Việt Nam đã làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ

Chiều 4/9 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phối hợp với Chương trình vệ tinh quan sát trái đất và vệ tinh khoa học của Astrium (Pháp) tổ chức Lễ bàn giao hệ thống vệ tinh VNREDSat – 1.

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam Jean – Noel Pirier; Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh; Giám đốc Chương trình vệ tinh quan sát trái đất và vệ tinh khoa học của Astrium  Jean Dauphin.

Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển ngành công nghệ vũ trụ, tiếp nối thành công của Vinasat- 1 và Vinasat – 2. Với VNREDSat – 1, Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, từ đó tự chủ trong việc khai thác xử lý hình ảnh của tất cả các khu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng thành công của tập thể lãnh đạo các nhà khoa học của Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam và các đối tác Pháp trong quá trình triển khai dự án vệ tinh VNREDSat -1. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thành công của Dự án không chỉ có ý nghĩa về mặt KH&CN mà còn có những tác động quan trọng đối với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và đặc biệt là việc đánh dấu mốc biên giới lãnh thổ Việt Nam trong không gian.

Theo Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, Trưởng Ban quản lý Dự án Vệ tinh nhỏ Bùi Trọng Tuyên, kể từ khi được phóng thành công vào quỹ đạo hôm 7/5, VNREDSat -1 đã qua giai đoạn thử nghiệm hoạt động. Hiện VNREDSat -1 đã ổn định quỹ đạo làm việc, quá trình chụp ảnh phục vụ căn chỉnh chất lượng sản xuất ảnh cũng như đánh giá hiệu năng của vệ tinh đã được tiến hành.

Cũng trong khuôn khổ buổi Lễ, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam Nguyễn Đình Công và Giám đốc Các chương trình vệ tinh quan sát trái đất và vệ tinh khoa học của Astrium (Pháp) Jean Dauphin đã cùng nhau ký biên bản bàn giao hệ thống vệ tinh VNREDSat -1.

Dự án VNREDSat – 1 được xây dựng nhằm thực hiện một số mục tiêu quan trọng trong Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020; Tăng cường và hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cho công nghệ vũ trụ, góp phần hình thành nền công nghiệp vũ trụ ở Việt Nam trong tương lai; Định hướng và thúc đẩy các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu công nghệ trong nhiều lĩnh vực điện tử – tin học, vật liệu cơ khí, điều khiển, cơ học, toán học ứng dụng; Góp phần xác định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới cũng như trong lĩnh vực khai thác vũ trụ phục vụ lợi ích của con người.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)