80 năm “Đoạn Tuyệt”

Đoạn Tuyệt, tiểu thuyết quan trọng bậc nhất của Nhất Linh – thủ lĩnh Tự lực văn đoàn, vừa được Nhã Nam và NXB Hội nhà văn tái bản theo đúng bản in lần đầu, 1936, của Đời Nay. Tròn 80 năm, Đoạn Tuyệt, vượt khỏi cái tên sách văn chương thuần túy, gợi cho người đọc hôm nay sự cần thiết của tinh thần dứt bỏ cái cũ, lỗi thời; sự khó khăn nhưng tuyệt đẹp của việc tạo dựng cách sống tự do, tự lập và tự trọng. Bất kì ở đâu và lúc nào, “đoạn tuyệt” cũng phải được nuôi dưỡng như một ý chí, mệnh lệnh.

Ấn bản Đoạn tuyệt (2016) do Nhã Nam thực hiện,
được xếp vào tủ sách Việt Nam danh tác.

“Đoạn tuyệt”, tại sao không!

Nhiều người cho rằng xung đột cũ-mới ở giai đoạn giao thời đầu thế kỷ XX luôn gay cấn cho tất cả. Nhưng thực sự, thứ xung đột nhiều khi đã nổ ra ngay trong một gia đình này, bao giờ cũng vậy, chỉ có ý nghĩa lớn với những người trẻ tuổi. Nếu đã không tự chọn cách an toàn là thu mình vào các trật tự đã đóng khung, các ý niệm đã thành đường ray, các lề lối đã hằn sâu vào tâm trí, thì một người trẻ, một người đang dự sẵn sự hiểu biết và lòng tử tế, đang hình dung, thậm chí mơ tưởng, đến những chân trời giá trị mới, dù nhỏ nhoi dễ vỡ, bao giờ cũng là người đầu tiên dám đứng lên đả phá mà biểu hiện rõ nhất hẳn là thái độ bướng bỉnh, cà khịa, trêu ngươi mọi thứ.

Nhất Linh khi viết Đoạn Tuyệt mới 30 tuổi. Từng Tây du, Tây học và với vị thế thủ lĩnh Tự Lực văn đoàn vừa có, ông tự thân đứng vào phe phái mới, không chỉ đấu tranh và loại dần các đối thủ già nua cả về tuổi tác lẫn tri thức mà còn đề đạt cách thức thoát li trật tự xã hội cũ. Học thức, với nghĩa là tiếp cận vốn kiến thức mới, tân tiến, được xem là phương thuốc liều cao để tiêu trừ các chứng tật do hàng mớ thiết chế lỗi thời đang ngấm sâu trong từng gia đình riêng nhỏ đến xã hội rộng lớn bấy giờ.

Nhưng bi kịch của người có học thức mới, nhất là phụ nữ, đôi khi nằm ở chỗ là họ đã trở thành kẻ đáng ghét quá nhanh trước con mắt thủ cựu. Phong Hóa mỉa mai điều này: “trong đám phụ nữ tân thời, thảng hoặc cũng có một vài người biết học là để đem cái lẽ phải suy xét, áp dụng vào các việc ở đời […] nhưng mấy người ấy khó mà tìm được người hiểu mình, biết mình. Vì bọn đàn ông bạc bẽo kia lấy vợ thường chỉ là muốn lấy một người… đầu bếp giỏi” (số 18, 20/10/1932). Ta sẽ thấy Loan trong Đoạn Tuyệt đã thấm thía đến chừng nào nỗi khổ của một phụ nữ tân thời có học thức khi bị bủa vây bởi đám người vô học nhưng thừa năng lực tấn công người khác bằng thứ đạo đức giả dối. “Cái học kia chỉ làm cho mình biết và cảm thấy rõ những nỗi đau khổ phải gặp trên đường đời” không phải là lời than oán của Loan dành cho việc mình đã đến trường mà là sự tự tri nhận tác dụng của học vấn, thứ kinh nghiệm mới mẻ giờ đây giúp nàng phân biệt được lẽ đúng sai trong mỗi hành vi, suy nghĩ và bổn phận của mình. Sức mạnh trí tuệ ở Loan, không gì khác, là đã phát hiện, chỉ mặt những tác nhân gây đau khổ, dù đến cùng hay nửa vời, để không rơi vào tình cảnh mê muội chấp nhận mọi phi lí, ngang trái. Để học vấn mới lên ngôi, chỗ đứng của người phụ nữ sẽ rộng hơn rất nhiều so với vị trí con người nạn nhân như trước. Và không có gì hợp lí, thuyết phục cho bằng việc tìm chỗ đứng ấy ngay trong gia đình, nơi người phụ nữ vốn chỉ được đóng vai người sinh nở, hầu hạ gia đình chồng và là đích ngắm cho các sợi dây nghĩa vụ trái khoáy thòng vào.

Khi tiến đến thang bậc “gái có học”, “gái tân thời”, thì một cách khái quát, Loan gần như song hành với lộ trình lấy phụ nữ làm mục tiêu cải cách xã hội, một sự nghiệp làm nhọc tâm trí của biết bao người trong giai đoạn giao thời. Đứng sau mỗi bước đi ấy, như nhận định của Nhất Linh, chính là phương Tây, “chính người Pháp đã dạy họ những nhẽ lý mới, đã cho họ những quan niệm mới về cuộc đời”. Dĩ nhiên, Nhất Linh không cả tin quá mức vào học thức. Ông hiểu sâu sắc việc “không tạo cho họ một hoàn cảnh phù hợp với quan niệm mới của họ” cũng đồng nghĩa với tội trạng. Tình thế người phụ nữ trực tiếp tham gia hoán cải môi trường sống sẽ làm mất mặt xã hội nam quyền và dự báo trước những chông gai, biến cố khó lường.

Nhất Linh Đoạn Tuyệt là người trẻ đoạn tuyệt. Cô Loan đoạn tuyệt thì tất cả phụ nữ tân thời đều muốn học theo. Tại sao không thể đoạn tuyệt khi thời thế và bản thân đã hội tụ đủ các điều kiện hoàn hảo để bắt đầu một sự vùng thoát, cắt đứt mọi kìm kẹp mà bất luận được giải thích thế nào cũng tự bộc lộ sự cũ kĩ, giả dối và phi nhân? Chính bởi tư cách một cá nhân không phải đáng trọng ở thái độ phục tòng răm rắp bóng tối mà ở khả năng ngẩng cao đầu đón nhận ánh sáng nên ta thấy “đoạn tuyệt”, vượt qua thời khắc ngắn ngủi cụ thể, có hiệu ứng ngay cả với hôm nay.

Vẻ đẹp của cái khó

Khác với cô Tố Tâm (của Hoàng Ngọc Phách), Loan không rơi vào cái chết. Tự vẫn lại càng không. Sự khác biệt ấy không chỉ do cái nhìn của nhà văn. Nó còn bởi thời đại Nhất Linh đòi hỏi những động thái khác hơn và cũng khó khăn hơn ý định phản kháng bằng quyên sinh. Loan mới và khác chính trong sự so sánh với nam giới (“Học thức mình không kém gì Dũng, sao lại không thể như Dũng, sống một đời tự lập, cường tráng”), trong nhận thức cao độ về bản thân (“Tôi không cần ai dạy tôi”; “Không ai có quyền chửi tôi, không ai có quyền đánh tôi”). Loan cũng mới và khác khi biết dùng quần áo tối tân, để tóc đường ngôi lệch, nói tiếng Pháp thành thạo, biết tự tay tìm kế sinh nhai. Nhưng Loan còn thực sự tuyệt đối mới và khác trong tình huống “cầm dao đâm chồng”được nhà văn xây dựng như một sự kiện xã hội nổi bật. Báo chí giật tin, phiên tòa xét xử, bị cáo và nạn nhân, kết tội và bào chữa, tất cả, đã tạo thành nguồn dữ liệu đáng tin cậy để tìm hiểu tâm thái thời đại mong muốn, khao khát đả phá những luân lí, tục lệ cũ như thế nào. Con dao vô tình trong tay Loan, hay sức mạnh vô hình của sự phẫn hận, đã làm đổ máu đồng thời cả hai: kẻ lưu giữ những cặn bã đạo đức cũ và người châm ngòi cho những quan niệm tiến bộ mới. Như vậy, sự xung đột cũ-mới, đến thời điểm đó, đã mang màu sắc của sự phân chia lằn ranh mà giới tuyến hoàn toàn có thể là một vết cắt rất sắc, đủ để kết thúc cái này và tạo sinh cái kia. Nhất Linh đã tìm đúng đối tượng cần phải chết là chế độ hôn nhân ép buộc, chế độ đại gia đình, đồng thời trao cơ hội sống, cách sống mới cho những người dám chống đối, nổi loạn. Phiên tòa xét xử rất dụng công của nhà văn thuần túy chỉ là khẩu chiến giữa hai ý hệ cũ – mới nhưng nó quá quan trọng và cần thiết cho số đông nhân quần đang do dự, chần chừ trước các lằn ranh. Phải dứt khoát đoạn tuyệt cái cũ, đó là cử chỉ tỉnh táo duy nhất được cảm phục, biện minh và sáng láng.

Ngay cả trong tiếng nói thiên về khảo cứu là Việt Nam văn hóa sử cương (1938), sau khi thừa nhận không ít điều tốt đẹp của “tinh thần tồn cổ”, Đào Duy Anh, bấy giờ mới ngoài 30 tuổi, cũng dứt khoát cho rằng giữa lúc Đông Tây tiếp xúc không thể chối cãi “mối liên lạc ấy đã đoạn tuyệt”1. Nền tảng văn hóa cũ không phải lúc nào cũng nhất thành bất biến và nếu duy trì nó quá cứng nhắc trong bối cảnh xã hội biến đổi không ngừng, ta sẽ dẫm lên chính vô số điểm lung lay, khuyết thiếu và lỗi thời của nó.

Tuy thế, đoạn tuyệt chưa bao giờ là dễ dàng. Hãy dừng lại ở chi tiết Loan vẫn phải che giấu danh tính của mình ở đoạn đời sau, đoạn đời mà nàng được là người tự do, tự lập. Tấn công hay cắt lìa cái cũ, cái đã từng ăn sâu vào gốc, dù là để nảy nở những mầm mống mới rất đáng chào đón, vẫn thường xảy ra sự tự thương bên trong, ngay ở trung tâm tạo sinh căn cước một thời đại. Đoạn tuyệt thời đại cũ hẳn nhiên rất đẹp. Nhưng là vẻ đẹp của cái khó. Liệu có thời đại nào, căn cước nào chỉ cúi đầu chịu báng bổ mà không tự vệ? Huống hồ Loan đã cố vùng thoát căn tính nữ giới truyền thống bằng chính cánh cửa khó khăn nhất dành cho một người phụ nữ: chấp nhận vô sinh như là cách để tránh bi kịch cho thế hệ sau. Không thể cưu mang cái khác (other), mỗi thời đại văn hóa, như người phụ nữ vô sinh, không thể có một nối tiếp hiện đại và hài hòa.

Đấy cũng là lúc văn học lãng mạn kịp xoa dịu bằng liệu pháp dấn thân xã hội, tình ái hoặc phiêu lưu giang hồ mà nam thanh nữ tú rất ưa bắt chước. Người đọc hôm nay sẽ thắc mắc về cái gọi là “cuộc đời phiêu lưu hoạt động” của Dũng. Nó không những mơ hồ mục đích mà còn luẩn quẩn phạm vi. Nó vừa đại khái nay đây mai đó vừa sơ lược hành trạng. Nhưng Dũng là tiếng gọi tha thiết trong Loan. Nhất Linh đã cố gắng giải thích căn nguyên của việc Dũng “đi tìm cảnh mới lạ” là vì, chẳng hạn, được “cảm thấy tâm hồn của đất nước”. Phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp đã hỗ trợ đắc lực cho tình cảm này. Song, dù trưng hết chứng cứ về thái độ gần gũi dân sinh, niềm tin vào sự tiến bộ xã hội, Nhất Linh vẫn lúng túng khi giải quyết mâu thuẫn tâm lí của lớp người trẻ thành thị trước hai “gói” tinh thần cơ bản là yêu đương lí tưởng và mưu cầu nghiệp lớn. Phải đợi vài năm sau, trong Đôi bạn (1939), hậu thân của Đoạn Tuyệt, khi đã nhìn lại hình ảnh lớp thanh niên đi làm cách mạng mà khởi nghĩa Yên Bái là điển hình, Nhất Linh mới đầu tư nhiều hơn vào phân tích nội tâm nhân vật, đặng chứng minh tình cảm cách mạng, ngoài thỏa mãn xúc cảm cá nhân, còn là mối băn khoăn có thực về chí hướng và cách sống, cách sử dụng cuộc đời. Những phân tích nội tâm đó rất nên đọc lại để hình dung phong phú thêm về mẫu hình nhà cách mạng trong văn học trước 1945. Tất nhiên, để loại bớt được ác cảm rằng văn học lãng mạn chỉ chăm chăm mĩ hóa những yếu đuối, bi quan và phiền não, cho đến giờ phút này, vẫn không dễ dàng với số đông.

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)