Việt Nam và Israel hợp tác thiết kế vệ tinh nhỏ

Ngày 21/6, Trung tâm Vệ tinh quốc gia (VNSC) đã ký thỏa thuận hợp tác với Cơ quan vũ trụ Israel (ISA) về khoa học và công nghệ sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình.

PGS. Phạm Anh Tuấn chia sẻ với phóng viên Tia Sáng rằng, mất hai năm để đi đến thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Israel về lĩnh vực này, kể từ khi các công ty, tập đoàn của Israel bày tỏ sự quan tâm tới VNSC và “Chiến lược nghiên cứu và cứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” của Việt Nam tại Đại hội vũ trụ quốc tế (In’l Space Conference) diễn ra tại Israel vào năm 2015. PGS. Phạm Anh Tuấn cũng nói thêm, có hai nội dung mà VNSC muốn hợp tác với ISA bao gồm: chia sẻ công nghệ thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ và chia sẻ ảnh vệ tinh giữa hai nước.

Bà Meirav Eilon Shahar, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel cho biết, khung hợp tác mới chỉ là bước đầu, để nó thực sự đi vào hoạt động, cần sự nỗ lực và trao đổi cả hai bên trong việc cùng đào tạo, nghiên cứu và tổ chức sự kiện. Trên thực tế, từ trước đến nay chỉ có phía Nhật Bản là đồng ý chuyển giao công nghệ vệ tinh cho Việt Nam, còn các nước khác chỉ muốn bán vệ tinh và chỉ chuyển giao quy trình vận hành và khai thác, theo PGS. Phạm Anh Tuấn trong một lần trả lời phỏng vấn VietnamPlus.

Thiết kế, chế tạo và phóng vệ tinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của VNSC. Từ năm 2011 đến năm 2018, VNSC định hướng tập trung vào các vệ tinh nhỏ (đây là các vệ tinh có khối lượng vài đến vài chục kg, tuổi thọ ngắn, tầm thấp và phục vụ cho nghiên cứu là chủ yếu) để tiến đến làm chủ công nghệ chế tạo và phóng thành công vệ tinh lớn là Lotusat 1 và 2 (nặng 600 kg) với nhiệm vụ quan sát và giám sát Trái Đất, phục vụ cho lĩnh vực cảnh báo thiên tai, quy hoạch đô thị và an ninh quốc phòng. Hiện nay, VNSC đang trong quá trình hoàn thiện hai vệ tinh nhỏ “made in Vietnam” (tức là do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và lắp ráp) là MicroDragon (50 kg) và NanoDragon (4-6 kg). Trong đó, vệ tinh MicroDragon sẽ hoàn thiện vào tháng 7/2017 và phóng vào vũ trụ vào năm 2018 còn vệ tinh NanoDragon có thể sẽ được phóng vào vũ trụ vào năm nay. Trước đó, VNSC đã có vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) phóng thành công và đang hoạt động ngoài vũ trụ.

Ngày 17/7, VNSC sẽ được đổi tên thành Trung tâm Vũ Trụ Quốc gia. Theo PGS. Phạm Anh Tuấn, dự án Trung tâm Vũ trụ Quốc gia là dự án Khoa học Công nghệ lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay với hai nhiệm vụ chính: Thứ nhất, phát triển hệ thống lắp ráp, thiết bị phục vụ cho việc thiết kế và ; Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực cho ngành khoa học vũ trụ. Để thực hiện hai mục tiêu này, VNSC sẽ xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam tại Khu CNC Hòa Lạc để phục vụ cho việc lắp ráp vệ tinh, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019, Trung tâm ứng dụng Công nghệ Vũ trụ tại Tp. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành vào năm 2020 và Đài thiên văn Nha Trang đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng và sẽ khai trương vào tháng 8 sắp tới, mở cửa cho không chỉ các nhà khoa học mà cả các nhóm sinh viên tới học tập và nghiên cứu.


VNSC cử 100 nhà nghiên cứu đi học tập tại Nhật Bản về lĩnh vực khoa học vũ trụ

VNSC có thể coi là một trong số những cơ sở nghiên cứu hiếm hoi coi việc truyền thông khoa học đại chúng là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của mình để thu hút sinh viên theo học ngành công nghệ vũ trụ, tiến tới mục tiêu có hơn 200 nhân lực trong lĩnh vực này vào năm 2020. Bên cạnh những hoạt động thường niên như Ngày vũ trụ (Spaceday) và cuộc thi thiết kế vệ tinh dành cho học sinh sinh viên Cansat, các buổi nói chuyện khoa học diễn ra 2 tháng/lần giữa các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ với công chúng, VNSC còn tiến tới xây dựng Bảo tàng Vũ trụ (dưới sự cố vấn của một cơ quan khoa học của Nhật). Bản vẽ của bảo tàng sẽ được công bố công khai vào tháng 9 năm nay và bảo tàng dự kiến mở cửa vào năm 2019. 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)