36 phố – 1 Hà Nội

36 phố, 36 nghề, 36 làng nghề nhưng phố phường Hà Nội thực ra vẫn có một đặc điểm chung: Văn hóa Làng – Làng trong phố. Có khác chăng chỉ là hình thức kiến trúc, Đình làng với nhà kiểu sàn đổi thành Đình phố kiểu nhà ống. Còn nội dung của Đình thì vẫn vậy, mỗi làng mỗi đình. Đình là nơi thờ thành hoàng làng, thờ tổ nghề; cũng là trụ sở hành chính, tụ họp, hoan hỉ. Mỗi phố mỗi Đình. Đình Hàng Thùng, Đình Đổng Hương (phố Hàng Trống), Đình Kim Ngân (phường Hàng Bạc) v.v..Cái chất làng được cụ thể hơn khi vào phố, trở thành phố nghề. Cái khép kín của Làng bớt đi để thêm vào chất giao tiếp buôn bán. Nó tạo thành các cặp Phố - Làng. Ví dụ: Hàng Trống- Liêu Thượng; Lò Rèn – Hòe Thọ; Hàng Hòm – Hà Vĩ... Cụ thể hơn như nghề bán thuốc Bắc, thuốc Nam ở phố Lãn Ông với nghề chế biến Đông dược của Làng Ninh Hiệp là cùng một gốc. Hiểu theo nghĩa họ tộc, bạn hàng, phường nghề, gia truyền, tự sản tự tiêu, nửa quê nửa tỉnh. Không có quê Hà Nội. Đằng sau Hà Nội là một cội rễ làng nào đó. Không phải là không có những văn nhân sinh ra ở đây, cha sinh mẹ dưỡng, nhưng cái chất thuỷ thổ của Hà Nội có xu hướng dưỡng (chất âm) nhiều hơn sinh (chất dương). Ngược lại với xứ Nghệ sinh nhiều hơn dưỡng. Hà Nội đã là nơi dung dưỡng cho biết bao danh sỹ, giai nhân tài tử nhiều đời nay.


Một đặc điểm nữa của 36 phố phường Hà Nội là chất Chợ – Sông. Yếu tố địa lý “Cận Giang” chính là nguyên nhân tạo ra đặc điểm thứ nhất của Hà Nội (Phố – Làng). Hay nói cách khác, đô thị “Cận Giang” như một cục nam châm hút toàn bộ tinh hoa của Làng nghề thủ công ở khắp mọi miền về Hà Nội và tạo ra 36 Làng nghề như vậy. Sức hút này hoàn toàn tự nhiên, nó vừa hướng về cái tâm đô thị nhưng vẫn không đánh mất mối liên hệ với gốc nghề ở làng. Nó là cái cầu nối, sản xuất ở làng, mang ra phố tiêu thụ. Những người thợ thủ công cùng với đặc trưng văn hóa vùng miền của họ từ tứ xứ chảy về, đọng lại. Nó vừa có cái riêng của mỗi vùng, vừa có cái chung sau quá trình giao tiếp với nhau tạo thành sự đặc sắc đa văn hóa, đặc điểm thứ ba của Hà Nội. Truyền thống là một khái niệm mở. Hà Nội hình thành 36 phố là cả một quá trình giao thương, ly hợp. Phố Hàng Gai không còn bán dây gai, dây đay nữa nay đã thành phố tơ lụa; Phố Hàng Trống không còn bán trống, phố Hàng Thùng không còn bán thùng gỗ…
Chất Chợ – Sông làm nên cái đáng yêu, cái duyên của Phố Hà Nội, cho dù hơi nhỏ hẹp, không sạch sẽ gọn gàng, quê quê tỉnh tỉnh… nhưng nó rất đẹp, rất riêng. Nó gần nghệ thuật hơn hành chính.
 

Nghệ thuật thà sai nhưng Đẹp còn hơn đúng mà…
Hà Nội không còn là Hà Nội nếu mất đi những khuyết điểm đó.
Mỗi một phố là một cái chợ, 36 phố là 36 cái chợ. Nó ồn ào náo nhiệt, xô bồ cởi mở. Đó là cái đặc thù của Hà Nội mà người ta có thể xem, nghe, ngửi, sờ thấy. Người ta được tham gia và sống trực tiếp cùng với nó. Khán giả cũng là tác giả. Chính đó là yếu tố quyến rũ rất đặc biệt của Hà Nội. Cái chợ – Hà Nội là mua bán mặc cả nhưng đồng thời cũng là lễ hội, hội hè đình đám. Nó là festival vĩnh cửu không nghỉ bao giờ. Nó là buôn thúng bán mẹt, là những quang gánh kẽo kẹt, chen lấn xô đẩy, len lỏi nắng mưa, thẫn thờ vu vơ đầu đường xó chợ. Đó là những người đàn bà xe đạp, xe thồ, xộc xệch, nặng trĩu, kĩu kịt, sớm khuya nói cười, bánh trái, quà cáp, hoa quả, bốn mùa giao hưởng.
Hà Nội có cả bốn mùa thay đổi. Nghệ sỹ nào mà chẳng khao khát đổi thay.
Nhiều khi nỗi nhớ nhà của kẻ tha hương cũng chỉ giản dị là thèm một chén trà bỏng lưỡi ngồi xổm đêm khuya mùa đông vỉa hè hiu hắt. Giá như lúc đó đừng phải một mình. Hà Nội đẹp lắm. Giá như có tri âm để “nói láo” dăm ba câu thì tuyệt thú. Kawabata bảo: “Khi tiếp xúc với cái đẹp, người ta thèm có bạn” chẳng ai ca ngợi bạn hay đến thế bao giờ.
Hà Nội có 36 phố hay nhiều hơn? Nhưng dù gì thì Hà Nội chính là một phố. Mỗi nghệ sỹ đều ước mơ tìm thấy một kiểu phố cho mình, một kiểu của mình, như Bùi Xuân Phái đã tìm ra kiểu phố rất Phái của ông, như Phan Vũ đã tìm ra những nốt – phố Hà Nội rất Phan Vũ.      

Lê Thiết Cương

Tác giả