Viết sự ngây thơ

Candide rời khỏi thiên đường: đó là motif lặp lại ít nhất hai lần trong Candide. Thiên đường đầu tiên chính là lâu đài của ngài nam tước Thunder-ten-tronckh xứ Westphalie, nơi hội tụ sự vĩ đại đáng kể của trần thế (hóa thân là ngài nam tước), tình yêu nồng nàn (với nàng Cunégonde xinh đẹp) và tri thức toàn vẹn (ở tiến sĩ Pangloss, người thầy của Candide)- “Chàng kết luận rằng sau cái diễm phúc được sinh ra là nam tước Thunder-ten-tronckh, đến cái diễm phúc bậc nhì là được sinh ra là cô Cunégonde; kế đến diễm phúc bậc ba là được nhìn thấy cô suốt ngày và sau chót diễm phúc bậc tư là được nghe những lời thuyết giảng của Pangloss tiên sinh, triết gia giỏi nhất trong tỉnh và do đó là triết gia giỏi nhất toàn cầu” (tr.30). Thiên đường thứ hai, xứ Eldorado khó đến khó rời bên Nam Mỹ, là biểu tượng của tiền bạc. Vấn đề Candide phải đối mặt là những thiên đường đó không bền vững, lâu dài của ngài nam tước là nơi chàng không thể ở (vì bị đuổi đi). Eldorado là nơi chàng không muốn ở và tự nguyện rời đi. Cho đến cuối truyện, một thiên đường khác khiêm tốn hơn nhiều lần lại xuất hiện, và lần này thì chúng ta không biết Candide ở đó trong bao lâu; nhiều khả năng là vĩnh viễn, như việc kết thúc tác phẩm tại đó gợi ý. Có thể nói rằng Candide phải rời khỏi các thiên đường vì đức tính “ngây thơ nằm ngay trong cái tên của chàng (“candied” trong tiếng Pháp là tính từ của “candeur”, dùng để chỉ phẩm chất ngây thơ và thuần khiết của một t&#226

Sự bi quan mà Voltaire dành cho cuộc đời nói chung bắt nguồn từ những sự kiện mà chính ông vấp phải. Khi còn trẻ, ông đã bị tống ngục Bastille vì viết các tác phẩm châm biếm đả kích quan Nhiếp chính thời đó, và sẽ nhiều lần nữa quay trở lại nơi đây, đến năm 1726 lại vì xích mích với hiệp sĩ de Rohan mà bị nhà quý tộc cho người lấy gậy đánh đập ngay trên phố, sau đó còn phải lưu vong sang Anh.

Bi quan với con người và với xã hội vẫn chưa phải là tất cả, Voltaite còn bi quan cả với thiên nhiên. Năm 1759 khi Voltaire cho in Candide (các chuyên gia về Voltaire thống nhất cho rằng tác phẩm được viết một năm trước đó) cũng là khi triết gia mới tậu được cơ ngơi ở Genève và bắt đầu thực sự biết đến cảnh thoải mái về vật chất và thực hiện được “giấc mơ khu vườn” đã có trong đầu từ lâu nay (chúng ta hiểu vì sao “thiên đường thứ ba” trong Candide nhất thiết phải có khu vườn!). Tuy nhiên, trong cảnh điền viên đó, những tiếng vọng bi thảm từ thế giới bên ngoài dội về vẫn rất mạnh mẽ: hai thảm họa diễn ra liền trong hai năm: động đất lớn ở Lisbonne cuối năm 1775 và những viễn cảnh kinh hoàng của cuộc chiến tranh Bảy năm từ Đức lan tới. Cuộc động đất là nguồn gốc cho bài thơ dài thuộc loại nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác văn chương của Voltaire (ngoài các vở kịch và những tác phẩm văn xuôi giống như Candide, Zadig hay Memnon), và cũng được tái hiện trong Candide, được viết không lâu sau khi xảy ra các sự kiện (các chương IV, V, VI của tác phẩm), nơi Candide mất đi nhà từ thiện Jacques và đồng thời tiến sĩ Pangloss bị treo cổ.

Giọng văn của Voltaire cũng không bao giờ ngây thơ. Ngay trong Candide, ông cũng dành cả một chương dài (chương XXII) để đả kích cay độc thành phố Paris và như thể nhân tiện, tính sổ với một số đối thủ của mình, tiến sĩ triết học Gauchat (“Có cả trăm cuốn sách viết cẩu thả mà không cuốn nào lại cẩu thả bằng sách của Gauchat, tiến sĩ triết học”- tr.150), một tác giả tên là Truble (“Ông ta đã viết ra tất cả những điều mà ai cũng biết”), và đặc biệt, nhà báo Fréron nhận được cả một loạt những lời phỉ báng thực thụ:

“Đó là một kẻ xấu miệng, hắn sống bằng nghề nói xấu tất cả các vở kịch, tất cả các diễn viên. Hắn oán ghét ai thành công, như kẻ hoạn quan ghét kẻ còn biết thụ hưởng; hắn là con rắn độc trong văn chương, sống trong nọc độc và bùn lầy. Hắn là kẻ “bán văn” vô loại.

  Thế nào là kẻ “bán văn” vô loại?

  Nó là một kẻ viết cho đầy giấy, một con rắn độc, kiểu như tên Fréron” (tr.148).

Voltaire từng viết cả một vở kịch để chế nhạo riêng Fréron. Đến đây chúng ta nên nói một chút về nhân vật đặc biệt của lịch sử văn chương và báo chí Pháp này. Fréron (1718-1776), từng dạy học rồi bỏ nghề và bỏ luôn cả dòng tu của mình (dòng Tên), gia nhập hội Tam điểm, làm nghề báo và dành rất nhiều tâm trí và thời gian trong sự nghiệp để phản đối và bài xích Voltaire. Fréron không ít lần vào ngục vì thời đó viết báo chuyên đề chỉ trích là một việc làm nguy hiểm (nhất là khi tờ báo quá thành công, có quá nhiều độc giả). Tuy nhiên Fréron cũng gây dựng được hai tờ báo rất lớn, không ngừng công kích các nhà triết học nói chung và Voltaire nói riêng, thậm chí cả công trình Bách khoa toàn thư đồ sộ cũng đã có lúc suýt đổ sập vì  những lời phản đối của Fréron, vốn rất có uy thế và nhiều quan hệ thời đó. Ngày nay nhìn lại, cuộc đối đầu giữa Voltaire và Fréron thường được coi là cuộc chiến giữa hai bộ óc tuyệt vời nhất của thế kỷ XVIII, một bên là triết gia lừng danh, bên kia là nhà phê bình lớn nhất của thế kỷ. Một bài thơ nổi tiếng của Voltaire viết đại ý nếu có một con rắn cắn Fréron thì nó sẽ lăn ra chết chứ không phải Fréron; Fréron đáp lại sự khiêu khích đó như sau: “Trong câu chuyện này sẽ không có gì là lạ nếu Voltaire chính là con rắn. Quả thực với tôi ông ta đã lăn ra chết vì tức tối và một phần nhỏ vì nọc độc của tôi”. Candide là thêm một cơ hội nữa để đối thủ lớn của Voltaire bị đưa ra chế nhạo thậm tệ, những lời lẽ rất dễ khiến người phát ngôn phải ra tòa dưới hệ thống luật pháp hiện đại.

Về sự “xấu tính” (và do đó, không ngây thơ trong trắng) của Voltaire, người ta còn có thể kể rất nhiều câu chuyện. Chẳng hạn như chỉ vì một cuộc tranh chấp một đống củi giữa hàng xóm tại Ferney mà Voltaire sẵn sàng tố cáo Charles de Brosses thiếu trung thực và trong suốt năm năm tiến hành một chiến dịch chống de Brosses, khiến cho nhà thông thái không thể vào được Viện Hàn lâm. Voltaire nhất định không phải là một Candide.

Voltaire, đó là một người theo chủ thuyết bi quan (giống như nhà thông thái Martin trong Candide) đem lạc quan ra để bàn; là một người không chút ngây thơ, ông lại đặt tên cho một trong các nhân vật sẽ được hậu thế nhớ nhất từ ông là “chàng Ngây Thơ”.

***

Giai đoạn Voltaire viết Candide (cuối những năm 1750, như đã nói ở trên) nằm ở khoảng giữa cuộc lưu vong dài đằng đẵng của triết gia (từ 1750 đến 1778) ông trở về Paris trong vinh quang, giống như một người bị lưu đày vĩ đại sau này, Victor Hugo, và chết ngay sau đó; người ta nói rằng ông chết vì kiệt sức trước vinh quang của chính mình). Cuộc lưu vong của Voltaire còn cay đắng ở chỗ nó là một cuộc lưu vong “đúp”: ngoài việc bị hắt hủi khỏi nước Pháp, ông còn không có chỗ đứng bên cạnh một người từng một thời là bạn thân của mình, vua Frédéric II nước Đức, đành chọn một nơi trung gian là Thụy Sĩ để sống (Lausanne, Genève, Ferney). Một đòn đánh mạnh thêm nữa vào tình cảm của Voltaire là cái chết của người bạn thân, bà du Châtelet (1749).

Trong thời gian lưu vong đó, Voltaire còn phải chứng kiến từ xa sự thay đổi của đời sống trí thức Paris: một thế hệ mới đầy tài năng xuất hiện, đó là những người như Diderot, d’holbach, d’Alembert và Rausseau, những người tuy ông có nhiều liên lạc và cộng tác, nhưng mối quan hệ không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Các mốt mới lên ngôi: tác phẩm của văn hào Anh Richardson (tác giả Pamela, một trong những người đầu tiên của văn học theo chủ nghĩa lãng mạn, mà cộng hưởng tại châu Âu là Goethe và Rausseau), nhạc Ý và kịch tư sản. Các sáng tác văn học của Voltaire không thể không có phần lỗi thời trong bối cảnh ấy.

Voltaire là một người lưu vong chung thân, ngay cả khi đã có cơ ngơi ở Genève thì ông vẫn thấy như thể mình bị cắt đứt khỏi các giá trị phổ quát. Thực sự là không có thiên đường nào dành cho Voltaire cả.

***

Candide luôn có mặt trong tất cả các tuyển tập tác phẩm văn xuôi của Voltaire. Bên cạnh Zadig, Memnon, Micromégas, đó là tác phẩm lừng danh nhất của ông, nhiều khi được đánh giá là tác phẩm văn chương giàu tính triết học nhất mà Voltaire từng viết. Tuyển tập tác phẩm gần đây nhất của tủ sách La Pléiade, được tập hợp dưới cái tên “Romans et contes” (tiểu thuyết và truyện) có 26 tác phẩm thì Candide được xếp thứ 11, nghĩa là ở vào khoảng giữa, và cũng thường được coi là được viết vào giai đoạn Voltaire đạt đến đỉnh cao của tài năng.

Có thể coi đó là một “tiểu thuyết”, một “truyện”, hoặc xét về dung lượng, một “truyện vừa” theo như cách gọi của ngày nay. Nhưng thực tế rất khó xếp thể loại cho Candide cũng như rất nhiều tác phẩm văn học khác của Voltaire, được viết ra trước khi các phương thức sắp xếp theo thể loại trở thành quy phạm, khi mà tiểu thuyết cũng chỉ mới ra đời và còn chưa được dành cho một vị trí mặt tiền. Vấn đề này từng làm đau đầu các chuyên gia về Voltaire, và trong lịch sử các tuyển tập Voltaire đã có rất nhiều khác biệt. Ở đây sẽ không đi sâu vào vấn đề văn bản và các thay đổi về lựa chọn tác phẩm cho tuyển tập, cũng như thứ tự sắp xếp của chúng, nhưng cũng cần nhấn mạnh Voltaire trước hết là một triết gia (tác phẩm nổi tiếng nhất của ông ngày nay có lẽ là Từ điển triết học), ông còn là một nhà viết kịch danh tiếng, một nhà thơ, và, điều này không thể bỏ qua, một nhân vật lớn của thế kỷ XVIII.

Là một triết gia có sáng tác văn học (điều này cũng không khác mấy ở Diderot, tuy rằng Rousseau thì rất khác), các tác phẩm của Voltaire theo lẽ tất nhiên có một số đặc điểm liên quan nhiều đến triết  học. Trong chúng có rất nhiều thứ, có thể nói là tất cả mọi thứ trong vũ trụ, có rất nhiều lời nói, nhưng luôn luôn thiếu vắng một số cột đỡ then chốt của tác phẩm văn chương: tâm lý nhân vật, sự dẫn dắt cốt truyện, và đặc biệt là các chuyển hóa.

Nhân vật của Voltaire như chúng ta thấy trong Candide, xuất hiện và vĩnh viễn giữ nguyên tâm lý đã có, không có biến đổi. Do đó, các nhân vật ấy giống như các hằng số- rất có thể coi những nhân vật này gần với các quy luật phổ quát, cái đích hướng tới và chủ đề suy tư của các triết gia điển hình.

Chúng ta có Candide (và đồng thời, thầy của chàng, Pangloss), người lạc quan. Cả hai đều khăng khăng tin rằng “mọi sự kiện đều có một cứu cánh, mọi sự việc đều nhất thiết phải đi đến một cứu cánh hoàn bích hơn” (tr.29). Trước sự tra tấn của nhà hảo tâm Jacques, Pangloss trả lời như sau: “những bất hạnh riêng biệt đã xây thành sự hữu hạnh của toàn thể; như vậy càng có nhiều sự bất hạnh riêng biệt bao nhiêu thì sự hữu hạnh công cộng càng hoàn thiện bấy nhiêu” (tr.49). Có những lúc triết thuyết cứng nhắc đó bị nghiêng ngả, chẳng hạn như khi nàng Cunégonde mà Candide gặp lại sau này nói rằng: “Hay là Pangloss tiên sinh đã lừa tôi một cách tàn ác, khi ông bảo tôi rằng: “Cứ yên tâm, mọi việc rồi sẽ tốt hơn” (tr.68), hay thậm chí đã có lúc chính Candide dao động: “Ông Pangloss ơi! Chàng Ngây thơ la lên, ông đã không đoán được cảnh tượng ghê gớm như thế này… Thôi từ nay tôi không còn tin ở chủ nghĩa lạc quan của ông nữa” (tr.127).

Thế nhưng, như một thứ cao su hay lò xo luôn quay trở lại trạng thái ban đầu sau khi chịu một số tác động của ngoại cảnh, Candide vẫn giữ một niềm tin chắc chắn vào cái tốt đẹp; không một cơn bão biển, không một trận động đất hay sự độc ác hiển nhiên nào của con người khiến được chàng quên đi những gì đã được học (một sự “kiên định triết học”, với đầy đủ ý nghĩa hài hước của cụm từ này). Trong Candide, những câu chuyện (đúng hơn là các đối thoại) quan trọng hơn những gì xảy ra thực sự: vụ bắn nhau giữa hai con tàu trên biển ngay trước mặt chỉ phục vụ cho các lập luận trao đổi giữa Candide và Martin: với Martin người ủng hộ quan điểm cho rằng mọi thứ trên đời là xấu, và thế giới được dẵn dắt bởi cái ác, thì cuộc bắn giết đó càng cho thấy quan điểm đó không sai, còn với Candide, khi con cừu từ trên một con tàu kia dạt vào đúng con tàu chàng đang ở trên thì “lý thuyết lạc quan Pangloss” bị lung lay nhiều khi lại được dịp sống dậy. Đó là một thế giới không chấp nhận thay đổi. Candide trở thành người bị đuổi khỏi thiên đường với tâm thức nhẹ nhõm nhất trong lịch sử văn học.

Một “hằng số” khác là nhà thông thái Martin, người bi quan toàn phần. Martin biện luận như sau: “nhìn qua Trái đất này, hay nói đúng hơn là cái hạt bụi này, tôi phải tin là Thượng đế đã bỏ quên Trái đất cho một thứ ác quỷ nào đó. […] Tôi chả thấy thành phố nào mà lại không muốn tàn phá thành phố bên cạnh, chưa bao giờ nhìn thấy một gia đình nào mà lại không muốn tiêu diệt gia đình khác” (tr.136). Trong khi đó, nhà thông thái mà Candide gặp ở Paris lại là người nhìn mọi thứ qua lăng kính của sự mâu thuẫn: “Với tôi thì mọi việc trên đời đều mâu thuẫn hết: không ai biết được mình thuộc đẳng cấp nào, nhiệm vụ của mình là gì, mình làm gì và phải làm gì? Ngoại trừ bữa ăn này khá vui vẻ và đoàn kết còn thì chỉ thấy những xung đột khả ố: giáo phái này chống giáo phái kia, quốc hội chống giáo hội, văn nhân chống văn nhân, nịnh thần chống nịnh thần, tài phiệt chống dân chúng, vợ chống chồng, bà con chống bà con” (tr.152). Liên quan trực tiếp hơn cả đến cuộc đời của Candide, ngài nam tước anh trai Cunégonde thì đóng đinh vào sự phân biệt tầng lớp xã hội và vin vào đó để nhất định không cho Candide lấy em gái mình.

Các nhân vật chính phụ của Candide không bao giờ thay đổi ý kiến. Các thái độ khác nhau cũng có khi được đặt liền kề nhau, giống như một “thủ pháp” của Voltaire, chẳng hạn như ở đoạn sau:

“Tên phù thủy miệng vừa huýt gió vừa chửi thề:

  Ở đây tất phải có gì làm lợi lộc cho mình.

Ông Pangloss lẩm bẩm trong miệng:

  Nguyên nhân của tai nạn này là do đâu?

  Đây là ngày tận thế rồi. Chàng Ngây Thơ la lên”. (tr.52).

Xét về diễn ngôn mà tác phẩm sử dụng, Candide nằm ở giữa đối thoại triết học thuần túy và kịch hài (mà điển hình và khuôn mẫu là kịch của Marivaux). Một đặc điểm về hình thức quan trọng của hài kịch là sự tập hợp đông đảo các nhân vật chính và phụ ở kết thúc, mà ở đây là đoạn ở khu vườn Propontide. Kịch hài cũng thường không để nhân vật chết, và thường sử dụng cái chết như là một yếu tố đầy tính nhẹ nhõm: nhân vật liên tục bị tưởng là đã chết nhưng sau này sẽ gặp lại trong một hoàn cảnh khác. Cái chết ở đây giống như một cuộc di trú, nó đưa nhân vật di chuyển một cách vô hình trong không gian, sự nặng nề của cái chết được giảm trừ hoàn toàn tính chất bi thảm. Thêm một đặc điểm nữa là yếu tố ngẫu nhiên được tận dụng tối đa, điều này giúp tác giả tạo được nhiều tình tiết hơn, nhưng mặt trái của nó là khiến cho câu chuyện luôn bị đẩy ra xa khỏi “sự tự nhiên”.

Tuy nhiên, cũng có thể nghĩ rằng Voltaire đã đề xuất ở cuối truyện cũng như rải rác trong Candide một “giải pháp” nhất định cho tính chất ngồn ngộn ngôn từ của các tác phẩm văn học theo hơi hướng triết học, đó là từ bỏ triết lý: “Hãy làm việc mà đừng lý sự, Martin nói, đó là phương tiện duy nhất để có được cuộc sống tàm tạm. Cả cái xã hội thu nhỏ bước vào dự định đáng khen ấy; mỗi người làm việc theo khả năng của mình. Mảnh đất nhỏ bé mang đến nhiều điều” (tr.211). Thế nhưng, với triết học từ bỏ triết lý cũng là từ bỏ thiên đường, và không có gì chắc chắn sự từ bỏ đó sẽ được thực hiện với một tâm thức nhẹ nhõm…

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)