Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán: Thành lập càng sớm càng tốt
Trong cuộc gặp thân mật giữa GS Ngô Bảo Châu với báo chí sáng 1/9 do Viện Toán học tổ chức, phần lớn các câu hỏi đều tập trung vào việc chuẩn bị cho sự ra đời của Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán mà GS Ngô Bảo Châu sẽ tham gia với vai trò tích cực bằng chuyên môn và uy tín quốc tế của mình.
Chủ tịch nước tiếp GS Ngô Bảo Châu |
Phát biểu với báo chí tại cuộc gặp, GS Ngô Bảo Châu nói, người ta dễ lầm tưởng công việc chính của các nhà toán học là ngồi trong bốn bức tường và làm toán; nhưng thực tế, động lực thúc đẩy toán học phát triển chính là sự kết hợp giữa các ngành trong toán học với nhau và kết hợp toán học với các ngành khoa học khác. Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán sẽ là nơi quy tụ chất xám cả ở trong nước và nước ngoài để từ đó tổ chức hoạt động nghiên cứu có chất lượng và hình thành nên các nhóm nghiên cứu mạnh, đồng thời giúp đào tạo nguồn nhân lực về toán hiện đang rất thiếu hụt cho các trường đại học.
Ông Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học, cho rằng mô hình viện nghiên cứu khoa học cấp cao giống như nhiều nước đang phát triển đã áp dụng thành công sẽ giúp khắc phục các lực cản hành chính mà một viện nghiên cứu sự nghiệp thường gặp. Ông dẫn ra một ví dụ của chính Viện Toán học: mặc dù rất mạnh về chuyên môn nhưng các quy định hành chính không cho phép Viện được quyền đào tạo thạc sĩ nếu không liên kết với các trường đại học.
Về nguyên tắc, Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán chắc chắn sẽ được thành lập nhưng theo ông Nguyễn Tuấn Hoa, Viện phó Viện Toán học, nên thành lập càng sớm càng tốt vì thời gian tới GS Ngô Bảo Châu sẽ nhận được rất nhiều lời mời từ các viện nghiên cứu trên thế giới, nếu không xúc tiến nhanh việc này thì có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội hợp tác với Giáo sư.
Ông Nguyễn Tuấn Hoa nhấn mạnh mô hình viện nghiên cứu cao cấp là một cách giúp nhà nước thu hút chất xám nhờ thế mạnh tình cảm, chẳng hạn như lương của GS Ngô Bảo Châu ở nước ngoài không dưới 10-15 nghìn USD/tháng nhưng GS sẵn sàng về nước làm việc với lương 2 nghìn USD/tháng, nếu Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán được thành lập.
Cũng tại cuộc gặp, giải thích rõ hơn về khái niệm “tự do tuyệt đối” trong khoa học mà đã có lần GS đề cập, ông cho rằng, tự do ở đây là nhà khoa học làm cái họ chọn, chứ không theo định hướng hay chỉ đạo. “Một nền khoa học chỉ làm theo định hướng hay chỉ đạo không bao giờ có công trình thật sự. Sở dĩ khoa học nước Pháp đầu thế kỷ 19 và nước Đức cuối thế kỷ 19 phát triển mạnh mẽ là do họ đều đề cao tinh thần tự do học thuật,” ông nói.
GS Ngô Bảo Châu cho biết, trước mắt, công việc chính của ông là làm GS ĐH Chicago, và năm tới, nếu Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán được thành lập, ông sẽ dành thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 về nước làm khoa học.
Trả lời câu hỏi của Tia Sáng, “Theo Dự thảo Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học 2010 – 2020, Việt Nam phấn đấu từ vị trí 45 – 55 lên 40 trên thế giới về toán học. Thứ tự đó dựa trên cơ sở khoa học nào và GS nghĩ gì về những mục tiêu cụ thể của chương trình?” GS Ngô Bảo Châu nói: “Vị trí 50-55 hay việc phấn đấu để xếp thứ 40 chỉ là một cách nói mang tính định lượng cần phải có trong các dự thảo, không có ý nghĩa gì nhiều với Chương trình này. Ý nghĩa của Chương trình nằm ở chỗ chấn hưng khoa học Việt Nam, trong đó có toán học. Chúng ta nhiều lần nhắc đến khoa học tụt hậu, không có chuẩn quốc tế. Tại sao vậy? Vì chúng ta không có giảng viên giỏi. Vì vậy, phải làm cho có giảng viên giỏi. Mục đích của Chương trình là nhằm tạo ra nguồn lực giảng viên toán mới cho các trường đại học Việt Nam.” |