Việt Nam-Israel: Ký nghị định thư thành lập UB Liên chính phủ về KT, KH&CN
Chiều 25/4, tại trụ sở Bộ KH&CN ở Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Quân và Đại sứ Israel Meirav Eilon Shahar đã thay mặt hai chính phủ ký Nghị định thư về việc thành lập Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ.
Bà Đại sứ Israel cũng cho rằng Nghị định thư sẽ là kim chỉ nam để hai bên đạt được các mục tiêu trong hợp tác về khoa học, thương mại và y tế trong thời gian tới.
Bà cho biết, Ủy ban Liên chính phủ, với đại diện của phía Việt Nam là Bộ KH&CN và phía Israel là Bộ Kinh tế, sẽ có trách nhiệm nhìn lại những hoạt động hợp tác giữa hai nước để đánh giá những gì đã làm được và những gì còn tồn tại. Hiện nay, bên cạnh việc hợp tác và đỡ đầu một số khóa học tại chỗ về nông nghiệp, thủy sản, giáo dục…, Israel đã triển khai thành công dự án trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.
Bà Đại sứ kể mới đây đã có dịp tham dự Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột và thăm mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel ở xã Eatul – huyện Cư M Gar – tỉnh Đak Lak [do Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Đak Lak phối hợp với Công ty Cà phê Trung Nguyên triển khai]. “Khi đến Tây Nguyên, tôi được chứng kiến tình trạng hạn hán rất nặng nề và cảm thấy vô cùng xót xa cho cây cà phê. Nhưng ở nơi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, năng suất cây cà phê vượt trội hẳn. Tôi được biết, công nghệ này cũng đã được áp dụng ở Thanh Hóa với cây mía và ở Đà Lạt với việc trồng hoa. Tôi nghĩ về mặt thủ tục, không có gì ngăn cản công nghệ tưới nhỏ giọt được giới thiệu ra nhiều địa phương khác, và với cả cây lúa và cây cao su nữa. Vấn đề là giá cả của công nghệ này khá cao đối với người nông dân, nhưng nếu người nông dân hiểu được giá trị đồng tiền họ bỏ ra đầu tư, họ sẽ thích nó,” bà nói.
Giống như Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu, Israel là một đất nước đã chuyển dịch thành công sang nền kinh tế công nghệ cao, Bà Đại sứ chia sẻ, là một nước nhỏ, ít dân, không được thiên nhiên ưu đãi, lại bất lợi trong mối quan hệ với láng giềng, người Israel chỉ biết trông vào bộ não, và mỗi khi làm ra một sản phẩm, họ đều phải nghĩ đến việc xuất khẩu sản phẩm đó đến những thị trường xa xôi. “Chính những bất lợi đó là một trong những yếu tố biến Israel trở thành đất nước của phát minh và đổi mới sáng tạo,” bà nói.
Mặc dù hai nước có những chênh lệch về kinh tế, và trình độ khoa học và công nghệ nhưng bà Đại sứ Meirav Eilon Shahar cho rằng, Israel luôn coi Việt Nam là đối tác chính ở Đông Nam Á vì mấy mươi năm qua, Việt Nam đã có những thay đổi nhảy vọt và điều quan trọng hơn là “đất nước này luôn tiến về phía trước”.