Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu

Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển phát thải thấp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vừa được ký kết nhằm cắt giảm lượng khí nhà kính xả thải vào môi trường. Đây là một phần trong nỗ lực của hai bên trong việc hạn chế tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng xanh.

“Biên bản ghi nhớ mà chúng ta vừa ký kết là minh chứng mới nhất về sự đi đầu của Việt Nam và về cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ Việt Nam, để ứng phó với những thách thức về môi trường do biến đổi khí hậu gây ra” – Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Kinh tế, Năng lượng & Môi trường Hoa Kỳ Robert D. Hormats phát biểu tại Lễ ký kết sáng 21/3 tại Hà Nội.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng cho rằng, Biên bản ghi nhớ được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, trao đổi kinh nghiệp giữa hai bên; trong đó có hợp tác kiểm kê khí nhà kính quốc gia; góp phần xây dựng các mô hình phát thải trong nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất; góp phần xây dựng mô hình phát triển cho lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải… Việt Nam mong muốn sẽ được Hoa Kỳ hỗ trợ tiếp cận những công nghệ tiên tiến để phát triển theo mô hình phát thải thấp, cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu.

Theo Biên bản ghi nhớ này, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên gia và đào tạo thông qua chương trình toàn cầu “Tăng cường năng lực cho phát triển phát thải thấp” (EC-LEDS) của Chính phủ Hoa Kỳ.

Các vấn đề chính trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ:

1. Hệ thống kiểm kê khí nhà kính quốc gia: xây dựng kế hoạch rà soát các thông báo quốc gia về kiểm kê khí nhà kính và hệ thống quản lý kiểm kê hiện tại, thiết kế hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính.

2. Thông tin kinh tế cho việc phân tích carbon thấp: xác định nhu cầu và thực hiện tăng cường năng lực trong quản lý thông tin kinh tế cho phân tích carbon thấp.

3. Mô hình phát thải trong nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất: xác định các nguồn phát thải từ nông nghiệp, thay đổi sử dụng đất và rừng; sử dụng mô hình tiên tiến để đánh giá các lựa chọn chính sách khác nhau nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong khi vẫn tối ưu hóa quá trình sản xuất trong nông nghiệp và lâm nghiệp.

4. Mô hình năng lượng, công nghiệp, xây dựng, giao thông và các phân tích chính sách: thông qua đối thoại chính sách với nhà tài trợ và đánh giá nhu cầu của Việt Nam, trong khuôn khổ Bản ghi nhớ, các hoạt động sẽ tăng cường năng lực cho các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách Việt Nam trong sử dụng các mô hình tiên tiến nhằm xác dịnh các chính sách, hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng và sản xuất năng lượng tái chế.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)