Xây dựng nơi chốn trong bối cảnh Á Đông

Kiến tạo nơi chốn không phải là vấn đề có thể giải quyết mà là một quá trình phức tạp phải được thực hành và nghiên cứu lâu dài. Đó là vấn đề được thảo luận tại buổi tọa đàm mang chủ đề “Place-making trong bối cảnh Á Đông” do TS kiến trúc Tô Kiên trình bày hôm 29/3 tại X-hub Hà Nội.

Ảnh: Cách tiếp cận hướng tới cộng đồng trong xây dựng nơi chốn là một xu hướng mới được thử nghiệm trong một số đô thị hiện nay, như dự án bích họa ở KTT Pháo Đài Láng – Hà Nội của Art Build Community.

Nhiều thành phố Việt Nam hiện nay rõ ràng chưa đạt được nhiều thành công trong việc kiến tạo các không gian công cộng (public space) cho cư dân đô thị: cách quy hoạch từ trên xuống (top-down) đã loại trừ sự tham gia của người sử dụng không gian đấy, một số không gian khác chỉ dành cho một số đối tượng nhất định, trong khi loại trừ một số đối tượng khác tham gia (như trung tâm thương mại chẳng hạn). KTS. Kiên khuyến khích cho một cách tiếp cận từ dưới lên (bottom-up), nơi cộng đồng cùng nhau lên ý tưởng, tham gia và xây dựng không gian chung. Quá trình xây dựng như vậy được gọi là kiến tạo nơi chốn (place-making). “Quá trình này không nhất thiết phải là một cái gì đó to tát,” KTS. Kiên nhấn mạnh, kể cả “cái tường rào, cái gốc cây” một khi có sự tương tác và chia sẻ của cộng đồng, đều có thể trở thành một nơi chốn. Đây cũng là nhân tố thiết yếu làm nên “tính đáng sống” của một “đô thị vị nhân sinh” như cách nói của KTS. Jan Gehl.

Nhưng làm thế nào để kiến tạo nơi chốn? KTS. Kiên đề xuất về sự tham gia toàn diện (comprehensive) của tất cả các đối tượng liên đới (stakeholders) – các kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch, nghệ sĩ, người dân, chính quyền, kể cả doanh nghiệp – trong kiến tạo là cách thức tốt nhất để một dự án trở nên bền vững. “Cách tiếp cận sẽ dựa vào con người – ‘by people’ – chính những người dân sau khi được truyền cảm hứng sẽ trở thành các thủ lĩnh tại địa phương của họ và tiếp tục tư tưởng của ta và nghĩ ra các sáng kiến (mới)”, anh gợi ý. Một dự án tiêu biểu của cách tiếp cận này là Làng Bích họa Tam Thanh – Quảng Nam, nơi mà các bức bích họa trên tường về cuộc sống hằng ngày của người dân đã đưa một làng chài nghèo trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng. Giai đoạn thứ hai của dự án xây dựng “Làng nghệ thuật cộng đồng” hiện đang tiếp tục triển khai với sự tham gia của chính quyền và cả UNESCO.  

Trong phần thảo luận, KTS. Phó Đức Tùng đặt ra vấn đề, dự án Tam Thanh chỉ có thể thành công với vai trò của nhà chuyên môn là kiến trúc sư tham gia, nhưng nếu bỏ lại cho người dân tự lo thì liệu có thực sự bền vững? Mặt khác, vấn đề lý thuyết của kiến tạo nơi chốn cho đô thị là phải xác định được một nhóm làm chủ (key user) với một “tinh thần” hay “văn hóa” riêng, qua đó làm việc để nhà chuyên môn là kiến trúc sư “phiên dịch” lại ra bằng ngôn ngữ không gian.

Tuy nhiên, TS. Hoàng Đức Khuê cũng cho rằng, để xây dựng “nơi chốn”, đúng là cần phải xây dựng lý thuyết nhưng phải tránh rơi vào cách nhìn nhận về một “đối tượng ưu tiên” trong không gian công cộng. “Mọi điều kiến trúc sư làm là phải sửa lỗi, lấp khoảng trống cho xã hội” chứ không phải nới rộng khoảng trống đó, TS. Khuê bình luận.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)