Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán: Cơ chế đặc biệt, sứ mệnh đặc biệt

Sáng 17/1, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã tổ chức lễ ra mắt tại trụ sở của Viện nằm trong khuôn viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân cùng đông đảo các nhà toán học trong và ngoài nước đã đến tham dự buổi lễ.

Những kỳ vọng lớn từ cơ chế đột phá

Trên thực tế, Viện đã được thành lập từ ngày 23/12/2010 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ khoảng 6 tháng trở lại đây. Là một tổ chức khoa học-công nghệ công lập đặc thù trong lĩnh vực nghiên cứu Toán học, Viện đã được Chính phủ dành một nguồn ngân sách đầu tư lớn nhất trong lịch sử ngành Toán học Việt Nam với 650 tỷ đồng (tương đương 20 triệu USD) cho giai đoạn 2010 – 2020.

Đánh giá ý nghĩa sự ra đời và vai trò của Viện, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong bài phát biểu tại buổi lễ, cho rằng: “Viện nghiên cứu cao cấp về Toán là một cơ sở nghiên cứu đặc biệt, lần đầu tiên được thành lập tại Việt Nam nhằm thực hiện một sứ mạng lịch sử là đẩy mạnh, phát huy tiềm năng, lợi thế tư duy sáng tạo trong nghiên cứu cơ bản của Việt Nam, góp phần đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu về Toán ở VN, (…) để Toán học VN đi vào xu thế phát triển bền vững và đến 2020, có thể xếp hạng xung quanh thứ 40 thế giới, đội ngũ giảng viên Toán ở các trường ĐH ít nhất 70% có trình độ Tiến sĩ”.

Sự ra đời của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán không chỉ là một sự kiện khoa học, mà còn là bước đột phá trong cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Chính phủ đầu tư cho Viện 650 tỷ đồng, nhưng Chính phủ không yêu cầu Viện phải nghiên cứu cái gì. Sử dụng số tiền này như thế nào là quyền của GS. Ngô Bảo Châu, Hội đồng khoa học và tập thể lãnh đạo Viện trong tương lai. Chính phủ chỉ có mong muốn thông qua đây, với quy chế đặc biệt, Viện sẽ trở thành một trung tâm khoa học xuất sắc của Việt Nam và khu vực, tạo môi trường làm việc tốt tương đương ở các nước phát triển, tiến hành trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, đồng thời là một mô hình nghiên cứu đầu tiên theo hướng nâng cao sự tự chủ của những người lãnh đạo và các nhà khoa học”.

Sự kỳ vọng của Nhà nước, cộng đồng khoa học và dư luận còn được đặt trên uy tín khoa học của GS. Ngô Bảo Châu – Giám đốc khoa học của Viện, người sở hữu Huy chương Fields 2010 và là Giáo sư Toán tại Đại học Chicago (Hoa Kỳ). Phát biểu tại buổi lễ, GS. Ngô Bảo Châu cho biết: “Viện Toán hoạt động theo một nguyên tắc khác với các Viện nghiên cứu truyền thống ở Việt Nam. Viện sẽ không có hoặc có rất ít cán bộ nghiên cứu cơ hữu, mà sẽ hoạt động theo chương trình nghiên cứu, tổ chức các nhóm nghiên cứu có quy mô lớn nhỏ khác nhau. Sự linh hoạt này sẽ cho phép Viện lôi cuốn nhiều nhà khoa học quốc tế xuất sắc đến Việt Nam và tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước có cơ hội tiếp xúc với những gì đang nóng hổi nhất trong môi trường nghiên cứu khoa học quốc tế. Viện cũng sẽ là nơi lôi cuốn những nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài về nước làm việc lâu hơn và có nhiều hợp tác với những đồng nghiệp ở trong nước hơn”.

Nhưng thách thức cũng không nhỏ

Trong những năm qua, đội ngũ giảng viên Toán tại các trường đại học ở Việt Nam đã lớn mạnh hơn nhiều so với thời kỳ GS Lê Văn Thiêm gây dựng Viện Toán học Việt Nam. Tuy vậy, vấn đề số lượng lẫn chất lượng của đội ngũ này lại luôn được đặt ra như một nan đề đã tồn tại rất lâu trong nền giáo dục Việt Nam. Điều đó được thể hiện rõ qua tỉ lệ rất thấp các giảng viên Toán có học vị Tiến sĩ. Số lượng giảng viên có công trình nghiên cứu được quốc tế công nhận lại càng khiêm tốn hơn nữa. GS Ngô Bảo Châu đã đưa ra con số 50 và không quên nhắc đến một thực tế đáng báo động khác: “Hè năm ngoái, dư luận trong cả nước đã khá xôn xao về kết quả không tốt của đội tuyển Olympic Toán quốc tế của Việt Nam. Thực ra con số đáng lo ngại hơn nhiều là điểm chuẩn đầu vào của khoa Toán và các ngành khoa học cơ bản. Những con số đáng buồn này làm mờ đi phần nào tương lai của Toán học và khoa học cơ bản ở Việt Nam”.

Mặc dù bức tranh Toán học trong nước còn nhiều mảng tối và đang đối mặt với một tương lai không mấy lạc quan, nhưng các nhà Toán học Việt Nam ở nước ngoài lại ngày càng nhiều và gặt hái được những thành công lớn. GS. Ngô Bảo Châu đánh giá cao vai trò của Chính phủ trong nỗ lực phát triển Toán học, nhưng cũng nhận định thẳng thắn rằng, “tương lai của Toán học nói riêng và khoa học Việt Nam nói chung phụ thuộc rất nhiều vào việc tạo ra những cơ chế để cuốn hút những nhà khoa học trẻ và tạo điều kiện cho họ để họ có thể tiếp tục sự nghiệp khoa học của mình ở trong nước”.

Một góc nhìn từ Hoa Kỳ


GS. Robert Fefferman – Ảnh: Hữu Long

Sự tham gia của chín nhà toán học đến từ các cơ sở nghiên cứu hàng đầu thế giới có lẽ là điểm nhấn đặc biệt trong lễ ra mắt của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và gợi mở những giải pháp để phát triển Toán học ở Việt Nam. GS. Robert Fefferman (đồng nghiệp của GS. Ngô Bảo Châu tại ĐH Chicago) đã trình bày bài phát biểu trong đó nhấn mạnh đến các yếu tố cần thiết mà nền Toán học Hoa Kỳ đã dựa trên đó để phát triển như ngày hôm nay.

Ông đề cập sự tồn tại của một môi trường thân thiện chỉ dựa trên năng lực trí tuệ, bất kể quốc tịch, giới tính, màu da hay bất cứ đặc điểm nhân thân nào khác và cho rằng: “Nếu chúng tôi không chào đón tất cả các nhà Toán học đến từ mọi nơi, không phân biệt giới tính hay chủng tộc, nền Toán học Hoa Kỳ đã không có được ngày hôm nay”.

Điều này dường như chưa thực sự được coi trọng ở Việt Nam, khi các nhà Toán học, cán bộ giảng dạy không phải là chủ thể chính trong các cơ quan nghiên cứu, đào tạo. Ở hầu hết các cơ quan, bộ máy hành chính mới là chủ thể chính và chi phối môi trường học thuật theo nghĩa quản lý.

Vai trò của Chính phủ lại một lần nữa được nhấn mạnh tại buổi lễ, khi GS. Robert Fefferman đề cập đóng góp của Quỹ Khoa học quốc gia (NSF) như một cơ quan hỗ trợ đắc lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học ở Hoa Kỳ. Các nhà Toán học Hoa Kỳ cũng luôn được ủng hộ và tạo điều kiện làm việc rất uyển chuyển. Các trường đại học Hoa Kỳ coi trọng hoạt động nghiên cứu và tiết giảm thời lượng giảng dạy của các Giáo sư, bởi “các nhà Toán học sẽ không thể nghiên cứu được cái gì nếu họ phải giảng dạy quá nhiều”. Trong khi đó, nguồn thu nhập của các cán bộ giảng dạy ở Việt Nam lại phụ thuộc hầu hết vào việc lên lớp, ngay cả khi số tiền họ nhận được từ một tiết dạy 45 phút có thể chỉ là 15.000 đồng.

Viện nghiên cứu cao cấp về Toán ra đời, với một cơ chế đặc biệt và sự đầu tư đặc biệt, trên thực tế là một gánh nặng đặc biệt cho GS. Ngô Bảo Châu và các đồng sự. Đã từng có nhiều đề án, dự án phát triển về Toán nói riêng và khoa học nói chung được đặt ra với niềm kỳ vọng có thể làm đổi thay bộ mặt của nền khoa học Việt Nam nhưng cuối cùng điều đó đã không xảy ra. Sẽ cần nhiều thời gian để đánh giá xem liệu lịch sử có lặp lại với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán hay không.


Ảnh: Hữu Long

Giáo sư Ngô Bảo Châu trao đổi với báo chí bên lề lễ ra mắt:

Trong bài phát biểu, GS có đề cập đến một báo cáo về thực trạng của Toán học Việt Nam. GS có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Báo cáo rất là chi tiết, xem là VN có bao nhiêu giản viên toán học, bao nhiêu người có bằng TS, kết quả nghiên cứu khoa học như thế nào. Thống kê từ trước đến nay xem có bao nhiêu bài báo khoa học. Thông tin đó đánh giá trình độ nghiên cứu khoa học của toán học VN. Từ cái khảo sát đó, nhu cầu bức thiết về chuyện nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên các trường đại học VN.

Hiện nay Viện đã hoạt động dựa trên một cơ chế đặc biệt. Liệu cơ chế này còn tồn tại những vướng mắc gì không?

Theo tôi nghĩ những khó khăn lớn nhất thì cơ bản đã được giải quyết, với sự ủng hộ rất nhiệt tình của Chính phủ, đặc biệt của ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Phạm Vũ Luận. Tất nhiên quá trình vận hành có nhiều khó khăn khác. Nhưng khó khăn về cơ chế, vấn đề lớn nhất, đã được giải quyết.

Viện có cơ chế như thế nào để thu hút các nhà khoa học VN ở nước ngoài?

Nói chung tuy còn nhiều khó khăn, nhưng việc tạo ra một kết quả tốt, tích cực không phải là dễ. Bởi để cuốn hút nhà khoa học VN đang làm việc ở nước ngoài, kể cả nhà khoa học VN ở trong nước có thể được phép, chẳng hạn như nghỉ dạy trong khoảng 3 tháng để tham gia nghiên cứu tại Viện, tất cả những chuyện đó đều có thể làm được, nhưng sẽ đòi hỏi sự tổ chức, bố trí, sự làm việc rất tích cực của một bên là lãnh đạo Viện, một bên là các nhà khoa học. Để sự cộng tác xảy ra còn rất nhiều việc phải làm.

Năm 2012 Viện sẽ tiến hành những hoạt động gì?

Tháng sau sẽ có một nhóm làm việc về tối ưu, do GS. Phan Quốc Khánh chủ trì làm việc ở Viện trong vòng hai tháng. Tiếp theo tháng 6, 7, 8 có một chương trình cũng về ứng dụng Toán học, machine learning, do GS. Hồ Tú Bảo (Nhật), GS. Nguyễn Xuân Long (Mỹ) phụ trách. Đề tài ấy kết hợp giữa thống kê, khoa học máy tính, xử lý những khối lượng dữ liệu rất lớn bằng phương pháp Toán học. Đến hè, tháng 7, tôi sẽ về Viện và sẽ tổ chức một chương trình về Toán cơ bản, lý thuyết số. Tháng 9, 10 chúng tôi sẽ có chương trình về đại số.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)