể chế có năng lực”.

Đáng chú ý, mức độ giàu có của một quốc gia cũng không phải là yếu tố then chốt để chống dịch. Một trong những phát hiện đáng chú ý của nghiên cứu, là các nước đang phát triển và các nước phát triển ít nhiều bình đẳng trong phòng chống dịch, bởi vì những biện pháp cần thiết để ngăn chặn virus không đòi hỏi công nghệ quá cao – ông Lemahieu bình luận.

Ông Lemahieu cho biết, ban đầu các nước giàu quản lý sự bùng phát hiệu quả hơn các nước nghèo, nhưng sau đó họ lại mất đà vào cuối năm 2020 khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát ở những nơi như châu Âu và Bắc Mỹ. Thậm chí một số quốc gia lớn đã không áp dụng các biện pháp đủ nghiêm ngặt, khiến tình hình lây lan càng tồi tệ hơn.

Năm vừa qua, các nhà lãnh đạo của hai quốc gia đông dân nhất châu Mỹ – Mỹ và Brazil – thậm chí còn liên tục hạ thấp mối đe dọa từ Covid-19, chế giễu việc đeo khẩu trang, phản đối phong tỏa, và cuối cùng bản thân các tổng thống của các nước này cũng mắc Covid-19.

Chính vì vậy, trong bối cảnh các ca dương tính với Covid-19 đang liên tục tăng (tính đến tối ngày 16/2/2021, Việt Nam có tổng cộng 1.412 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 719 ca), Việt Nam cần tiếp tục duy trì các biện pháp chống dịch hiệu quả một cách quyết liệt, và đặc biệt là nỗ lực tiếp cận vaccine ngừa. Ông Lemahieu dự đoán rằng những nước đang phát triển có thể sẽ sớm mất vị thế khi họ phải vật lộn để có được vaccine Covid-19 cho người dân của mình. “Với việc phân phối và tích trữ vaccine không đồng đều, dường như các nước giàu có ưu thế hơn trong việc khắc phục khủng hoảng.”

Theo khoahocphattrien.vn

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)