Xác định tỷ lệ các đột biến gene kháng thuốc điều trị H. pylori

Thông qua kết quả nghiên cứu này, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Y - Dược, ĐH Huế sẽ có thể phát hiện được mức độ hiệu quả của kỹ thuật xét nghiệm phân tử trong quá trình điều trị bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng.


Helicobacter pylori là vi khuẩn hình xoắn ốc, gram âm, sống trong niêm mạc dạ dày, do hai bác sĩ người Úc là Robin Warren và Barry J. Marshall phát hiện năm 1982 từ mẫu sinh thiết dạ dày qua nội soi. Phát hiện này được trao tặng giải Nobel Y học và Sinh lý học năm 2005.

Ước tính có hơn nửa dân số trên thế giới đã bị nhiễm H. pylori, chủ yếu ở các nước đang phát triển. Việt Nam cũng thuộc vùng có tỷ lệ nhiễm H. pylori cao (vào khoảng 60%). Năm 1994, Tổ chức Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (IARC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp H. pylori là tác nhân quan trọng hàng đầu gây ung thư dạ dày. Điều trị tiệt trừ H.pylori được coi là một chiến lược dự phòng có khả năng làm giảm tỷ lệ mắc ung thư dạ dày.

Song việc quản lý H. pylori ở Việt Nam đang ngày càng khó khăn hơn do tình trạng kháng kháng sinh gia tăng, đặc biệt là với clarithromycin (CLR) và levofloxaxin (LVX) – hai loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn. Do đó, các bác sĩ cần phải xác định xem bệnh nhân mắc bệnh dạ dày tá tràng do H. pylori có kháng hai loại kháng sinh cụ thể trên không nhằm lựa chọn phác đồ điều trị tối ưu. Gần đây, nhiều chuyên gia đã gợi ý rằng có thể xét nghiệm độ nhạy kháng sinh của bệnh nhân thông qua xét nghiệm phân tử.

Tuy nhiên, để chắc chắn rằng kỹ thuật xét nghiệm phân tử thực sự mang lại hiệu quả, trước tiên cần kiểm chứng những đột biến gene kháng thuốc ở H. pylori có tồn tại trong cơ thể bệnh nhân người Việt hay không. Dựa trên mục tiêu đó, PGS.TS Hà Thị Minh Thi, GS.TS Trần Văn Huy và các cộng sự thuộc trường Đại học Y – Dược, ĐH Huế đã tiến hành nghiên cứu xác định tỷ lệ kiểu gene kháng CLR và LVX của H. pylori bằng công nghệ dải DNA (DNA strip) tại Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 112 bệnh nhân mắc viêm dạ dày tá tràng dương tính với H. pylori tại Bệnh viện ĐH Y – Dược, ĐH Huế từ tháng 5/2020 đến tháng 7/2022. Trước tiên, bệnh nhân có triệu chứng khó tiêu được nội soi đường tiêu hóa trên và lấy hai mẫu sinh thiết dạ dày từ hang vị và thân vị. Nếu xét nghiệm dương tính với H. pylori, mẫu sinh thiết được chuyển vào ống chứa dung dịch đệm TE để phân tích phân tử. Nghiên cứu này bao gồm cả những bệnh nhân chưa từng được điều trị và những bệnh nhân đã thất bại ít nhất một lần trong điều trị tiệt trừ bệnh.

Nhóm nghiên cứu đã áp dụng công nghệ dải DNA sử dụng các đầu dò đặc hiệu cho các đột biến 23S rRNA và gyrA – những đột biến tạo ra khả năng kháng CLR và LVX của H. pylori. Theo đó, có thể thấy rõ tỷ lệ kháng kiểu gene kháng CLR và LVX của H. pylori xuất hiện lần lượt là 81,3% và 53,6% trong số bệnh nhân, và tình trạng kháng cả hai loại kháng sinh là 48,2%. Đột biến 23S rRNA A2142G và A2143G lần lượt chiếm 1,8% và 79,5% số trường hợp. Các đột biến gyrA N87K, D91N, D91G và D91Y lần lượt xuất hiện ở 37,5%, 11,6%, 5,4% và 5,4% số bệnh nhân. 

“Trong nghiên cứu này, chúng tôi nhận thấy H. pylori kháng CLR và LVX – và kháng cả hai – rất phổ biến ở Việt Nam”, nhóm tác giả viết trong công bố “Current status of Helicobacter pylori resistance to clarithromycin and levofloxacin in Vietnam: Results from molecular analysis of gastric biopsy specimens” được xuất bản trên Journal of Global Antimicrobial Resistance. “Điều đáng lo ngại là tất cả các đột biến 23S rRNA và gyrA phổ biến đều được ghi nhận ở cả bệnh nhân chưa từng được điều trị và bệnh nhân điều trị thất bại. Trong số đó, đột biến 23S rRNA A2143G và gyrA N87K xuất hiện thường xuyên nhất”. Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên quan giữa đột biến A2143G và tiền sử sử dụng CLR cũng như giữa đột biến N87K và tiền sử sử dụng LVX. 

Nhìn chung, nghiên cứu đã chứng minh thành công “việc áp dụng các xét nghiệm phân tử là khả thi và có thể sẽ hỗ trợ quản lý tốt hơn tình trạng nhiễm H. pylori ở nước ta”, nhóm kết luận. 

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)